Biết mấy tự hào, Hải Hậu quê hương

Biết mấy tự hào, Hải Hậu quê hương

Huyện Hải Hậu, Nam Định quê tôi là vùng đất mới hình thành và ra đời qua gần nửa thiên niên kỷ liên tục “quay đê lấn biển” và rồi tiếp tục đắp đê chống biển lấn, để đến nay cái tên huyện Hải Hậu vừa tròn 125 năm, với bao biến đổi của sự phát triển không ngừng, như dòng chảy của sông Ninh cơ cần mẫn đưa phù sa về đắp bồi cho vùng đất trẻ miền chân sóng.
Thế hệ chúng tôi ra đời trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lớn lên trong tiếng bom gầm đạn réo của Thần Sấm, Con Ma của giặc Mỹ, được chứng kiến và tham gia cuộc đọ sức kiên cường của nhân dân ta trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc. Chúng tôi may mắn được thừa hưởng những tinh hoa ở miền đất trẻ do Tứ tính Cửu tộc khai phá, dựng xây và những đức tinh cao quý của con người nơi đây vốn cần cù, kiên trì nhẫn nại, với khí phách anh hùng và tinh thần sáng tạo trong việc chinh phục thiên nhiên, chiến thắng giặc thù, tạo lập và bảo vệ, dưng xây vùng đất màu mỡ và cuộc sống như hôm nay.

Những năm chiến tranh, quê tôi được mệnh danh là “Cồn Cỏ” của Nam Hà. Hình ảnh nữ dân quân xã Hải Thịnh Hà Thị Nhiên trẻ trung, xinh xắn, vai đeo súng, kéo xác máy bay Mỹ trên bãi biển vừa thơ mộng,vừa hào hùng, đã có mặt khắp bốn biển năm châu.

Rồi những cánh đồng thẳng cánh cò bay 5 tấn, 6 tấn, những ô nề muối trắng, những cánh buồm no gió nhấp nhô nơi biển bíếc, những phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, và điều đặc biệt là trong khói lửa đạn bom vẫn vang vang tiếng hát chèo, hát văn truyền thống trên các trận điạ phòng không, cũng như trên đồng lúa thâm canh thắng Mỹ… cứ lung linh trong tâm trí và đã theo chúng tôi trong suốt 15 năm quân ngũ, thời gian xa quê. Đến khi trở về quê công tác, có điều kiện đi khắp các xã thị trấn trong huyện, khám phá thêm nhiều điều thú vị và luôn tự hào về vùng đất mình sinh ra. Hải Hậu quê tôi là điển hình thâm canh lúa của tỉnh, là điểm sáng về phong trào xây dựng đời sống văn hoá.

Tôi còn nhớ mãi vào dịp kết thúc thế kỷ XX, đúng vào năm 2000, Hải Hậu được Bộ Văn hoá – Thông tin và Bộ Trưởng Nguyễn Khoa Điềm về dự hội nghị tổng kết của ngành, đã tặng cờ “điển hình tiên tiến xuất sắc 20 năm liên tục trên lĩnh vực văn hoá thông tin” cho huyện và từ đó đến nay Hải Hậu vẫn giữ vững là điển hình văn hóa thông tin cấp huyện của cả nước.

Cánh đồng muối nổi tiếng bậc nhất Nam Định nằm ở xã Văn Lý, huyện Hải Hậu. Như bao diêm dân khác, những người làm muối ở đây rất vất vả để cho ra được những hạt muối trắng ngần.

Những ngày tháng Tám lịch sử này, từ xã đầu huyện Hải Vân, Hải Nam – nơi năm 1931, lá cờ búa liềm đã tung bay trên cây gạo làng Hội Khê ngoại, đến điểm cuối huyện là thị trấn Thịnh Long, đi đến đâu cũng thấy bộn bề công việc và được chứng kiến không khí nhộn nhịp, hào hứng của người dân quê tôi đã và đang tưng bừng chuẩn bị cho lễ hội, lễ kỷ niệm 125 năm ngày thành lập huyện, đón Huân chương Độc lập Hạng Nhất vào dịp Quốc khánh 2/9 và khẩn trương chạy đua “về đích” nông thôn mới.
Ngoài các lễ hội truyền thống của từng xã, từng vùng, mà nổi bật là lễ hội Chùa Lương – nơi có đền thờ “Tứ Tổ”, tức bốn ông tổ đầu tiên quai đê, lấn biển lập ra vùng đất này, còn có Lễ hội Cách mạng đúng vào dịp Quốc khánh. Mọi khách về đây đều công nhận chỉ có Hải Hậu mới có Lễ hội Cách mạng sôi nổi, được tổ chức quy mô và thành nền nếp thế này. Người Hải Hậu yêu văn nghệ thể thao; trước đây ở Hải Toàn có gia đình từ bố đến con trai, con gái, con dâu, con rể, đều có mặt trong đội chèo của xã, thì nay, ở nhiều xã như Hải Thanh, Hải Hưng, Hải Hà, Thị trấn Thịnh Long…, xuất hiện nhiều thành viên gia đình đều là diễn viên, cầu thủ, cùng tham gia trong lễ hội. Lễ hội thu hút hàng vạn người tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ ,thể dục thể thao, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, cũng là dịp giao lưu văn hoá, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương đất nước . Tất nhiên năm nay quy mô sẽ lớn hơn và mọi người đang náo nức chuẩn bị và chờ đợi để ”về với Hội”.

Nông thôn mới Hải Đường.

Nói về xây dựng nông thôn mới , từ những năm xa xưa của thế kỷ trước , bằng cái nhạy cảm của người miền biển “ăn sóng nói gió”, trong cách nghĩ, cùng như trong hành động, đã thể hiện bản sắc người đi lấn biển:làm ra làm, cái gì cũng muốn chắc chắn để đối phó, trụ vững trước bão tố và làm đến đâu được đến đó.

Cứ nhìn vào nhà cửa quê tôi là thấy ! rồi đi tới đâu cũng thấy bát ngát màu xanh: xanh của trời ,của biển hoà quyện trong màu xanh của những cánh đồng bờ xôi ruộng mật và cây cối, nhất là cây xanh cảnh .Vừa rồi, nhà văn , nhà thơ, đại tá Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng về thăm, anh vô cùng xúc động trước cảnh sắc của quê hương, đã viết bài ” Biếc xanh Hải Hậu” phát hoạ một bức tranh quê rất thực và rất đẹp, nhiêù người cứ đọc đi đọc lại.

Đường hoa tại Hải Hậu

Phải chăng những gì quê mình đã làm được là vô cùng lớn lao. Phong trào ‘Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” vừa triển khai hơn 2 năm qua đã gặt hái những kết quả khó thể ngờ tới: Từ điểm xuất phát mới đạt 8/19 tiêu chí , đến nay đã đạt 15 tiêu chí .

Lại nhớ quyết tâm ban đầu phấn đấu hết năm 2012, toàn huyện có 125 xóm nông thôn mới để chào mưng 125 năm thành lập huyện, đến nay có trên 350/546 xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu xóm nông thôn mới. Tháng 11 năm ngoái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và mới đây Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về thăm đánh giá rất cao phong trào xây dựng nông thôn mới của Hải Hậu và đây là một động lực vô cùng to lơn, một ” cú hích’ ‘thúc đẩy tiến trình nông thôn mới của quê tôi nhanh hơn ; khả năng hết năm 2013 có 20/35 xã thị trân đạt nông thôn mới và Hải Hậu tự tin kết thúc năm 2014 huyện sẽ cơ bản hoàn thànhviệc xây dựng huyện nông thôn mới ,để rồi chuẩn bị cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ của cơ sở và huyện đầu năm 2015 với ngập tràn niềm vui. Phải chắng sức mạnh của ý chí con người vùng chân sóng luôn đồng sức đồng lòng , ý Đảng hoà quyện lòng dân đã làm nên những thành tích đó .

Lễ hội tại Hải Hậu

Chúng tôi tự hào về quê hương. Mà không tự hào sao được! Một miền đất hình thành với tên huyên Hải Hậu mới tròn 125 năm, so với lịch sử chẳng thấm vào đâu, song truyền thống cách mạng văn hiến, thì hết sức phong phú. Hơn một thế kỷ thành lập, tiếp tục tô thắm thêm truyền thống ” Mỹ tục khả phong ” “Thiện tục khả phong ” khi xưa và nay đã được Nhà nước phong tặng 3 lần Anh hùng, Huân chương Độc lập Hạng Ba, Hạng Nhì, Hạng Nhất …để hôm nay, chúng tôi thầm hãnh diện về quê hương trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, để rồi “ai đi, ai đến, ai về; nhớ vùng biến sáng miền quê Anh hùng” và luôn tự hào rằng: Tôi là người Hải Hậu!

Video: Hải Hậu 1 vùng quê đáng sống
Nguyễn Văn Cảnh – Tháng 8/2013


TOP