Kỳ bí ngôi làng "hình cá chép" độc nhất Việt Nam

Kỳ bí ngôi làng “hình cá chép” độc nhất Việt Nam

Làng Hành Thiện từ lâu đã nổi tiếng khắp nước với việc học hành khoa cử, không chỉ có vậy mà nơi đây còn lưu truyền những câu chuyện kỳ bí và hấp dẫn cho hậu thế.

“Tung mình ra biển Đông” từ hơn 500 năm trước

Lật giở theo những trang sách “Hành Thiện xã chí” thì được biết làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định vốn có tên gọi là “Hành Cung Trang” được thành lập vào khoảng năm 1500. Đến năm 1823, vua Minh Mạng cho đổi tên thành Hành Thiện với ý nghĩa “nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện” và ban cho làng 4 chữ “Mỹ Tục Khả Phong”.

Điều đáng khâm phục là ngay từ khi lập làng các cư dân nơi đây đã có ý thức quy hoạch một không gian sống hết sức khoa học, quy củ.

Làng Hành Thiện có hình một chú cá chép đang tung mình lao ra biển Đông

Làng Hành Thiện có hình một chú cá chép đang tung mình lao ra biển Đông

Bao quanh làng là hai nhánh của một con sông nhỏ rộng khoảng 7m, được gọi là sông Con (để phân biệt với sông Cái – sông Ninh Cơ là một nhánh của sông Hồng). Theo các bậc cao niên trong làng, có hai giả thiết về việc hình thành lên con sông này.

Giả thiết thứ nhất cho rằng chúng được tạo thành một cách tự nhiên, những cư dân đến ở chỉ là người khai khẩn, chỉnh trang lại như địa thế ngày nay. Giả thiết thứ hai được nhiều người tán thành hơn, đó là chính những cư dân đầu tiên đã “quy hoạch” ngôi làng và tiến hành đào lên hai con sông theo ý đồ trước đó, nhằm mục đích phù hợp với phong thủy và ngăn giặc cướp.

diadiemnamdinhĐiều làm nên sự kì ảo của hai nhánh con sông này chính là việc nó đã tạo hình dáng con cá chép của ngôi làng. Nhìn từ trên cao, hai nhánh con sông như những đường viền ngăn cách ngôi làng với vùng đất bên cạnh, khiến cho khu đất bên trong hiện lên hình dáng “lý ngư”, những cây cầu xung quanh làng cũng được xây dựng ở vị trí tương ứng với các loại vây trên mình cá, tại phần đầu cá còn có một chiếc giếng khơi, nước trong vắt nên được gọi là giếng Mắt cá.

Quả thực nếu nhìn trên bản đồ ta sẽ thấy làng Hành Thiện xuất hiện rõ nét với hình ảnh của một chú cá chép khổng lồ, đầu hướng về Nam, đuôi vòng phía Bắc đang trong tư thế vẫy vùng như muốn tung mình lao ra biển Đông.

Những cây cầu được xây dựng tại vị trí tương ứng với vây cá

Những cây cầu được xây dựng tại vị trí tương ứng với vây cá

Nếu coi làng Hành Thiện như một chú cá chép thì vùng đất từ giữa bụng cá trở lên đến mang cá được quy hoạch làm nơi sinh sống của dân cư trong làng. Trong khu vực này hình thành lên 14 dong (xóm), mỗi dong cắt ngang theo thân cá như chia khúc, gồm một con đường chạy dọc ở giữa và các ngôi nhà được xây dựng hai bên. Phần đầu cá được quy định làm nơi họp chợ của cả làng, tại đuôi cá là khu nghĩa trang và chùa miếu để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Nhìn tổng thể mặt địa lý làng Hành Thiện ta không thể không khâm phục óc tưởng tượng của các cư dân cách đây hơn 510 năm, theo như tài liệu để lại, trước đây toàn bộ đường đi trong làng đều được lát đá xanh, “mưa gió bùn đất không bén gót chân”, bên cạnh đường xóm là rãnh thoát nước được xây bằng gạch mộc, chính vì thế làng không bao giờ phải chịu cảnh ngập lụt bởi tất cả nước mưa, nước sinh hoạt đều theo các rãnh này chảy ra hai nhánh con sông quanh làng và từ đó thoát ra sông Ninh Cơ.

Ngày nay về cơ bản làng vẫn giữ nguyên hình dạng như thửa sơ khai, có chăng chỉ thay đổi về kiến trúc. Nhìn những dãy nhà thẳng tắp, đường đi phong quang, sạch sẽ, hai bên bờ sông là hàng liễu xanh mát mắt uốn lượn bao bọc lấy ngôi làng mới thấy hết được cái nhìn sâu xa của người xưa.

Hàng liễu xanh mát mắt bao bọc quanh làng

Hàng liễu xanh mát mắt bao bọc quanh làng

Vùng đất địa linh nhân kiệt
Theo như câu chuyện dân gian được lưu truyền rộng rãi trong làng thì một trong những giai thoại nổi tiếng nhất của cụ Tả Ao là chữa “thế đất” cho làng Hành Thiện. Khi tới đây, cụ đã nhận thấy đất làng có hình con cá chép bơi ra biển, phù sa mỗi ngày một bồi thêm đất làm làng hưng phát, chỉ hiềm con cá chép không có mắt nên không phát khoa danh.

Dân làng nghe cụ nói bèn hậu đãi trà rượu và khẩn khoản xin cụ đặt lại hướng làng. Cụ Tả Ao thấy dân làng tử tế liền chỉ cho làng đào một cái giếng lớn làm mắt cho con cá chép, từ đấy dân làng bắt đầu đại phát khoa danh.

Tính xác thực của câu chuyện trên còn chưa được kiểm chứng, nhưng sự “đại phát khoa danh” của làng thì không thể bàn cãi. Có thể những số liệu dưới đây khiến nhiều người nghi ngờ nhưng quả thật đó chính là những gì ngôi làng này đã và đang đóng góp cho đất nước.

Theo ông Nguyễn Đăng Hùng (Hội trưởng Hội khuyến học làng) thì thời phong kiến, Hành Thiện có 419 người đỗ đạt, trong đó có đến 7 người đỗ đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Làng có 4 người làm quan thượng thư, 4 người là quan tuần phủ, 4 người là tổng đốc, 69 người làm tri phủ, tri huyện…

Từ sau Cách mạng Tháng tám đến nay, Hành Thiện có 45 người là giáo sư, phó giáo sư; 166 người là tiến sĩ, thạc sĩ; 1.493 người tốt nghiệp đại học. Cố Tổng Bí thư – Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu) cũng được sinh ra ở vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Nhà bia và đình làng, nơi ghi danh những người đỗ đạt

Nhà bia và đình làng, nơi ghi danh những người đỗ đạt

Chuyện là mấy năm trước, để tiện việc đi lại cho bà con trong làng, xã đã quyết định xây thêm một chiếc cầu ngay vị trí mõm cá, nhiều vị bô lão đã lên tiếng phản đối vì cho rằng chiếc cầu đó như chiếc lưỡi câu, cá chép mà bị mắc lưỡi câu thì không thể “vượt vũ môn”.

Vào năm 2005 chiếc cầu đã bị dỡ bỏ do xuống cấp và cũng để hợp lòng dân, ngay lập tức năm đó làng có 75 con em trong làng đỗ đại học trong số gần 100 em dự thi.

Tuy vậy theo GS Đặng Vũ Khiêu thì nguyên nhân chính của việc học hành đỗ đạt là do truyền thống ham học hỏi cộng với sự cần cù chăm chỉ của người dân sống nơi đây.

Chùa Thần Quang – Ngôi cổ tự “kỵ sư”

Được xây dựng vào thời nhà Lý, chùa Thần Quang (hay còn gọi là chùa Keo – Hành Thiện, để phân biệt với chùa Keo Thái Bình) được biết đến như ngôi chùa cố kính nhất miền Bắc. Năm 1061, thiền sư Dương Không Lộ (Quốc sư triều Lý) dựng chùa Thần Quang bên hữu ngạn sông Hồng. Theo thời gian, nước sông Hồng xói mòn dần đến nền chùa, đến năm 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi cả làng mạc lẫn ngôi chùa.

Gác chuông chùa Thần Quang

Gác chuông chùa Thần Quang

Dân làng Keo phải dời bỏ quê cha đất tổ, một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông bắc tả ngạn sông Hồng (về sau dựng nên chùa Keo – Thái Bình); một phần xuống vùng Xuân Trường, và dựng lại chùa Keo – Hành Thiện.

Vào thời Pháp thuộc, ngôi chùa đã được chính quyền Pháp liệt vào hàng “Cổ tự Đông Dương”. Năm 1962 chùa đã được Nhà nước xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa”.Ngoài các giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ và tư duy triết học, thì một trong những điều làm cho ngôi chùa trở lên nổi tiếng chính là việc tại đây không hề có bóng dáng của một vị sư sãi, mặc cho ngôi chùa đã tồn tại gần 1000 năm.

Những năm trước, để quản lý ngôi cổ tự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần cử các bậc cao tăng về làm trụ trì, nhưng chỉ được ít lâu sau những vị này đều lần lượt khăn gói ra đi chỉ với một lý do “thấy trong người khó ở”. Vào các dịp lễ hội tại đây vẫn có các vị tăng, ni đảm nhận việc làm lễ nhưng chỉ sau khi kết thúc là tất cả lại cất bước lên đường.

Quang cảnh thâm nghiêm trong chùa Thần Quang

Quang cảnh thâm nghiêm trong chùa Thần Quang

Chính vì thế thay cho các vị sư, tại chùa có chức danh “thủ nhang” – là những người đảm nhận việc trông coi và hương khói cho chùa trong cả năm.

Để giải mã cho điều này trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện đậm màu sắc “liêu trai”. Truyền rằng, khi Thiền sư Không Lộ dựng nên chùa, dân làng nơi đây không mấy mặn mà với khói nhang nên Đức Thánh tổ giận dữ mới rời chùa đi nơi khác.Trong một đêm, Đức Thánh đan không biết bao nhiêu rọ tre, rồi tất cả tượng Phật ngài đều cho cả vào đấy.

Ngài ngả nón làm thuyền vượt sông Hồng sang đất Thái Bình, mang theo tất cả tượng Phật về nơi đất mới. Cũng nội trong đêm ấy, khi dân làng Duy Nhất (huyện Vũ Thư, Thái Bình) tỉnh giấc đã thấy ngôi chùa sừng sững mọc lên. Đức Thánh tổ rời bỏ chùa cũ cùng với lời nguyền: sẽ không có sư nào đến ở đất Hành Thiện.

Tuy vậy, theo sách “Hành Thiện quê ta” của tác giả Đỗ Quang Huyên còn có một lý do khác khiến cho nơi đây trở thành mảnh đất “kỵ sư”. Theo tác giả, đất Hành Thiện từ xa xưa vố là nơi có nhiều danh nho, sĩ tử. Các bậc nho sĩ ngày xưa không chỉ am tường Tứ thư – Ngũ Kinh mà còn thông hiểu cả đạo Phật, chính vì thế các vị sư thường không đủ “tự tin” để giảng đạo tại đây, lâu dần thành lệ khiến cho chùa Keo – Hành Thiện trở lên “vắng bóng áo thâm”.

Thực hư những câu chuyện trên thế nào đến nay vẫn chưa được làm rõ, chỉ có điều ngôi chùa mang trong mình đầy những bí ẩn huyền hoặc đến nay vẫn lặng lẽ ẩn mình thâm nghiêm dưới những bóng đa rợp mát xung quanh để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân.

nguyễn cường – infonet.vn


TOP