Làng xưa Nam Định - P.1

Làng xưa Nam Định – P.1

1. Làng Vị Hoàng:

Tất cả các cuốn địa chí về Nam Định đều ghi thành tỉnh Nam Định xây trên đất Vị Hoàng và Năng Tĩnh.

Làng Vị Hoàng xưa thật lớn, giáp bờ sông Nhị, thành quân doanh của phủ Thiên Trường. Đến năm 1865, làng Vị Hoàng đổi tên thành làng Vị Xuyên. Nguyên là: khi cụ Trần Bích San thi trúng Tam nguyên được vào chầu vua. Vua Tự Đức hỏi quê quán, cụ thưa cụ người làng Vị Hoàng – Hoàng là tên ông tổ họ Nguyễn, Kiêng tên húy, vua Tự Đức cho đổi Hoàng thành Xuyên. Từ đó, dân quen gọi đất ấy là làng Vị Xuyên. Làng Vị Xuyên nhận chữ lềnh nên ở phía dưới. Chuông chùa Phù Long, các văn bia, văn tự xưa còn ghi “Cổ Lộng thôn, Vị Hoàng xã, Đông Mặc tổng, Mỹ Lộc huyện, Nam Định tỉnh” là những minh chứng làng Vị Hoàng xưa bao gồm cả làng Phụ Long.

1

– Làng Vị Hoàng có các thôn:

+ Thôn Khoái Đồng, ngày nay từ đường Đồng Tháp Mười ra bờ sông phía bắc đường Minh Khai, phía tây là đường Nguyễn Du, phía nam là sông Đào và một phần xóm Gốc Mít.

+ Thôn Thi Thượng gồm các khu phố cũ ra đời vào khoảng cuối thế kỉ 18 đến thế kỉ 20 từ khi quân doanh Vị Hoàng đã trở nên một nơi làm ăn sầm uất, trên bến dưới thuyền. Một số phố ven theo bờ sông Vị ra đời như Hàng Cót, Hàng Nâu, Hàng Bát, Hàng Mâm, Hàng Song, Hàng Sắt, Bến Ngự. Các đường phố Hàng Đồng, Hàng Giầy hay Hàng Thùng (phố Bắc Ninh), Hàng Tiện, Hàng Mũ, Hàng Giấy, Phố Khách (phố Hoàng Văn Thụ), Hàng Dầu xiên ngang hay chạy dọc theo các phố trên.

2

+ Thôn Thi Hạ: Từ khu chợ Đò Chè, chạy sang Hàng Nồi, Hàng Cau, Hàng Sũ men theo sông Đào chỉ sầm uất lên từ khi bờ sông có nhiều bến như bến đò Vạn Diệp (Giá Nứa), bến Đò Chè, bến Đò Quan…

+ Thôn Hậu Đồng: Từ sau sông Vị đến đê bao bì giáp Tức Mặc ra đến Trại Hữu, Cồn Vịt giáp Phù Nghĩa. Đây là một vùng ngoại ô, nhà ở thưa thớt còn phần lớn là bãi hoang, tha ma, nghĩa địa nay là khu Phù Long B, xí nghiệp hoa qủa.

+ Thôn Lộng Đồng ở mãi Cầu Gia (làng Gia Hòa xã Lộc An đường đi Ninh Bình), cách hẳn làng Vị Hoàng đến 5km. Tục truyền rằng: đời Trần, có bà công chúa mất con công quý. Người làng Vị Hoàng tìm được mang về dâng trả công chúa. Công chúa lấy đất Lộng Đồng ban cho.

Từ khi có dòng sòng Vị đời Trần, làng bị cắt ra làm đôi: Bên kia “ngoài làng” là làng Khoái Đồng, còn bên này là “trong phố” gồm các phố Hàng Cót, Hàng Nâu, Hàng Bát… Từ “ngoài làng” vào “trong phố” người Khoái Đồng phải qua đò Bích Câu hay bến Trà Lũ. Muốn sang phố Hàng Lọng ở Cửa Đông (phố Lê Hồng Phong) phải qua đò Bến Ngự, nay là địa điểm thư viện tỉnh sang cửa hàng đặc sản.

Người làng Khoái Đồng có nghề trồng rau quanh năm cung cấp cho toàn thành. Xưa kia làng còn liền với làng Vị Khê và làng Phù Hoa (Phù Nghĩa), ba làng trồng rau, hoa và cây cảnh phục vụ cho vương cung Thiên Trường.

Bản đồ thành Nam xưa

Bản đồ thành Nam xưa

Dân Thi Thượng buôn bán làm ăn đã lập thành đường phố, nhà xây dựng liền vách san sát thành dãy. Thôn Thi Thượng trù phú hơn cả. Đầu thôn là chợ Vị Hoàng buôn bán sầm uất. Ngày thường bán rau, hoa quả của làng, đón hàng thực phẩm rau quả từ Thái Bình sang, từ vùng Tả Hà bên kia sông, từ các huyện miền biển lên. Ngày tết là chợ hoa, cây cảnh của Vị Khê, Khoái Đồng. Mặt hàng nổi tiếng là lợn ỉ, gà ri. Sau này chợ Hoàng vẫn là một chợ lớn chỉ đứng sau chợ Rồng. Thôn Thi Thượng ở đầu làng nhưng coi như khu trung tâm của làng. Khu này có rừng trúc, rừng nứa (khu Chùa Cả hiện nay) bao quanh là một con ngòi chảy từ phía chùa Cuối lên. Con ngòi này thực chất là một đường thoát nước nối liền với con ngòi phân chia ranh giới giữa làng Vị Hoàng với làng Đông Mặc. Muốn vào xóm, người ta phải qua 5 cầu đá xây dựng bằng những tảng đá phẳng lì, nhẵn bóng. Xóm này vì thế mang cái tên Thạch Kiều thật đẹp. Ngôi đình làng ở giữa xóm Thạch Kiều là một công trình kiến trúc đẹp, phía tam quan có gác chuông đồng khánh đá. Trước mặt đình là một hồ bán nguyệt thả sen. Sau tam quan đến một sân gạch rộng thênh thang, trang nhã thêm vì nhiều chậu hoa cây cảnh, dân làng tiến cúng. Đình làng bề thế thêm vì những cây đại thụ tỏa tán lá phủ mái đình và hai hàng nhà giải vũ hai bên. Nghe nói ngôi đình làng là công trình của kiến trúc sư Nguyễn Vân Thanh, người làng. Ông đã tận dụng nền kiến trúc dân tộc cổ truyền kết hợp với cách bố trí hiện đại, tạo nên một công trình hài hòa với cảnh quan xung quanh. Nơi đây, hàng năm là nơi hội họp của dân làng sống ở bốn giáp: giáp Nhất Bắc, giáp Nhị Bắc, giáp Nhất Nam, giáp Nhị Nam. Những cuộc thi cỗ, thi múa cờ, thi võ, thi đánh cờ người… đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật, của tài hoa vào những ngày xuân thong thả, khuyến khích sản xuất, võ thuật, trí tuệ đã diễn ra ở đây, tương xứng với một làng có nhiều bậc danh nho. Cũng tại nơi đây hàng năm có cuộc thi khóa sinh chọn người đi dự thi hương.

Sát đình là chùa Cả – theo bia ở hậu cung, chùa xây dựng từ thời Trần tên chữ là “Thánh ân tự”. Bài minh trên chuông chùa mang niên hiệu Cảnh lịch thứ 6 đời Mạc Phúc Nguyên (1553) ghi lại: Chùa trước đây xây ở Bến Ngự là nơi tu hành của một số hoàng phi, công chúa thời Trần. Đến thời Mạc Đăng Chính (1530 – 1539) nước sông Vị lên to bờ sông lở nhiều, người họ Trần ở đất Vị Hoàng chuyển chùa về một khoảng đất rộng, dựa vào rừng trúc, trông ra đầm sen. Chùa xây kiểu mới chữ Đinh. Chính diện thờ Phật. bên phải dựng đền thờ thần Tản Viên. Bên trái thờ Cao Mang đại vương, một vị tướng dưới trướng của Linh từ quốc mẫu thời Trần, người đã phục vụ vua Trần phản công chiến lược thắng giặc Nguyên Mông lần thứ nhất. Đến đời Khải Định (1914 – 1925) chùa mới được trùng tu lại như ngày nay.

Ngoài chùa Cả, thôn Thi Thượng còn có hai ngôi đền khác: Một là, đền thờ bà Liễu Hạnh và các vị thần theo hầu như: Vũ, Điện, Vân, Lôi. Đền còn gọi là phủ Khoái Đồng – khoảng năm 1940, nhà thờ Khoái Đồng mở rộng mua lại đất của phủ – phủ chuyển về gần chợ Vị Hoàng (nay gần địa điểm Sở Giáo dục). Hai là, đền thờ một Đức ông nào đó không phải là Trần Hưng Đạo (chưa tra cứu được). Đứng sau chùa Cả, là chùa Cuối, một ngôi chùa nhỏ. Tục truyền rằng nơi đây hàng năm, vào tháng giêng những người chuyên giết giống bốn chân như: trâu, bò, lợn, dê, chó… bán thịt lên làm lễ cầu siêu mong Trời, Phật xá tội. Xóm Thạch Kiều còn nổi tiếng lắm quan, không đời nào không có:

“Bao giờ rừng trúc tiêu điều
Vị Hoàng hết nước, Thạch Kiều hết quan”

Làng Vị Hoàng có bốn dòng họ: Trần, Phạm, Vũ, Nguyễn. Họ Trần lớn nhất có sáu dòng: Trần Lê, Trần Công, Trần Đình, Trần Doãn, Trần Thọ, Trần Văn… Hai họ Trần và Vũ công nhiều đời có người đỗ cao, làm quan to trong triều. Đời Lê Bảo Thái (1705-1729) Trần Lộ đỗ Tiến sĩ làm quan tới Tống bộ tả thị lang, anh em con cháu kế tiếp đỗ đạt làm quan đến hết thời Cảnh Thịnh (1793 – 1800) triều Tây Sơn; Vũ Công Độ, thân sinh ra nhà thơ yêu nước Vũ Công Tự (1885 – 1920) đỗ tiến sĩ thời Nguyễn năm Minh Mạng thứ 13 (1832), làm quan tới Thái bộc tự khanh, lĩnh Bố chánh Thái Nguyên; Trần Doãn Đạt, thân sinh Trần Bích San, đậu phó bảng năm Nhâm Tuất, đời Tự Đức thứ 15 (1862) làm quan đến án Sát – Hưng Hóa; Nổi tiếng hơn cả là Trần Bích San (1840 – 1877). Năm 1864, ông đỗ đầu liền 3 khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình năm Tự Đức thứ 17. Nhà vua đổi tên là Hy Tăng, thân đề vào cột cờ 4 chữ: “Liên trúng tam nguyên” và khen:

“Nhất cử đăng khoa thiên hạ hữu
Tam nguyên liên trúng quốc triều vô”

Nhà thờ khoái đồng xưa

Nhà thờ khoái đồng xưa


(Nghĩa là: Một lần thi đỗ, thiên hạ thường có, đỗ đầu liền cả 3 khoa thi, trong triều không có).

Ông làm quan đến chức Tuần phủ Hà Nội, có tiếng giỏi về chính trị. Sau được triệu về kinh để cử đi sứ sang Pháp, nhưng ông đã mất ngay năm ấy thọ 37 tuổi , được truy tặng chức Lễ bộ tham tri.

Trần Dương Quang đậu cử nhân khoa Đinh Dậu năm Minh Mạng thứ 18 (1837) làm quan đến án sát tỉnh An Giang.

Võ Hoàng Phát, đậu cử nhân khoa Đinh Mão năm Tự Đức thứ 20 (1867) làm quan đến án sát Quảng Yên.

Đất Vị Hoàng còn nổi tiếng vì mảnh đất có nhiều người tài hoa. Thơ hay nổi tiếng cả nước là Trần Tế Xương. Nhà thơ yêu nước là Vũ Công Tự. Các cụ Hai Ủng (Trần Tích Phiên), cụ Cả Thuần (Phạm Úng Thuần), cụ Phạm Đức Kế tức Hai Kế cũng là những nhà thơ được nhiều người biết tiếng từ những bài thơ châm biếm những cái lố lăng của thời đại. Chữ đẹp không ai bằng chữ cụ Đô Thơm, mẫu mực, đanh gọn. Chữ của cụ Hồng Sơn (Nguyễn Hồng Dương) bay bướm, tài hoa. Không kể dân phố, nhiều người ở tỉnh xa cũng về xin chữ hai cụ. Về âm nhạc, cụ Vũ Công Tôn đánh đàn bầu thổi sáo, ít người sánh kịp . Hãng Vích-to (Victor) đã xin ghi đĩa. Con là cụ Vũ Tiến Lễ (thân sinh ra họa sĩ Nguyệt Hồ Vũ Tiến Đa) cũng vang danh có tiếng đàn nguyệt, đàn thập lục thật hay. Cụ Trần Khắc Tính nổi tiếng đánh trống thị triều. Nhờ khúc trống đón vua Thành Thái, cụ được ban thất phẩm quân nhạc. Trần Văn Mậu, một tay hát trống quân cự phách đã giành giải thưởng kim tiền (tương đương huy chương vàng) trong hội chợ đấu xảo năm 1914 ở Hà Nội. Đáng thương tiếc người đỗ đầu khoa hội họa, ngành phục chế ở Paris ông Trần Đăng Thí, tốt nghiệp xong vừa về đến nhà thì bị đầu độc. Dân làng Vị Hoàng trọng khoa bảng, ngôi thứ:

“Nên ra thì hóa tứ linh
Chẳng nên cũng hóa ông lềnh Vị Xuyên”

Vì công danh, sự nghiệp, dân làng hiếu học, luyện tài. Truyền thống tốt đẹp ấy sau này đã tạo ra những nhân tài trong khoa học, văn học, nghệ thuật hiện đại ở trong nước cũng như ngoài nước.

Lại cũng trên mảnh đất này liên tiếp diễn ra bao nhiêu sự kiện lịch sử gắn liền với vận mệnh đất nước. Nổi lên từ một “tiên châu” thời Trần, quân doanh Vị Hoàng đã có những trang sử trung cổ đẹp. Đến thời cận đại, mảnh đất này chứng kiến hai lần giặc Pháp đổ bộ đánh vào cửa đông cửa nam cướp thành Nam Định năm 1873, năm 1883. Dân phố Bến Ngự, Cửa Đông đã đốt nhà dâng lửa chặn bước tiến của quân thù. Tên quan tư Pháp Carô (Carreau) đã bị bắn què và hai tháng sau đã phải bỏ mình.

Năm 1883, thành phố rơi hẳn vào tay giặc Pháp. Năm 1913, thực dân Pháp lấy đất ở Hậu Đồng lấp đoạn sông Vị ở phố Hàng Nâu, Hàng Mâm, Hàng Song. Năm 1916, 1917, lấp đoạn sông Bến Ngự từ kho Hồng Gai đến xí nghiệp Dân Sinh). Năm 1920 lấp đoạn sông phía trường Nguyễn Khuyến hiện nay. Dần dần, sông Vị mất hẳn. Nhà thờ đạo Gia-tô mọc lên. Những trường học Việt Nam và Hoa Kiều được xây dựng. Năm 1924 trường cao đẳng tiểu học (tương đương với cấp 2) với 4 năm học hoàn chỉnh được xây dựng ở đây, ngay trên Bến Ngự. Trước cửa trường sù sù mọc lên ngôi mộ tưởng niệm Carô, nên trường tuy gọi là trưởng Thành Chung còn gọi là trường Carô. Mặc dù trước cửa trường là một “bốt” cảnh sát có tính răn đe, năm 1925, những người học sinh yêu nước ở đây đã bãi khóa đấu tranh đòi được làm làm truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Những người khởi xướng như Nguyễn Đức Cảnh, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và hàng trăm học sinh khác đã bị đuổi ra khỏi trường. Từ đấy nhiều người đã đi tìm đường cứu nước. Cũng từ đây anh học sinh Nguyễn Văn Hoan đã dược cử sang Quảng Châu và được cụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện. Anh về nước đã ở phố Hàng Sắt. Nguyễn Văn Hoan giác ngộ anh công nhân Hồ Công Chương ở xưởng sửa chữa ô tô Phú Hòa của người Hoa ở phố Hàng Sắt và từ đó bắt mối sang anh thợ điện Trần Văn Lan và một số công nhân nhà máy sợi khác. Trần Văn Lan đã là bí thư chi bộ đầu tiên của nhà máy sợi đồng thời cũng là bí thư chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên của tỉnh. Nguyễn Văn Hoan cũng là người giới thiệu đồng chí Trường Chinh gia nhập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chi Hội. Có thể coi như từ phố Hàng Sắt này, đồng chí Nguyễn Văn Hoan là người đầu tiên đưa chủ nghĩa Mác – Lê Nin vào Nam Định. Nhưng trước đó phải kể ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự, nơi các cụ trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục thường bình thơ. Cụ Lương Văn Can, người lãnh đạo phong trào Đông Kinh nghĩa thục đã về đây. Và cũng từ nơi đây, những thanh niên yêu nước được cử đi học ở nước ngoài, được cụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện ở Quảng Châu và sau này trở về nước đặt nền móng cho phong trào cách mạng ở địa phương. Để có tiền sinh sống, hoạt động, đồng chí Hoan đã cùng bạn mở trường tư thục Nam Khê, dạy cấp I, đặt lớp ở đền Triều Châu. Cũng ở đầu phố Hàng Sắt dưới, sát bờ sông Vị, năm 1925 có trường tư thục Tương Lai (L’ Avenir). Người học sinh giỏi Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ) đã là học sinh của trường năm 1925. Phố Hàng Sắt dưới là phố của những người dân nghèo người Việt và người Hoa. Vào cuối thập kỉ 30, có những người học sinh nghèo nhưng học giỏi ở đây như Phạm Văn Cương (Nguyễn Cơ Thạch), sớm giác ngộ cách mạng đã hoạt động và bị bắt giữa những ngày vào cuối khóa học Thành Chung 1937 – 1941. Sông Vị không còn nữa, một phần làng Khoái Đồng đã đào thành hồ từ những năm 1930. Công trình bị bỏ dở suốt cả cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954). Đến năm 1956, ta tiếp tục đào và ngày nay xây dựng thành khu công viên Vị Xuyên. Tên Vị Hoàng xưa nay chỉ còn dùng để đặt một phường ở một vùng đất cũ. Nhưng vùng văn hóa và chính trị ấy ngày nay phát triển: nào trường phổ thông trung học chuyên Lê Hông Phong, trường phổ thông cơ sở trọng điểm của thành phố Trần Đăng Ninh, hậu duệ của trường Thành Chung, trường Chính trị Trường Chinh, Sở Văn hóa thông tin, Sở Giáo dục – đào tạo, Nhà hát trung tâm, khách sạn Vị Hoàng bên bờ hồ Vị Xuyên. Đất ấy: “Nghìn thu tiếng vẫn còn”.

(Còn nữa)


TOP