Sự thật về cái chết của người đàn ông sau khi cãi nhau với anh trai

Sự thật về cái chết của người đàn ông sau khi cãi nhau với anh trai

Đang cãi nhau thì anh Hậu quay lưng đi vào, người anh đứng ngoài hiên chỉ kịp nhìn thấy có một vệt sáng từ tay em vung lên…

Đó là lời khai của anh Bùi Trung Hải, anh trai của nạn nhân Bùi Trung Hậu, với CQCA. Anh Hải là nhân chứng duy nhất có mặt khi xảy ra cái chết của anh Hậu, bởi vào thời điểm đó, hai người hàng xóm đã ra về, vợ con anh Hậu lại đang trong TP HCM.

Thế nên cái chết của anh Hậu trong căn nhà xây ống chỉ có người anh trai có mặt đã khiến những người sống trong khu vực không tránh khỏi nghi ngờ.

Nhất là trước đó giữa hai anh em này còn xảy ra cãi vã… Nhiều người cho rằng rất có thể anh Hậu bị anh trai sát hại…

Cái chết của người em trai

Lý giải về việc trưng cầu giám định pháp y, anh Bạ, Phó trưởng CA huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cho biết: “Mặc dù gia đình không làm đơn đề nghị nhưng vì vợ anh Hậu không có nhà, chúng tôi muốn đề phòng trường hợp sau này vợ nạn nhân có đơn thì sự việc sẽ phức tạp hơn nhiều”.

Vậy là để có kết luận rõ ràng về cái chết của anh Hậu, CA huyện Nghĩa Hưng đã có quyết định trưng cầu giám định pháp y gửi Phòng Kỹ thuật hình sự CA tỉnh Nam Định.

Theo anh Bạ, anh Bùi Trung Hậu, SN 1976, trú tại xóm 9, xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Tối ngày 17-7-2015, anh Hậu ăn cơm và uống bia tại nhà bố vợ ở xóm 8, xã Nghĩa Minh sau đó đi về nhà ở xóm 9. Đến khoảng 20g30 cùng ngày, anh Hậu cùng các anh Mười, anh Thành là hàng xóm ngồi chơi ở cửa nhà anh Hậu.

Khi mọi người đang trò chuyện thì anh Bùi Văn Hải, là anh trai anh Hậu, ở xóm 6, xã Nghĩa Hưng gọi điện hỏi em trai đang ở đâu.

Anh Hậu nói đang ở nhà. Một lúc sau thì anh Hải tới. Tại nhà anh Hậu, anh Hải hỏi em trai vì sao lại bảo anh Hải cắt trộm 10 mét dây điện nhà anh Hậu.

Anh Hậu kêu không nói nhưng sau đó lại thừa nhận có nói khiến hai anh em to tiếng. Thấy hai anh em anh Hậu đôi co với nhau về việc cắt trộm dây điện, hai anh hàng xóm nghĩ đó là chuyện riêng của gia đình nên đứng dậy đi về, nhưng khi hai người này đi được một đoạn thì nghe thấy tiếng kêu “ối giời ơi”, tiếp sau là tiếng kêu “cứu, cứu” phát ra từ nhà anh Hậu.

Hai người vội vàng chạy ngược lại thì thấy anh Hậu đang nằm dưới nền nhà, bên cạnh là rất nhiều máu. Khai với cơ quan chức năng, anh Bùi Văn Hải cho biết em trai mình tự tử.

“Thông tin mà anh Hải cung cấp cho chúng tôi là thời điểm đó, khi hai anh em đang to tiếng với nhau thì anh Mười và anh Thành đứng dậy ra về. Hai anh này vừa lui gót thì anh Hậu đi thẳng vào nhà. Anh Hải vẫn đứng ở lề đường bên ngoài, tưởng em mình bỏ đi thì cũng định quay về nhưng vừa toan cất bước thì anh Hải nhìn thấy em trai cầm con dao để ở chân cầu thang cứa vào cổ mình. Từ chỗ đang đứng đến chỗ em trai, cách nhau khoảng 7m nên anh Hải không thể làm gì ngoài việc kêu lên hoảng hốt rồi chạy vào”, Phó trưởng CA huyện Nghĩa Hưng cho chúng tôi biết thêm.

Vì trước khi chết, giữa nạn nhân và anh trai có xảy ra to tiếng. Khi xảy ra vụ việc là chỉ có anh trai là người duy nhất có mặt nên để mọi chuyện rõ ràng và cũng để giải tỏa những dị nghị mà dư luận khi đó đang hướng về phía người anh trai, cơ quan CSĐT đã quyết định trưng cầu giám định pháp y.

Các giám định viên Đội giám định pháp y Phòng Kỹ thuật hình sự CA tỉnh Nam Định.

Sự thật phơi bày

Căn cứ vào quyết định trưng cầu giám định pháp y số 49 ngày 17-7-2015 của cơ quan CSĐT CA tỉnh Nam Định, một tổ công tác 3 người do Trung tá Đỗ Duy Hòa, giám định viên tư pháp pháp y Phòng Kỹ thuật hình sự làm tổ trưởng đã có mặt tại hiện trường.

Là bác sỹ, từng có thâm niên 12 năm làm trạm trưởng trạm y tế và hơn chục năm công tác trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự, Trung tá Hòa không nhớ đã bao nhiêu lần tiếp xúc với tử thi nhưng tất cả đều chung một tâm trạng là phải làm sao tìm ra được đúng sự thật.

“Làm cái nghề này, nhất là ở đội giám định pháp y sinh vật của chúng tôi thì việc tiếp xúc với người chết là chuyện đương nhiên. Thế nhưng trước khi tiến hành công việc của mình, chúng tôi không bao giờ quên phong tục mình là người Á Đông”, anh Hòa tâm sự.

Phong tục mà theo anh Hòa nói là thắp hương cho người đã mất, xin phép được thực thi nhiệm vụ và đả thông tư tưởng với người thân trong nhà, tạo điều kiện cho các anh nhanh chóng hoàn thành công việc.

Qua tiếp xúc với người thân trong gia đình anh Hậu và cả những thông tin do CA huyện Nghĩa Hưng cung cấp, các anh được biết trước đó khoảng vài năm, anh Hậu có đưa vợ con vào TP HCM làm ăn và bị tai nạn giao thông.

Chữa trị mất hơn 1 năm thì khỏi nhưng anh Hậu chỉ giữ được tính mạng chứ từ ngày bị tai nạn đến giờ, tâm tính hoàn toàn thay đổi.

Muốn chồng ở nhà nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng nên vợ anh Hậu đã bàn với gia đình bên chồng, không cho anh Hậu đi làm ăn xa nữa. Kể từ đó, anh Hậu ở nhà, trông nhà là chủ yếu còn vợ dắt con vào TP HCM, buôn bán.

“Mặc dù phía gia đình nạn nhân hoàn toàn tin tưởng là con trai mình tự tử song cũng không đồng tình với việc khám nghiệm tử thi vì quan niệm về người chết còn nặng nề. Chúng tôi đã phải giải thích, vận động cho họ hiểu rằng đó là điều cần phải làm để làm rõ trắng đen sự việc, tránh đổ tiếng oan cho người ngay thẳng và sau này nếu vợ anh Hậu có về, cũng không cảm thấy lăn tăn, suy nghĩ”, anh Hòa kể.

Việc khám nghiệm được tiến hành ngay trong đêm xảy ra vụ việc. Qua kiểm tra vết cắt nơi cổ, các giám định viên tư pháp pháp y đã đưa ra kết luận: Nạn nhân Bùi Trung Hậu chết do đứt tĩnh mạch cảnh trái, gây sốc mất máu cấp.

Hỏi anh Hòa dấu hiệu nào cho thấy sự khác nhau giữa việc tự cứa dao vào cổ với việc bị người khác gây ra, anh đội trưởng hơn hai chục năm công tác trong nghề y này trả lời: “Về nguyên lý là giống nhau vì cùng gây mất máu cấp nhưng dấu vết thì khác nhau”.

Theo anh Hòa thì nếu vết thương do đối tượng bên ngoài tác động vào, vết cắt dù có sắc gọn nhưng vẫn có những dấu vết chứng tỏ có sự chống cự của nạn nhân như vết trợt da, rách da, bầm tím,… còn do tự chủ thể gây ra thì vết cắt có sắc gọn chứng tỏ người đó quyết tâm chết. Ngoài ra còn phải kể đến những yếu tố khác như độ nông sâu, chiều mũi cắt,…

“Để có một kết luận chính xác, chúng tôi phải dựa vào kết quả thu lượm được từ các dấu vết bên ngoài, bên trong cơ thể nạn nhân. Từ những kết luận này, CQĐT sẽ dựng lại toàn bộ nội dung vụ việc sau đó đi đến khẳng định ai đúng, ai sai, mức độ đến đâu, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không”, Đại tá Nguyễn Thành Nam, trưởng phòng kỹ thuật hình sự CA tỉnh Nam Định cho biết.

Theo anh Nam thì nhiệm vụ của các anh là phải đưa ra một kết quả chính xác còn kết luận vụ việc đó như thế nào là phần việc của CQĐT.

“Tôi chỉ nhớ rằng sau khi có kết quả giám định pháp y, CQĐT đã khẳng định cái chết của anh Hậu là do tự tử. Người anh trai là nhân chứng chứng kiến toàn bộ vụ việc nhưng vì khoảng cách đứng ở xa, trong tình huống bất ngờ nên không thể làm gì trước hành động dại dột của người em. Sau khi có kết luận của CQCA, không ai còn dị nghị hay bàn tán gì về vụ việc này nữa. Nỗi oan uổng của người anh cũng được giải tỏa”, Đại tá Nam kể.


TOP