Làng xưa Nam Định - P.3

Làng xưa Nam Định – P.3

3. Làng Năng Tĩnh:

Năng Tĩnh xưa là một làng cổ. Làng ở phía tây nam thành phố. Chuông chùa Đông (nay là chùa cụ Phán Chương) của làng còn ghi: Chuông đúc từ thời Lý như vậy làng đã có một lịch sử xa xưa hơn. Đến năm Minh Mạng thứ 15 (1834), làng còn mang tên Năng Lự. Sau đó, vì kiêng tên húy, Thiệu Trị đổi tên làng thành Năng Tĩnh. Thiệu Trị lên ngôi năm 1840. Năng Lự đổi thành Năng Tĩnh vào mấy năm sau đó.
1Về địa lý, từ trước năm 1832, khi chưa có sông Đào làng Năng Tĩnh rộng sang bên kia sông tới làng Phong Lộc có thôn Lương Xá. Ở bên này sông Năng Tĩnh sát tới làng Mỹ Trọng (xã Mỹ Xá) ở phía tây, làng Gia Hòa ở phía nam (xã Lộc An) bao gồm cả khu Trường Thi, Văn Miếu, nghĩa trang Hoa kiều (ta quen gọi là nghĩa địa Khách), nghĩa trang Bắc Tế nay không còn nữa.

Đến đời Nguyễn, Gia Long đắp thành trên đất làng Năng Tĩnh. Sau này Minh Mạng xây thành bằng gạch đều lấy đất làng Năng Tĩnh. Một “cơ” thuỷ binh đóng trên bến sông (nay thuộc xóm Đông An) bảo vệ thành phố về phía nam gọi là Đồn Thủy.

Bờ sông phía này còn có Đò Bái, Trại Sẩm (khu Đông An). Một con đường gọi là đường Sồng cùng chạy từ chợ Năng Tĩnh qua cửa Nam ra đến bến sông (nay là đường xe than của nhà máy Liên hợp Dệt chạy ra bãi than ở bờ sông). Đoạn từ chợ Năng Tĩnh ra cửa Nam xưa, hai bên đường trồng xoan mang tên đường Rặng Xoan nay đã mất hẳn. Một con đường khác đi từ cửa Nam qua cửa tây lên cửa Bắc gọi là Phúc Đường.
Theo bà con địa phương, con đường ấy mang tên Phúc Đường do có nhà thương khách, một bệnh viện khám và chữa bệnh cho người Hoa nghèo, không lấy tiền. Đây là một công trình từ thiện do hàng bang Hoa kiều vì tình đồng hương và ý thức dân tộc cao, bỏ tiền ra xây dựng riêng cho người Hoa. Vào khoảng giữa hai đường Vụ Bản và đường Phan Bội Châu là xóm vườn Chay. Văn chỉ nằm giữa chợ Năng Tĩnh. Đình làng xưa ở địa điểm trường Hồ Tùng Mậu hiện nay. Năm 1903, đường sắt xuyên Đông Dương khởi công.

Đến năm 1905 đoạn đường sắt Hà Nội về đến Nam Định, đi qua làng Năng Tĩnh chạy vào phía nam. Từ nơi này nổi lên ga Nam Định. Vài ba năm sau, Bô đông (Baudon) một Pháp kiều mở một khách sạn, thực chất là một quán hàng có chỗ trọ, với gần 10 cái bàn ăn, và vài phòng ngủ, chủ yếu dùng cho lính Tây. Sau này việc buôn bán giữa Bắc Nam phát triển, trên sông Đào thuyền bè lên Bắc vào Nam tấp nập bến Đò Quan, bến Đò Chè Sầm uất. Thực dân Pháp lại đặt một đường sắt dài 2.500m từ ga ra bến Đò Chè cho xe lửa vận chuyển hàng chủ yếu là thóc, gạo, gỗ cây, muối, đường các loại cho hai vùng.

Các phố Hàng Nồi, Bờ sông, Hàng Cau, Hàng Sũ, Hàng Thao, Máy Tơ, Máy Chai, Bến Thóc, phố Cửa Trưởng, Cửa Nam… dần dần ra đời. Chợ Cửa Trường xưa vốn là khu Tả trường, ở cửa Nam trường thi hương Nam Định, có một thời thịnh vượng sầm uất. Đó là nơi đón các sĩ tử của các khoa thi hương đi xem bảng tìm đến để vào thi. Chợ này về sau vẫn thu hút nhiều người buôn bán hơn chợ Đò Chè, chợ Năng Tĩnh.

Phố Hàng Thao, nơi sản xuất quai thao cho các nón ba sầm, còn là một phố có nhiều nhà hát “ả đào”, văn nhân sĩ tử hạng phong lưu thường qua lại ăn chơi, phóng đãng. Sự kiện nổi bật nhất là sự ra đời của nhà máy Sợi trên mảnh đất này.

Cũng tại nơi đây nổi lên các công sở của bộ máy cai trị của chính quyền Pháp. Đồ sộ nhất là tòa công sứ, nơi ở và làm việc của tên quan cai trị đầu tỉnh, chiếm hết khu vực quảng trư ng hiện nay. Đến năm 1921, theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương, tỉnh lị (Chef-lieu) của Nam Định là thành Nam Định nên thành Nam Định được coi là một thành phố (ville).

Quanh dinh công sứ tỉnh là trụ sở của bộ máy đàn áp: Sở Mật thám, sở Hiến binh và cảnh sát, toà án Tây, trại lính khố đỏ với một tiểu đoàn bộ binh gồm lính lê dương và Việt Nam, trại lính khố xanh, với một tiểu đoàn bảo an binh hay giám binh. Đằng sau dinh công sứ thực chất là một quảng trường để thực dân Pháp tập trung lực lượng đàn áp dân ta khi ta nổi dậy chống lại chúng.
Rồi đến các công sở phục vụ cho việc cai trị như thương chính – thuế, kho bạc, giao thông công chính, bưu điện, ngân hàng. Khoảng những năm 1930, chúng xây thêm một dinh thự vừa dùng làm tòa sứ vừa là tòa đốc lý để quản lý riêng việc thành phố (nơi công viên cây cảnh có 3 con rồng hiện nay). Ở khu vực này còn có bệnh viện với khoảng 50 giường. Một bác sĩ người Pháp phụ trách bệnh viện với 2 y sĩ và một số y tá, hộ lý người Việt. Bệnh viện cũng chia làm hai: một phần gọi là nhà thương làm phúc cho người Việt nghèo. Một phần dành cho người Pháp và người giàu có tiền trả viện phí.

Sau này, ở phía Bắc, thực dân Pháp cho xây một trưởng tiểu học Pháp – Việt trên một mỏm thành còn lại. Trường có 19 lớp gọi là trường Trong. Phía đông nam có một trường nhỏ hơn (khu ngân hàng hiện nay) gọi là trường Ngoài. Lên phía Cửa Đông, có một trường dạy các nhà nho học tiếng Pháp là trường Tú sĩ. Xuống phía nam có trường Bến Củi gồm 6 lớp từ lớp đồng ấu đến lớp nhất. Học sinh ở đây không ai quên cụ Dương Thập Hy là thầy dạy lâu nhất ở trường. Sau này, những năm 1949 – 1950, trường trở thành trường trung học Nguyễn Khuyến do cụ Vũ Tam Tập làm hiệu trưởng. Trong thời Pháp thuộc, phố Bến Củi còn là nơi thực dân Pháp cho phép mở những nhà mãi dâm công khai.
Các công sở thường là nơi ở của những người phụ trách. Đó là những công trình kiến trúc theo kiểu Pháp có hai tầng đầy đủ tiện nghi, trang nhã, lịch sự nổi lên giữa một vườn hoa xinh xắn, khác hẳn với những công sở do các viên quan nam ở như dinh tổng đốc, bố chánh, án sát, đốc học.

Sự sinh hoạt giữa quan chức Tây – Nam khác biệt hẳn. Để nghỉ ngơi vui chơi, bọn thực dân xây dựng một khu công viên rộng lớn để chiều chiều chúng dạo chơi giữa hoa cỏ tốt tươi. “Một nhà kèn” hình bát giác xây dựng giữa vườn hoa là nơi đội nhạc binh hòa nhạc phục vụ cho “tây – đầm” những chiều chủ nhật. Bên cạnh cái nhà “xéc” (cercle), câu lạc bộ Lạc bằng bé nhỏ dành cho các quan ta đánh tổ tôm, điếm là một “câu lạc bộ thể thao” đồ sộ của Pháp có sân khấu với 500 chỗ ngồi, có sân quần vợt, sân bóng rổ…
Từ khi thực dân Pháp chiếm thành năm 1883, đến về sau này, hình thành hẳn hai khu vực Pháp – Nam. Người Nam dựng đường phố bên bờ sông Vị làm ăn buôn bán đông đúc, nhà ở chật chội tối tăm. Người Pháp cướp dần đất Năng Tĩnh, mở ra một khu vực riêng với những dinh thự đồ sộ, những công trình kiến trúc quy mô xinh xắn, khoáng đãng phục vụ họ từ ăn ở đến vui chơi, “giang sơn riêng một góc trời!…”.

Còn cư dân làng Năng Tĩnh thì bị đẩy lùi mãi vào phía tây nam. Đây là người của 4 dòng họ: Nguyễn, Đặng, Phạm, Trần. Nhưng lớn nhất là họ Trần. Họ Trần chia làm 8 giáp lấy tên đệm khác nhau để dễ phân biệt như: Trần Đăng, Trần Trọng, Trần Duy, Trần Đại, Trần Tam, Trần Viết, Trần Văn, Trần Quang. Có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc họ Trần, những cư dân xa xưa trên mảnh đất cổ này.

Phần lớn dân làng cho rằng họ Trần ở đây vốn dòng dõi nhà Trần quê hương Tức Mặc di dần về đây lập làng. Có người lại nói xưa kia người làng phần lớn họ Nguyễn, họ Đặng. Về đời Trần, dân làng có công đào sông Vị Hoàng, xây dựng Bến Ngự nên vua Trần đã “ân ban tứ tính” nghĩa là vua ban cho dân làng đặc ân được mang họ nhà vua, họ Nguyễn, họ Đặng được đổi thành họ Trần. Một thuyết khác cho rằng họ Trần trước là họ Mạc. Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê từ năm 1527. Qua 10 đời vua, năm 1688, Mạc Kính Vũ đã thất thủ chạy lên Cao Bằng. Con cháu họ Mạc ẩn náu khắp nơi. Có người trốn về Năng Lự lập nghiệp đổi họ là Trần.

Lại có người cho rằng: không biết từ năm tháng nào, vào thời kỳ nhà Trần mới khai sáng, ba ông có tên ông Cây, ông Cội, ông Cành đến đây khai phá lập làng. Gặp khi vua Trần chạy giặc đến đây, không may thuyền gặp rây mắc cạn. Ba ông cứu thuyền, hộ giá khỏi cạn. Giặc tan, vua trở về, nhớ tới 3 ông phong cho ba ông tước Dũng giang hầu. Khi 3 ông mất, dân làng lập đền thờ ở đền Từ Ô, phố Hàng Nồi. Sau này, nhà Nguyễn xây thành, thực dân Pháp cướp đất, dân làng chuyển dần vào phía nam lập thôn xóm, đình làng cũng chuyển đi.

Dân làng Năng Tĩnh xưa vốn lao động chuyên cần lấy nghề nông làm chính. Nhưng đây là mảnh đất phải đương đầu nhiều với sóng gió trong sự đổi thay của lịch sử nên dân thường phải luyện võ và từ đó có những lò võ nổi tiếng. Vào thời Lê – Trịnh, dân đói khổ vì vỡ đê, lụt lội. Các ông đội Châu, cai Cư, cai Roanh thuộc quân doanh Vị Hoàng đã theo Nguyễn Huệ diệt phá quân Trịnh (1786). Về đời Nguyễn, từ lò võ Năng Tĩnh đã có người đỗ cử nhân võ như cụ Trần Đăng Rĩnh, dân còn gọi là cụ cử Tuyền.

Năm 1858, khi giặc Pháp đổ bộ xuống bán đảo Sơn Trà, cụ cử Rĩnh đã huấn luyện 40 nghĩa binh và dẫn đầu anh em tham gia đoàn nghĩa quân của cụ Phạm Văn Nghị đi vào Huế xin triều đình cho đánh giặc. Việc không thành, nhưng từ triều đình Huế trở về, cụ được sung chức Huấn đạo võ sư của huyện Mỹ Lộc. Nhớ công cụ, 10 năm sau, tổng đốc Nguyễn Trùng Hợp bình công đã xin đổi cụ sang Văn ban để tỏ lòng tôn trọng, biết ơn. Dân làng Năng Tĩnh đã không thiếu mặt trong hai cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Nam năm 1873 và 1883 chống thực dân Pháp xâm lược. Bà con đã cùng quan quân giữ mặt thành phía nam. Năm 1883 khi thành đã mất, giặc Pháp còn bị nghĩa quân Năng Tĩnh giữ vào làng tiêu diệt hàng chục tên, sau đó theo nghĩa quân đánh Pháp mãi tới năm 1898.

Ngày 5-12-1898, giặc Pháp bất ngờ ập vào làng bắt chém một lúc 25 người. Trong thời gian đó, hai ông Trần Đăng Cương, Trần Duy Rực đã theo cụ nghè Giao Cù Vũ Hữu Lợi chống Pháp. Hai ông chỉ huy quân từ Búng Quán (Thái Bình) xuống đến Liễu Đề (Nghĩa Hưng).

Cụ nghè Giao Cù bị bắt và bi xử tử. Hai ông đã đi tìm tổng đốc Đào Trọng Đủ, kẻ đồng mưu với án sát Vũ Văn Báo bắt cụ nghè Giao Cù, có ý định trả thù cho cụ Nghè. Không may, hai ông đều bị bắt và bị xử tử theo. Trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, dân làng đã hưởng ứng cuộc vận động không đi học chữ Tây và từ năm 1906, nhiều nhà nho trong làng bỏ không đi thi hương dù trường thi ở ngay tại xã. Nhà nước bảo hộ bắt buộc mỗi xã phải có một người đi học chữ Tây. Các cụ tìm một con nhà nghèo cấp tiền cho ăn học.

Sau này người đó làm thông phán cho Pháp đó là cụ Phán Chương. Có một thời bọn giáo sĩ phương Tây cậy thế lực Pháp bắt dân xây nhà thờ An Tong (Antoine) ở bờ sông. Gần ngay đấy về phía chợ là nhà thờ Kim Phò. Mặc dù bị mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa, dân làng không mấy ai chịu theo đạo. Nhà thờ vắng con chiên, chỉ còn là nơi trú ngụ của một số người nghèo khổ, tàn tật đi hành khất. Đến kháng chiến, nhà thờ đổ xuống sông do đất lở. Nay chỗ đó là bãi than.
Dân làng Năng Tĩnh nghèo:

Năng Tĩnh là đất có ma

Ý nói người giàu cũng không bền. Đã thế, bà con còn bị khổ vì bọn cường hào như lý Chanh, chánh hội Sen, phó lý Dĩnh, trưởng phố Kỳ và Xưởng chuyên đục khoét, đàn áp nhân dân nên bà con đã kể tội:

Bao giờ Chanh cỗi, Sen tàn
Dĩnh siêu, Xưởng đổ thì làng mới yên”

Có người sửa: “Xương siêu, Kỳ nát…” Đến thời Pháp thuộc, mất ruộng đất, mất nhà, dân làng cùng đường phải vào làm nhà máy kiếm sống. Từ năm 1900 đến năm 1924, bọn chủ bắt công nhân làm mỗi ngày 14 giờ (từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối).

Bốn giờ cắp nón đi ca
Mặt chó chẳng biết, mặt gà cũng không”

Đã thế, còn phải:

Suốt ngày làm chẳng ngơi tay
Mà roi vẫn tới tấp bay trên đầu”

Cùng với đội ngũ công nhân nhà máy, những người thợ quê Năng Tĩnh, với truyền thống bất khuất, tham gia đấu tranh quyết liệt chống bọn chủ, giành được ngày làm 8 giờ, chống cúp phạt lương, đánh đập, đàn áp công nhân. Có người đã bỏ quê ra đi tìm đường cứu nước như Nguyễn Thành Thuyết và đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Những người dân Năng Tĩnh đi lên từ những cuộc đấu tranh trong trường kỳ lịch sử. Mảnh đất này lại chứng kiến những trận chiến đấu anh dũng chống thực dân Pháp vào những ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946, góp phần bao vây giặc Pháp ở trong trại Carô suốt 86 ngày đêm, và sau này đã là một vùng địch hậu kiên cường.

Trung kiên trong đấu tranh, nhưng thuần hậu nhân nghĩa trong tình làng nghĩa xóm, dân làng phần lớn theo đạo Phật. Chùa thôn Đông (nay là chùa cụ Phán Chương) to hơn cả. Chùa thôn Tây ở giữa phố Năng Tĩnh và chợ Năng Tĩnh nay đã mất, chỉ còn trơ lại 4 bia đá. Phía nam có chùa Rào (gần nhà máy đóng tàu 1-5). Tương truyền: Một năm lụt to có pho tượng trôi dạt vào bờ sông. Lũ trẻ chăn trâu vớt lên rồi lấy tre làm rào và chơi trò cúng lễ. Dân làng cho là thiêng, dựng chùa thờ Phật. Từ đó có chùa Rào. Đến kháng chiến chống Pháp, chùa bị lở xuống sông.

Thời nhà Nguyễn, đất làng bị chiếm xây thành. Dân làng Năng Tĩnh lui dần về phía nam dựng làng mới, xóm mới, nhưng vẫn giữ hương đẳng với tục lệ cổ truyền: tổ chức mừng thọ cho các cụ từ 50 tuổi trở lên, mùa xuân làm cỗ “yến lão” và vẫn ăn chịu đóng góp chung một đình làng. Đình làng xưa kia thờ 3 ông Dũng Giang hầu làm Thần Hoàng ở đền Từ Ô, phố Hàng Nồi. Làng lui vào phía trong lập đền mới trên nền nhà cũ của ông nghè Trần Xuân Vinh. Ông Trần Xuân Vinh hay Lịch đậu Nhị giáp tiến sĩ khoa Kỉ Vị năm Cảnh Thống thứ 2 (1499) làm quan đến Cấp sự trung, thụy là Lý Uẩn tiên sinh. Khi ông mất, dân làng tôn sùng ông, lập đền thờ.

Nay đình làng đưa Thần Hoàng về nơi mới có xây hai dải vũ hai bên, thờ tả văn hữu võ. Văn đây có thể hiểu là làng thờ ông Trần Xuân Vinh. Còn bên võ, có thể dân làng thờ bà Hậu Cháo, người đã có công bỏ gạo cứu dân trong lúc đói, dân làng nhớ ơn lập đền thờ.

Làng Năng Tĩnh xưa là như thế. Một làng cổ, dân nghèo nhưng trọng nhân nghĩa, kiên trung, bất khuất. Nay Năng Tĩnh đã thành một khu dân cư sầm uất, trù phú của thành phố.

(-Hết-)

* Viết theo tư liệu của cụ Trần Trọng Biền, công nhân và là nhà thơ, người làng Năng Tĩnh.


TOP