500 người dân được khám mắt, phát thuốc miễn phí

500 người dân được khám mắt, phát thuốc miễn phí

Nhân Ngày thị giác thế giới, Bệnh viện Mắt TW tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho 500 người tại xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Ngày 12/10/2017, Ban chỉ đạo Quốc gia PCML Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt TW, Hội Nhãn khoa Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới năm 2017 với chủ đề năm nay: “Make Vision Count – Hãy quan tâm chăm sóc sức khỏe đôi mắt của bạn” cùng với các hoạt động khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách tại Bệnh viện Mắt TW.

Ngày thị giác thế giới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức quốc tế về PCML (IAPB) tổ chức vào thứ Năm, tuần thứ 2 hàng năm nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay chăm sóc và bảo vệ đôi mắt, vì một thế giới không có mù lòa… Đây là năm thứ 15 Việt Nam tổ chức các hoạt động cộng đồng hưởng ứng Ngày thị giác thế giới.
Nhân dịp này, Bệnh viện tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho 500 người tại xã Hải Tây, huyện Hải hậu, tỉnh Nam Định.
Theo thống kê trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, cần khám mắt định kỳ hàng năm (trong đó ước khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ 80%). Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù, và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn (Việt Nam được xếp trong nhóm các nước này). 75% các nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được. Đục thể thuỷ tinh là nguyên nhân gây mù hàng đầu, nhưng có thể điều trị được thông qua phẫu thuật. Tiếp theo là các bệnh gây mù chính như: bệnh glôcôm , thoái hóa hoàng điểm, tật khúc xạ …

Ở Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù loà, có thị lực kém. 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. 83% tỷ lệ người mù được cho là có thể phòng chữa được (bao gồm 69% là có thể chữa được và 15% có thể phòng ngừa được). Bệnh đục thể thủy tinh là nguyên nhân hàng đầu gây mù, chiếm tỷ lệ 66,1%. Tiếp theo là các bệnh gây mù: bán phần sau nhãn cầu (16,6%), bệnh glôcôm (6,5%), sẹo giác mạc (5,6%), teo nhãn cầu (3,2%), tật khúc xạ (2,5%) và mắt hột 1,7%…

Đáng lưu ý, hiện nay tật khúc xạ đang ngày càng phổ biến, với tỷ lệ mắc khoảng 10-15% ở học sinh nông thôn, 30-35% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 – 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ, trong đó 2/3 bị cận thị.

HH – Suckhoedoisong.vn


TOP