Nam Định: Người lao động bị tai nạn cụt cả hai tay, công ty lờ chuyện bồi thường

Nam Định: Người lao động bị tai nạn cụt cả hai tay, công ty lờ chuyện bồi thường

Khi công nhân bị tai nạn lao động (TNLĐ) nặng, phải cưa cụt cả hai cánh tay, doanh nghiệp (DN) chỉ bỏ ra một ít kinh phí hỗ trợ ban đầu rồi “lờ” trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật, mặc cho họ phải khốn khổ kêu cầu. Đây là cách Công ty cổ phần gạch Granit Nam Định đang đối xử với người lao động (NLĐ) của mình…

Sau tai nạn anh Đinh Duy Hoán mất khả năng lao động. Ảnh: Duy Hưng.

Sau tai nạn anh Đinh Duy Hoán mất khả năng lao động. Ảnh: Duy Hưng.


Dùng chân viết đơn cầu cứu

Tới thăm vợ chồng anh Đinh Duy Hoán, chị Nguyễn Thị Yến trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong xóm 4, thôn An Lá, xã Nghĩa An, huyện Nam Trực (Nam Định), chúng tôi không khỏi ái ngại cho gia cảnh của đôi vợ chồng trẻ này: chồng bị cụt cả hai tay, đi vệ sinh cá nhân cũng cần người hỗ trợ; vợ chưa có việc làm trong khi phải nuôi một con nhỏ…

Anh chị cho biết: trước đây họ cùng làm việc tại Cty cổ phần gạch Gnanit Nam Định (có trụ sở tại KCN Hòa Xá,TP.Nam Định). Anh làm công nhân Phân xưởng Cơ điện, chị làm nhân viên Phòng Kế hoạch.

Gần trưa ngày 8/3/2015, khi cùng một số công nhân khác tham gia xử lý sự cố chiếc máy nghiền nặng 68 tấn của xưởng mộc bị lệch tải không quay được, anh Hoán bị trượt chân ngã, bị tay công cuốn hai tay và người vào rồi hất ra ngoài, dẫn đến bị đa chấn thương, trong đó cả hai cánh tay đều bị cắt cụt.

Biên bản vụ việc cho biết nguyên nhân tai nạn không phải do lỗi của anh Hoán. Sau mấy tháng cấp cứu, điều trị tại các BV Đa khoa Nam Định, Việt Đức,Viện Bỏng quốc gia, ngày 24/9/2015, anh Hoán được Hội đồng Y khoa tỉnh Nam Định kết luận bị suy giảm tới 87% khả năng lao động…

Theo chị Yến, khi tai nạn xảy ra và trong quá trình anh Hoán phải cấp cứu, điều trị gia đình có nhận được sự hỗ trợ, thăm hỏi từ phía Cty và tập thể NLĐ.

Trong thời gian anh Hoán điều trị gia đình được Cty đã hỗ trợ 15 triệu đồng; tập thể NLĐ trong Cty quyên góp, ủng hộ tổng cộng 32 triệu đồng; khi anh Hoán ra viện, Cty thanh toán cho gia đình 35 triệu đồng chi phí điều trị ngoài phần chi trả của BHYT.

Tuy nhiên, điều họ mong mỏi nhất là được Cty bồi thường theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 thì đến nay, sau 1 năm tính từ khi có biên bản giám định y khoa, Cty vẫn chưa thực hiện.

Trong khi Điều 145 của Luật quy định: Trong trường hợp tai nạn xảy ra không phải do lỗi của NLĐ và người bị tai nạn được xác định suy giảm từ 81% khả năng lao động trở lên thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương.

Thông tư hướng dẫn số 04, ngày 2/2/2015 của Bộ LĐ-TB-XH cũng quy định rõ: Sau 5 ngày kể từ ngày có biên bản giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động, NSDLĐ phải ra quyết định bồi thường cho NLĐ bị tai nạn. Việc bồi thường phải được thực hiện một lần trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày có quyết định…

Theo chị Yến, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chồng, trong nhiều tháng qua, chị đã nhiều lần lên Cty kiến nghị, cả làm đơn đề nghị nhưng chỉ nhận được sự né tránh của những người có trách nhiệm.

“Nhiều lần tôi được hẹn gặp lãnh đạo Cty để giải quyết nhưng sau đó lại nhận được điện thoại báo hoãn với lý do lãnh đạo bận. Có lần được hẹn gặp lúc 9h sáng nhưng đợi đến 10h thì lại được báo phải đợi tiếp đến 3h chiều. Đợi đến 3h chiều cũng chẳng có ai tiếp, trả lời kiến nghị của tôi”- chị Yến cho biết.

Vẫn theo chị Yến, trong lần hiếm hoi gặp, làm việc được giữa hai bên, phía Cty lại đưa ra hướng giải quyết là sẽ bồi thường sau khi đã trừ các khoản chi phí, hỗ trợ trước đó. Thấy việc này vô lý, không đúng quy định, thể hiện việc Cty né tránh trách nhiệm nên anh chị không chấp nhận, đến giờ vẫn đang theo đuổi việc bảo vệ quyền được bồi thường. Chán nản, mệt mỏi, bất bình với cách hành xử của Cty, từ tháng 5/2016 chị đã xin nghỉ việc.

Anh Hoán thì chia sẻ: Nguồn sống của gia đình giờ chỉ trông vào khoản trợ cấp xã hội 1,6 triệu đồng/tháng của anh. Không còn khả năng lao động nên mọi việc với anh giờ đều trở nên rất khó khăn. Để thảo được lá đơn, phản ánh việc Cty chưa thực hiện trách nhiệm bồi thường cho mình với báo chí, anh Hoán đã phải luyện tập rất lâu, sau đó mới có thể viết được bằng cách dùng ngón chân ấn vào bàn phím ảo trên màn hình máy tính…

Lãnh đạo công ty lập lờ, người bị nạn tiếp tục tổn thương

Liên quan đến những phản ánh, kiến nghị của vợ chồng anh Hoán- chị Yến, làm việc với Ban lãnh đạo Cty cổ phần gạch Granit Nam Định sáng ngày 17/8, PV ĐĐK được các ông Nguyễn Kim Túc- TGĐ; Trương Đức Chiến- Phó TGĐ xác nhận: Vợ chồng anh Hoán, chị Yến từng là NLĐ của Cty diện không xác định thời hạn, có đóng bảo hiểm; anh Hoán từng bị TNLĐ phải cưa cụt hai cánh tay, suy giảm 87% khả năng lao động và xác nhận theo biên bản thì vụ tai nạn thuộc diện không do lỗi của NLĐ…

Trước câu hỏi của PV về việc Cty đã thực hiện trách nhiệm bồi thường TNLĐ cho anh Hoán theo điều 145 Bộ luật Lao động hay chưa, lãnh đạo Cty không trả lời trực tiếp mà đưa ra một bảng kê các khoản tiền Cty đã chi ra để giải quyết vụ tai nạn, với tổng số tiền là 130.517.000đ.

Các khoản chi gồm:

Một là: chi cấp cứu ban đầu 18.894.000 đ (ông Thành, Quản đốc phân xưởng điện nhận ngày 8/3/2016).

Hai là: tạm ứng trong thời gian điều trị 15.000.000 đ (anh Hán – anh trai anh Hoán nhận ngày 16/3/2015).

Ba là: tạm ứng 32.000.000 đ (chị Yến nhận ngày 20/3/2015).

Bốn là: chi cho người bị tai nạn trong thời gian điều trị 16.380.057 đ (chị Yến nhận, thời gian được ghi là từ tháng 3 đến tháng 9/2015).

Năm là: chi cho người chăm sóc 13.243.997 đ (chị Yến nhận, thời gian được ghi là trong các tháng 3,4,5/2015).

Sáu là: chi sau khi ra viện 35.000.000 đ (chị Yến nhận ngày 31/12/2015 ).

Tuy nhiên, nhìn vào bản thống kê trên, chị Yến cho rằng lãnh đạo Cty cổ phần gạch Granit Nam Định đã không trung thực khi thông tin với báo chí.

Theo chị Yến, trong 6 khoản chi nhận trên chỉ có các khoản số 2 và số 6 đúng với nội dung chi nhận ghi trong bảng kê. 4 khoản còn lại, chị Yến cho biết mình không rõ khoản số 1 (18.894.000đ) vì người nhận là Quản đốc phân xưởng điện- nơi anh Hoán làm việc.

Khoản số 3 (32.000.000đ), chị khẳng định đây là số tiền tình nghĩa do tập thể NLĐ trong Cty quyên góp ủng hộ, giúp đỡ gia đình chị trong lúc khó khăn, không phải theo cách gọi “lập lờ” của Cty là khoản “tạm ứng”. Hiện chị Yến vẫn giữ danh sách và số tiền ủng hộ của từng người.

Khoản số 4 (16.380.057 đ) Cty gọi là khoản “chi cho người bị tai nạn trong thời gian điều trị”, theo chị Yến đây thực chất là tiền lương, thu nhập của anh Hoán mấy tháng trước và sau khi anh gặp tai nạn. Cụ thể, khi bị tai nạn vào tháng 3 anh Hoán chưa nhận lương, thu nhập khác của tháng 2, cộng với mấy tháng tiền lương anh Hoán vẫn được hưởng trong thời gian nằm điều trị theo quy định của luật, tổng cộng là hơn 16 triệu đồng.

Khoản số 5 (13.243.997đ) Cty gọi là khoản “chi cho người chăm sóc”, theo chị Yến thực chất là tiền lương 3 tháng của chị trước khi chị xin nghỉ việc…

Như vậy, chỉ căn cứ vào các khoản tiền chi, nhận Cty cổ phần gạch Granit Nam Định đã liệt kê, có thể thấy: Cty chưa hề thực hiện trách nhiệm bồi thường TNLĐ cho anh Hoán theo quy định tại Điều 145 của Luật lao động.

Trên thực tế, Cty mới chỉ có các hoạt động hỗ trợ ban đầu, thực hiện chi trả các khoản chi phí y tế ngoài danh mục chi trả của bảo hiểm, vốn cũng là trách nhiệm của Cty được quy định tại Điều 144 cũng của Luật Lao động mà thôi.

Cụ thể: theo quy định tại Điều 144: NSDLĐ phải có trách nhiệm thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với NLĐ tham gia BHYT; trả đủ tiền lương theo HĐLĐ cho người lao động bị TNLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị…

Tại buổi làm việc, biện hộ cho việc Cty chưa thực hiện đúng luật, Phó TGĐ Trương Đức Chiến cho rằng: mức lương cơ sở theo HĐLĐ của anh Hoán là 2.750.000đ/tháng, nếu được bồi thường cũng chỉ hơn 82 triệu đồng. Với số tiền đã bỏ ra giải quyết vụ tai nạn, Cty đã thực hiện trách nhiệm với NLĐ còn hơn cả theo quy định của Luật Lao động.

Còn TGĐ Nguyễn Kim Túc thì nói rằng: “Luật là do mình làm ra. Đến ngày thực thi cũng còn có thể hoãn lại được cơ mà!”. Về quy định trách nhiệm NSDLĐ phải bồi thường cho NLĐ khi họ bị tai nạn, ông Túc lý luận rằng: “Phải thực hiện không có nghĩa là phải thực hiện luôn”.

Có lẽ thái độ và cách suy diễn luật như trên của lãnh đạo Cty cổ phần CP gạch Granit Nam Định đã lý giải cho việc tại sao cho đến nay, sau 1,5 năm vụ TNLĐ xảy ra họ vẫn vẫn chưa chịu ra quyết định bồi thường và thực hiện việc bồi thường cho NLĐ của mình, dù theo luật hiện hành họ phải thực hiện xong hai việc này chỉ trong vòng 10 ngày sau khi có biên bản giám định?

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV ĐĐK, ông Phạm Lê Hà- Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định cho biết: Khi vụ tai nạn xảy ra, Cty cổ phần gạch Granit Nam Định có báo cáo với Sở. Do không phải là tai nạn chết người nên khi đó tỉnh không thành lập đoàn kiểm tra. Khi gia đình có đề nghị, Thanh tra Sở sẽ xem xét, tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định về bồi thường TNLĐ của Cty đối với anh Hoán.

Theo:Trần Duy Hưng – daidoanket.vn


TOP