UBND huyện Hải Hậu có “buông lỏng” quản lý?

UBND huyện Hải Hậu có “buông lỏng” quản lý?

Tiếp tục với hành trình phản ánh về lời tố ô nhiễm môi trường ở xã Hải Vân (Hải Hậu, Nam Định) do ảnh hưởng từ một loạt các cơ sở nấu nhôm bị ô nhiễm. Ở bài này, chúng tôi xin đưa ra một số vấn đề cần được xem lại trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của UBND huyện Hải Hậu đối với sự việc trên.

28 cơ sở vi phạm mọc lên, UBND huyện không hay biết?

Như ở các loạt bài trước chúng tôi đã thông tin, tính từ khoảng năm 2010, có người sau khi vào Tp. Hồ Chí Minh mưu sinh đã học được nghề chế biến, sản xuất nhôm đúc hợp kim và về quê mở cơ sở nhỏ để hoạt động. Ngay sau đó, có thể do lợi nhuận từ ngành nghề, cộng thêm phong trào phát triển kinh tế tại địa phương nên lần lượt có nhiều hộ đua nhau mở xưởng để hoạt động sản xuất lĩnh vực này. Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn xã đã có 28 cơ sở hoạt động về mảng này. Điều đặc biệt là cả 28 cơ sở này đều đã đăng ký kinh doanh phát triển thành các doanh nghiệp để đi vào hoạt động sản xuất cũng như kinh doanh chuyên nghiệp. Từ thời điểm ấy, xã Hải Vân mặc nhiên được coi như một “làng nghề” sản xuất nhôm khi người người, nhà nhà đua nhau mở doanh nghiệp, công ty để làm.

Ở một khía cạnh tích cực, thì đây chính là tín hiệu đáng mừng khi nền kinh tế tại địa phương này đang khởi sắc, lao động tại chỗ được tận dụng, đời sống tinh thần, vật chất được nâng cao. Thế nhưng, cũng từ lúc này người ta mới nhận ra một sự thật rằng, họ đang phải đối mặt với môi trường ô nhiễm thực sự.

Có gần 30 cơ sở hoạt động đúc nhôm trên địa bàn, hầu hết không có hồ sơ đánh giá tác động môi trường, không có hệ thống xử lý nước thải riêng với nước sinh hoạt, không có hệ thống lưu trữ hóa chất, không có hệ thống giảm thiểu tiếng ồn…

Điều đáng nói là, hầu hết các cơ sở này đều không có hồ sơ đánh giá tác động môi trường, không có hệ thống nước thải riêng với nước sinh hoạt, không có hệ thống lưu trữ hóa chất, không có hệ thống giảm thiểu tiếng ồn…

Chưa hết, đa số các cơ sở này đều đã và đang mở rộng quy mô ngay trên chính diện tích đất thổ cư, nằm trong khu dân cư, việc thực hiện trách nhiệm về cấp phép xây dựng, quy định về sử dụng đất cũng chưa được quan tâm.

Thế nhưng, chỉ trong một vài năm trở lại đây, khi mà gần 30 cơ sở ra đời thì UBND huyện Hải Hậu vẫn chẳng hay chẳng biết cho đến khi người dân và báo chí vào cuộc phản ánh? Vậy nhiều năm ấy, UBND huyện Hải Hậu làm gì?

Quyết định xử phạt có hay không?

Ngày 23/5/2018, đại diện cán bộ UBND huyện Hải Hậu là ông Vũ Văn Kỳ – Chánh văn phòng UBND huyện, đã có thư điện tử phản hồi cho phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường.

Tuy nhiên, trong thư này, ông Kỳ chỉ cho biết rằng Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu đã có quyết định xử phạt đối 04 cơ sở, mức xử phạt cũng như hình thức xử phạt bổ sung đối với các vi phạm này. Tuy nhiên, dù được phóng viên đề nghị nhiều lần nhưng tuyệt nhiên UBND huyện Hải Hậu kiên quyết không cung cấp quyết định này bằng văn bản hoặc bản mềm (được scan)?

Thư điện tử của Chánh văn phòng UBND huyện Hải Hậu phản hồi cho phóng viên.

Trao đổi với phóng viên, người dân xã Hải Vân cũng cho biết, sau khi người dân cực lực phản ánh, cùng với sự vào cuộc của cơ quan báo chí thì UBND huyện Hải Hậu cũng đã có đoàn về kiểm tra, xử lý 04/28 cơ sở này. Sau đó thì cũng thấy “nói rằng” có xử phạt, có đọc trên loa phát thanh. Tuy nhiên, đến giờ “mặt mũi” quyết định xử phạt ấy như thế nào thì cũng chưa người dân nào trông thấy. Thậm chí, những người dân trực tiếp đứng ra đại diện để đứng tên trên đơn thư phản ánh cũng không hề được nhận bất kỳ văn bản thông báo nào về việc xử lý vấn đề này của UBND huyện Hải Hậu.

Trước đó, trong buổi làm việc với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường ngày 20/04/2018 ông Đỗ Trung Kiên – Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, ông Vũ Văn Kỳ – Chánh Văn phòng UBND huyện Hải Hậu đều khẳng định rằng sẽ thông tin nghiêm túc đến cơ quan báo chí về quyết định xử phạt, quá trình xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại xã Hải Vân. Đặc biệt, hai vị này còn cam kết sẽ có sự thông báo để phối hợp với báo chí trong buổi kiểm tra. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, đơn vị này đã “lẳng lặng làm”?.

Cho đến khi chúng tôi phải liên lạc bằng nhiều cuộc điện thoại thì mới nhận được phản hồi là đã làm, đã xử phạt, thế nhưng không hiểu vì sao khi được đề nghị cung cấp thì lại kiên quyết lảng tránh. Phải chăng, quyết định xử phạt này vẫn được UBND huyện này coi như một “công văn mật” khi mà người dân không được biết, cơ quan báo chí đang phản ánh sự việc cũng không được biết?

Nhiều văn bản “suông” !?

Cũng trong buổi làm việc với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường ngày 20/04/2018, sau khi tiếp nhận nội dung phản ánh, đại diện lãnh đạo UBND huyện Hải Hậu là ông Đỗ Trung Kiên và ông Vũ Văn Kỳ đều nhất quán khẳng định rằng UBND huyện đã nắm được vấn đề và cũng đã có những động thái can thiệp, xử lý.

Tuy nhiên, như lời các ông nói là đã có kiểm tra, có xử phạt, nhưng sự thật thì đến giờ chúng tôi chưa được tiếp cận bất kỳ tài liệu nào thể hiện được điều này.

Ông Đỗ Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu trong buổi làm việc với phóng viên ngày 20/04/2018.

Chưa hết, về hướng xử lý, ông Đỗ Trung Kiên cũng khẳng định “sáng nay Chủ tịch đã ký” văn bản về việc đề nghị phê duyệt quy hoạch tiểu khu công nghiệp cho xã Hải Vân. Nghĩa là như lời ông Kiên thì trong sáng ngày 20/04/2018 Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu là ông Phạm Văn Chiến đã có văn bản chính thức gửi UBND tỉnh Nam Định về vấn đề của xã Hải Vân. Thế nhưng, mặc dù đã tìm kiếm, đã đề nghị (và thậm chí hai vị này đã hứa sẽ cung cấp) nhưng đến giờ những văn bản như các ông cho biết vẫn chỉ ở trên lời nói suông.

Câu chuyện về vấn đề ô nhiễm môi trường ở xã Hải Vân đang trở thành một tiêu điểm, nhất là khi huyện Hải Hậu là một đơn vị đi đầu đạt danh hiệu nông thôn mới. Chưa dừng lại ở đó, nếu như huyện Hải Hậu đã đặt mục tiêu đạt danh hiệu nông thôn mới “kiểu mẫu” thì câu hỏi đặt ra là hiện trạng ô nhiễm môi trường ở xã Hải Vân có thể giúp cho huyện này đạt được mục tiêu đề ra hay không?

Tại sao đến bây giờ việc xử lý vấn đề ở xã Hải Vân có nhiều sự không rõ ràng lại không công khai văn bản quyết định xử phạt? Tại sao có đến 28 cơ sở có dấu hiệu gây ô nhiễm mà chỉ xử phạt 04 cơ sở? Tại sao lãnh đạo huyện Hải Hậu có nhiều bất nhất trong lời nói và quá trình thực hiện như vậy? Tại sao huyện Hải Hậu không bàn đến vấn đề để xảy ra hiện trạng này thì trách nhiệm thuộc về ai?

Người dân xã Hải Vân đã và đang cố gắng truyền đi thông điệp của mình trước nỗi lo vấn nạn ô nhiễm môi trường quê hương.

Có lẽ, thời điểm này là lúc vị Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cần lên tiếng để lý giải cho một loạt các câu hỏi trên. Nếu vấn đề ô nhiễm môi trường không được xử lý triệt để, tổ chức và cá nhân sai phạm vẫn chưa được làm rõ ràng, và quan trọng nhất, huyện Hải Hậu sẽ khó có thể giữ được danh hiệu nông thôn mới chứ chưa bàn đến việc đã xứng đáng được công nhận danh hiệu kiểu mẫu hay không?.


TOP