Xuân Trường: Triệu phú từ cây lúa

Xuân Trường: Triệu phú từ cây lúa

Ít ai nghĩ rằng, cánh đồng bị bỏ hoang, cỏ mọc ngang người ở xã Xuân Thành (Xuân Trường, Nam Định) ngày nào giờ đây đã được ông Đoàn Xuân Khải cải tạo, canh tác thành đồng lúa xanh mướt trải dài gần 1km. Khi bắt tay vào làm, ông bị mọi người cho là “dở hơi” vì trong lúc người ta “chán” ruộng bỏ đi không được ông lại hăng hái đi xin chính quyền địa phương cho mình được khai hoang để cấy lúa. Thế nhưng, đất chẳng phụ công người.

Ông Đoàn Xuân Khải có thu nhập cao từ việc cấy 40 mẫu lúa.

Ông Đoàn Xuân Khải có thu nhập cao từ việc cấy 40 mẫu lúa.

Ông Đoàn luôn nghĩ, đã sinh ra từ làng thì ruộng đồng chính là kế sinh nhai, vì thế với ông nếu không bám ruộng thì không được, trong khi mình vẫn còn sức khỏe. Bàn đi, tính lại ông càng có cơ sở để chứng minh lối nghĩ của mình là đúng đắn vì ông nghiệm ra rằng: ở quê ông có hàng trăm hộ làm ruộng nhưng diện tích đất nông nghiệp ít ỏi với dăm ba sào ruộng, bị chia nhỏ ở nhiều xứ đồng khác nhau, không được quan tâm chăm sóc đúng mức do mọi người còn tập trung đi làm thêm các ngành nghề phụ nên không mang lại hiệu quả cao. Nếu khắc phục được nhược điểm này và đầu tư đúng mức chắc chắn có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Nghĩ là làm, năm 2010 sau khi được chính quyền địa phương cho phép, ông tập trung cải tạo 20 mẫu ruộng để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong canh tác.

Ông Khải cho biết: “Khi bắt tay vào khai hoang, việc đầu tiên và khó khăn nhất là phải xử lý lớp cỏ dày đặc bằng cách thuê máy cày về cày úp cỏ, ngâm nước cho cỏ chết; tập trung công sức san ruộng, cải tạo mương máng với phương châm “nhất nước, nhì phân”. Sau hàng tháng trời vật lộn với cỏ, cuối cùng tôi cũng đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng và gieo cấy được 20 mẫu. Năm này toàn bộ diện tích trên cho năng suất đạt bình quân 1,7 tạ/sào”.

Vụ đầu tiên cho kết quả tốt, ông mạnh dạn đấu thầu thêm 20 mẫu nữa để khai hoang cấy lúa. Cứ thế, cái ý nghĩ “làm ruộng thì ra, làm nhà thì thiếu” đã thôi thúc ông “ôm” hết những diện tích hoang hóa ở địa phương.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, những vụ đầu toàn bộ số thóc thu hoạch xong ông bán hết để lấy kinh phí tái đầu tư vào việc thuê người đắp bờ vùng, san lấp ruộng và mua máy cày, máy cấy, máy gặt để tự phục vụ sản xuất của gia đình.

Kể về cách làm của mình, ông Khải cho biết: “Với 40 mẫu ruộng, vụ chiêm xuân áp dụng gieo sạ 100% diện tích với giống lúa Bắc thơm và vụ mùa do thời gian sinh trưởng của lúa Tám thơm kéo dài nên phải cấy bằng mạ được, để tránh lúa bị đổ vào những tháng mưa bão. Với sản lượng thu hoạch mỗi vụ từ 56 – 70 tấn thóc, sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô bán cho các thương lái từ khắp nơi về thu mua, gia đình không phải lo lắng nhiều về đầu ra cho hạt lúa”.

Đến nay, sau gần 5 năm không ngừng mở rộng diện tích, xây dựng mô hình, ông đã có cánh đồng với 40 mẫu, mỗi năm canh tác 2 vụ lúa. Tất cả các công đoạn, từ làm đất, gieo mạ, phun thuốc trừ sâu, đến thu hoạch, vận chuyển đều được thực hiện bằng máy. Chính nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, diện tích lúa của gia đình ông Khải cho năng suất, chất lượng cao, mỗi năm cho thu nhập trên 400 triệu đồng, ngoài ra ông còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương.

Chia sẻ về thành công của mình, ông Khải cho rằng, đối với người nông dân thì không gì bằng sản xuất nông nghiệp. Ruộng đồng cũng là một phương tiện làm giàu rất hiệu quả và bền vững, mang lại thu nhập cao không kém gì các ngành nghề khác nếu người nông dân thật sự có tâm huyết, quyết tâm và khai thác tốt lợi thế, điều kiện tự nhiên của địa phương.

Văn Thứ – Đại Đoàn Kết


TOP