Nam Định: Nhà máy dệt di dời để phát triển ổn định và lâu dài

Nam Định: Nhà máy dệt di dời để phát triển ổn định và lâu dài

(Xây dựng) – Nhằm nâng cấp cơ sở vật chất và tránh việc ô nhiễm ảnh hưởng đến dân cư; nhà máy dệt Nam Định đang trong lộ trình chuyển đổi và di dời. Việc di dời này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ mới.

Nhà máy dệt Nam Định nằm tại số 62 đường Trần Phú, TP Nam Định

Nhà máy dệt Nam Định – cái nôi của ngành dệt may Việt Nam đến nay tuổi đời đã hơn 100 năm. Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 64 về kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường; và nhà máy dệt Nam Định nằm trong diện gây ô nhiễm cần xử lý.

Theo đó, nhằm thực hiện chủ trương này, sẽ được di chuyển đến khu công nghiệp Hòa Xá (xã Mỹ Xá, TP Nam Định) nơi xa dân cư để tránh gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh.

Công nhân bộ phận máy ống đang làm việc.

Ông Đoàn Văn Dũng – Trưởng phòng Tổ chức hành chính Tổng Cty CP dệt may Nam Định cho biết: “Trước đây đơn vị gây ô nhiễm nhất là nhà máy nhuộm, do có hóa chất nhuộm vải. Sau khi Nghị định 64 ban hành, Tổng Cty cũng đã cho di dời nhà máy này ra ngoài khu công nghiệp Hòa Xá. Hiện, Khu công nghiệp mới đã xây dựng và di dời xong nhà máy nhuộm, xây dựng xong nhà máy động lực và nhà máy xử lý chất thải”.

Hiện nay, trong lòng thành phố, chỉ còn nhà máy sợi, nhà máy dệt và nhà máy may. Tổng Cty cũng tiến hành song song việc củng cố điều kiện cơ sở vật chất ở cơ sở hiện tại với việc di dời ra ngoài khu công nghiệp mới theo lộ trình.

Nhà máy dệt hiện vẫn đang hoạt động và cung cấp việc làm cho số lượng lớn công nhân.

Ông Đinh Viết Pháo (75 tuổi), cư dân sống ở đường Hoàng Hoa Thám, cạnh nhà máy dệt cho biết: “Tổ dân phố ở đây đã phải viết đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng do bụi than dùng để vận hành lò hơi tại nhà máy gây ô nhiễm môi trường các hộ dân xung quanh. Sau khi, nhà máy nhuộm được di dời thì chúng tôi cảm nhận không khí tốt hơn trước nhiều”.

Khu đô thị dệt may Nam Định đang xây dựng dần thay thế cho nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương trước đây.

Nhà máy dệt Nam Định tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do toàn quyền Đông Dương De Lanessan lập ra. Được hình thành từ những năm 1990 của thế kỷ XX, nhà máy dệt đã đồng hành cùng với nhân dân tỉnh Nam Định trong các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, các phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động sản xuất. Đã ba lần Bác Hồ về thăm, nói chuyện và động viên cán bộ công nhân ngành Dệt.

Bảo tàng dệt Nam Định với lối kiến trúc cổ được giữ lại để phục vụ thăm quan.

Trong lộ trình thực hiện di dời, sẽ giữ lại toàn bộ các di tích lịch sử, văn hóa có ý nghĩa với ngành dệt Nam Định như: Cây bàng lịch sử – nơi ghi dấu phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy, bảo tàng dệt may nơi có khu nhà truyền thống mà Bác Hồ từng nghỉ ngơi khi ba lần về thăm. Bảo tàng cũng trưng bày những hình ảnh tư liệu và các loại máy móc thiết bị để phục vụ thăm quan.

Căn phòng Bác Hồ từng nghỉ ngơi khi ba lần về thăm nhà máy dệt Nam Định.

Hoài niệm về biểu tượng một thời

Nhà máy dệt trước đây có diện tích bằng 1/6 diện tích TP Nam Định, số công nhân từ 16 đến 18 nghìn người. Trong ánh nhìn xa xăm, hoài niệm về những dấu ấn một thời, ông Pháo – một người sinh ra và lớn lên ở Nam Định, trước là kĩ sư cơ khí ở nhà máy nhớ lại: “Mỗi dịp đến kỳ lương là nhốn nháo cả thành phố, lúc đó người ta mới có tiền đi mua sắm vì hầu như tất cả mọi người đều trông chờ vào nhà máy dệt”.

Ông Đinh Viết Pháo trước đây là kỹ sư cơ khí có rất nhiều tình cảm với nhà máy dệt Nam Định.

Còn đối với bà Trương Thị Thùy – Công nhân ở bộ phận may ống, đã từng làm ở nhà máy dệt hơn 21 năm và hiện giờ vẫn sinh hoạt hưu chí tại đây thì đối với bà nhà máy không bao giờ bị phá bỏ, mà nó chỉ được chuyển đổi ra nơi khác đẹp hơn, khang trang hơn. Mặc dù, quy mô dù không như trước nhưng truyền thống của ngành dệt sẽ không bao giờ mất.

Một số sản phẩm tiêu biểu nhân dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của nhà máy dệt Nam Định.

Với những người như ông Bảo, bà Thùy; họ đã quen cách gọi TP Nam Định là “Thành phố dệt”. Tiếng còi tầm vang lên mỗi độ 5h, 11h, 21h báo chuông nghỉ đã đi sâu vào trong tiềm thức. Cái tên “Thành phố dệt” cũng ăn sâu trong lòng người, để chỉ cần nhắc đến “Thành phố dệt” là người ta nghĩ ngay đến TP Nam Định.

Dẫu vẫn có sự tiếc nuối về biểu tượng một thời của thành phố, một nhà máy đã từng được coi là nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương, nhưng những sự thay đổi là cần thiết. Dệt Nam Định đang chuyển mình sang một diện mạo mới hiện đại và tiên tiến hơn, xóa bỏ đi những gì ô nhiễm và lạc hậu.

Trần Thị Ngọc Thúy (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
(baoxaydung.com.vn)


TOP