Huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định: Cáo trạng có bỏ lọt tội phạm?

Huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định: Cáo trạng có bỏ lọt tội phạm?

Giao dịch chạy án

Chị Phạm Thị Châu Loan (SN 1984), hộ khẩu thường trú tại số nhà 2/581 đường Trường Chinh, phường Hạ Long, TP.Nam Định (tỉnh Nam Định), trình bày: Ngày 17/1/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Nam Trực (Nam Định) bắt quả tang tại nhà anh Phan Văn Dần ở xóm 13, xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định 10 đối tượng chơi “xóc đĩa” ăn tiền.

Trong quá trình cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Trực đang tạm giữ 10 đối tượng đánh bạc. Ngày 18/1/2016 chị Phan Thị Hiền có đến nhà tôi chơi và kể cho tôi đầy đủ sự việc về vụ đánh bạc và nhờ tôi giúp đỡ chạy án vì biết tôi có nhiều mối quan hệ cá nhân. Do là bạn chơi thân và quen biết, nên thấy chị Hiền nhờ tôi giúp đỡ, tôi đã gọi điện trao đổi vụ việc và có ý muốn nhờ anh Nguyễn Nguyên Ngọc xin giúp đỡ.

Sau khi trao đổi nhiều lần qua điện thoại và nhắn tin, thì ngày 22/01/2016 anh Ngọc có thông báo cho tôi biết là để giúp được việc cho chị Hiền thì cần số tiền năm trăm triệu đồng để chạy án cho các đối tượng đánh bạc là người nhà của chị Hiền được tại ngoại và khi xét xử thì được hưởng án treo. Sau khi nhận được thông báo từ anh Ngọc, tôi đã báo cho chị Hiền đúng như những gì mà anh Ngọc đã nói với tôi, là để lo cho những đối tượng đánh bạc là người nhà của chị Hiền được tại ngoại và khi xét xử vụ án thì sẽ được hưởng án treo thì anh Ngọc báo cần năm trăm triệu đồng.

Đến khoảng 14h30’ ngày 22/01/2016, tôi cùng với anh Ngọc từ thành phố Nam Định đi đến khu vực thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định để nhận tiền từ chị Hiền. Khi đi đến gần chỗ hẹn chị Hiền và chị Thìn để lấy tiền, thì anh Ngọc xuống xe và ngồi đợi ở quán nước. Khi đi đến chỗ hẹn gặp chị Thìn trong xe ô tô để giao số tiền 240 triệu thì bị Công an huyện Nam Trực bắt.

Sau khi bị bắt tôi đã đem số tiền 250 triệu đồng đã nhận trước đó giao nộp lại cho công an huyện Nam Trực. Đến ngày 13/4/2016, thì tôi bị CA huyện Nam Trực ra quyết định khởi tố điều tra và kết luận tôi có hành vi Lừa đảo chiếm đoát tài sản. Đến ngày 11/11/2016 VKSND huyện Nam Trực ra cáo trạng kết luận tôi phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và quyết định truy tố trước tòa để xét xử tôi về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong quá trình điều tra vụ án tôi đã trình bày toàn bộ sự việc cho cơ quan CSĐT công an huyện Nam Trực. Tuy nhiên đến ngày 09/08/2016, tôi có nhận được kết luận điều tra số 51/KLĐT của cơ quan CSĐT công an huyện Nam Trực kết luận tôi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Điều đáng nói là, chị Hiền và anh Ngọc (là những người liên quan trong vụ án) lại không bị kết tội như tôi?.

Ngày 11/11/2016, VKS ra cáo trạng không xem xét hành vi của chị Hiền và hành vi của anh Ngọc. Hành vi của hai người này sẽ được làm rõ sau. Từ các tình tiết sự việc nêu trên, tôi cho rằng kết luận điều tra của CA huyện Nam Trực không đúng với sự thật khách quan của vụ án và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Tôi không có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (số tiền nhận chạy án tôi không sử dụng đến và đã hoàn trả, giao nộp lại ngay cho cơ quan CSĐT sau khi bị bắt). Vì chị Hiền có ý định nhờ tôi giúp đỡ nên tôi đã hỏi hộ chứ không phải là người trực tiếp chạy án.

Đơn thư gửi tới tòa soạn.

Đơn thư gửi tới tòa soạn.

Cần làm rõ hành vi của một số cá nhân liên quan?

Cùng chung quan điểm với chị Phạm Thị Châu Loan, Luật sư Trần Văn Thi – đoàn Luật sư Hà Nội bày tỏ quan điểm: Hành vi của chị Loan không đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi, theo quy định của pháp luật, để cấu thành tội này, người phạm tội phải có hành vi “chiếm đoạt” và phải được thực hiện bằng thủ đoạn “gian dối”. (Thủ đoạn gian dối này phải có trước hành vi chiếm đoạt).

Chị Loan không thực hiện bất cứ thủ đoạn gian dối nào nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Bởi ngay từ đầu, theo biên bản lời khai của chị Thìn cùng 1 số người khác thì chị Hiền là người chủ động tìm chị Loan để nhờ chị Loan giúp đỡ, chị Loan cũng chỉ nhận lời là sẽ đi nhờ người khác chứ chị Loan không trực tiếp chạy án, vì mối quan hệ thân quen lâu năm nên chị Loan mới nhận lời.

Ngoài ra, chị Loan cũng chưa có hành vi chiếm đoạt tài sản của người nhà các đối tượng đánh bạc, bởi khi nhận tiền của chị Hiền, chị Loan đã chuyển ngay cho người khác trước sự chứng kiến của chị Hiền, chỉ khi mà người chị Loan nhờ nói không giúp được và chị Hiền tiếp tục năn nỉ nhờ chị Loan giúp đỡ nên khi chưa tìm được người giúp đỡ thì chị Loan mới tạm giữ số tiền 250.000.000 đồng. Số tiền này chị Loan đã giao nộp ngay cho cơ quan CSĐT khi bị bắt. Do vậy, không thể khẳng định chị Loan có hành lừa đảo để chiếm đoạt tài sản như cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Trực.

Luật sư Thi cho rằng cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Trực chỉ kết luận bà Phạm Thị Châu Loan phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và quyết định truy tố trước tòa để xét xử bà Loan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không tiến hành làm rõ hành vi phạm tội của một số đối tượng liên quan trực tiếp đến vụ án là thiếu khách quan, có thể gây oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Do vậy, Luật sư Thi đề nghị Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Trực trả hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra huyện Nam Trực để tiến hành điều tra lại vụ án qua đó xác định lại tội danh của bà Phạm Thị Châu Loan và làm rõ trách nhiệm, hành vi phạm tội của một số cá nhân liên quan trực tiếp đến vụ việc.

Về vụ việc này, quý báo sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.

PV / KD&PL


TOP