Vì sao lượng khách đến Nam Định “tăng chậm dần”?

Vì sao lượng khách đến Nam Định “tăng chậm dần”?

Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là loại hình du lịch văn hóa – tâm linh có sức hút đặc biệt với du khách, song lượng khách đến với Nam Định thời gian qua có xu hướng tăng chậm dần.

Nam Định “cái gì cũng có”…

Tỉnh Nam Định có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú có khả năng phát triển hai loại hình du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên sinh thái. Trên địa bàn tỉnh có 1.330 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 349 di tích đã được xếp hạng.

Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của Nam Định rất phong phú với các loại hình dân ca, dân vũ như: hát Chèo, hát Văn…;

sở hữu hơn 100 lễ hội truyền thống, trong đó có những lễ hội nổi tiếng vì quy mô và sự độc đáo như Hội chợ Viềng Xuân mỗi năm chỉ có một phiên, Lễ hội đền Trần với tục khai ấn đầu năm, Lễ hội Phủ Dầy được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia…

Đặc biệt, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt mà tỉnh Nam Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao lập hồ sơ trình UNESCO đã được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2016.

Hạn chế lớn nhất của du lịch Nam Định chính là tính mùa vụ, du khách đến nhiều chủ yếu vào đầu năm để tham dự lễ hội, chi tiêu thấp (Ảnh: Nam Nguyễn)

Văn hóa ẩm thực cũng nổi tiếng với phở bò Nam Định, bún đũa, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn vào top 100 món ăn ẩm thực, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam.

Ngoài ra còn có kẹo lạc Sìu Châu, bánh nhãn, gạo tám Hải Hậu, nem nắm Giao Thủy, bánh cuốn làng Kênh… là những món đặc sản được đông đảo thực khách ưa chuộng.

Về tài nguyên du lịch biển đảo, Nam Định có 72km bờ biển với những bãi biển đã được khai thác, xây dựng thành các khu du lịch biển hấp dẫn như: Thịnh Long (huyện Hải Hậu), Quất Lâm (huyện Giao Thủy).

Đặc biệt, Vườn quốc gia Xuân Thủy cùng với các vùng đất ngập nước ven biển ở khu vực đồng bằng sông Hồng thuộc các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, có tầm quan trọng đặc biệt.

Sở hữu nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú như vậy, nhưng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch của tỉnh vẫn còn khiêm tốn.

Năm 2017 ước đạt 2,25 triệu lượt khách. Thêm vào đó, theo đánh giá của Sở VHTTDL Nam Định, lượng khách du lịch đến với các điểm tham quan du lịch của tỉnh Nam Định trong thời gian gần đây có xu hướng tăng chậm dần.

“Ngoài những yếu tố về điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành Du lịch, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực… còn nhiều hạn chế thì phải kể đến một nguyên nhân chủ yếu là sản phẩm du lịch của tỉnh còn nghèo nàn, đơn điệu, phần lớn khai thác ở dạng tự nhiên, chưa được đầu tư nâng cấp chất lượng đồng bộ và hoàn chỉnh để tăng sức hấp dẫn, thu hút đối với du khách.

Một số sản phẩm du lịch trước đây thu hút đông khách du lịch đã có biểu hiện “bão hòa” như sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng biển, tính cạnh tranh còn thấp…” – ông Khúc Mạnh Kiên – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nam Định chia sẻ.

…nhưng chưa rõ đâu là sản phẩm du lịch đặc thù?

Theo ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chính vì Nam Định sở hữu nhiều tài nguyên du lịch mà chưa có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm nên chưa rõ đâu là sản phẩm du lịch đặc thù.

Theo ông Bình, thế mạnh lớn nhất của Nam Định là văn hóa tâm linh, do vậy nên chú trọng đầu tư vào loại hình du lịch văn hóa, trong đó tập trung khai thác những giá trị văn hóa tiêu biểu như Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hoặc Chầu Văn…

Tuy nhiên, để phát huy những giá trị văn hóa này vào hoạt động thu hút du khách, địa phương cần đẩy mạnh đầu tư để tạo thành một quần thể tập hợp tất cả những gì liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu và Chầu Văn.

Làm sao để du khách biết đến Nam Định như một trong những cái “nôi” của hai di sản này và có thể tìm hiểu, khám phá những giá trị của hai di sản này khi đến Nam Định

Tín ngưỡng thờ Mẫu tại quần thể di tích văn hóa phủ Dầy gắn với Lễ hội phủ Dầy, sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận được đánh giá là tăng khả năng thu hút khách quốc tế đến Nam Định (Ảnh: Nam Nguyễn)

Cũng theo ông Bình, thế mạnh về làng nghề và ẩm thực của Nam Định cũng có thể khai thác trở thành điểm nhấn nổi bật của du lịch Nam Định.

Tuy nhiên cần lựa chọn những làng nghề và đặc sản tiêu biểu để đầu tư trở thành những sản phẩm du lịch tiêu biểu, chỉ cần nhắc đến là du khách nhớ đến Nam Định, ví dụ như nghề làm đồng Ý Yên và phở Nam Định…

Đồng tình với ý kiến này, ông Trương Sỹ Vinh- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam, Nam Định có tiềm năng lớn nhất về loại hình du lịch văn hóa bằng việc khai thác những giá trị di tích lịch sử văn hóa.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của du lịch Nam Định chính là tính mùa vụ, du khách đến nhiều chủ yếu vào đầu năm để tham dự lễ hội, chi tiêu thấp.

Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế còn hạn chế, nên sự đầu tư cho du lịch của Nam Định chưa đạt yêu cầu. “Cách đây 5 năm chúng tôi đã nhìn nhận ra những vấn đề của du lịch Nam Định, tuy nhiên sau 5 năm, những vấn đề này dường như vẫn như vậy, chưa có sự phát triển bứt phá” – ông Vinh cho hay.

Theo ông Vinh, để tăng cường thu hút khách đến với mình, Nam Định cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch để tránh tình trạng chỉ phát triển du lịch theo mùa vụ đối với hoạt động lễ hội, du lịch tâm linh.

Việc đa dạng hóa sản phẩm có thể bằng giải pháp tăng cường các khu vui chơi giải trí cho du khách, đầu tư bài bản hơn cho Vườn quốc gia Xuân Thủy, tăng cường khai thác thế mạnh về du lịch làng nghề truyền thống…

Bên cạnh đó, ông Vinh nhận định, về lâu dài, Nam Định hoàn toàn có tiềm năng thu hút khách quốc tế nếu quan tâm chú trọng đầu tư cho Lễ hội Đền Trần và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

“Đối với khu du lịch văn hóa Trần và Lễ hội đền Trần đầu năm, Lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo cuối năm, để thu hút khách quốc tế, cần quan tâm đầu tư trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, tổ chức khảo cổ xác định giá trị di sản công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Hành Cung Thiên Trường thế kỷ 13 – 14 gắn với vương triều Trần – một triều đại võ công văn trị đã 3 lần đánh thắng đế quốc Nguyên Mông. Có thể nghiên cứu xây dựng trung tâm thông tin giới thiệu (bằng nhiều ngôn ngữ) về giá trị di sản để du khách đến thăm có thể hiểu biết sâu hơn về quần thể di tích đặc biệt này”.

“Đối với Tín ngưỡng thờ Mẫu tại quần thể di tích văn hóa phủ Dầy gắn với Lễ hội phủ Dầy, sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại, khả năng thu hút khách quốc tế tăng lên đáng kể, trước đó thì khó. Tuy nhiên, Nam Định cần đầu tư nhiều hơn cho di sản này, ví dụ như cần tái hiện như thế nào, trình diễn ra sao để thu hút khách quốc tế” – ông Vinh cho hay.

Theo các chuyên gia du lịch khác, trước mắt, để tăng cường du khách trong nước đến với Nam Định, địa phương này cần làm tốt công tác xúc tiến quảng bá, tăng cường liên kết với doanh nghiệp lữ hành và các địa phương lân cận, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch./.

Theo Tổ Quốc


TOP