Hồ sơ chính sách giả: Tố cáo quyết liệt - Trả lời qua loa

Hồ sơ chính sách giả: Tố cáo quyết liệt – Trả lời qua loa

Trong khi nghi án về đường dây chuyên “chạy chế độ” tại huyện Nghĩa Hưng vẫn chưa làm rõ thì PV báo tiếp tục nhận được phản ánh của người dân huyện Trực Ninh về những khuất tất khác.
E-kíp chuyên làm giả hồ sơ đối tượng chính sách: Tố cáo quyết liệt – Trả lời qua loa

Theo tin nhanh phản ánh của người dân huyện Trực Ninh, thì tại nơi đây cũng có những khuất tất trong việc lập hồ sơ ban đầu cho nạn nhân chất độc hóa học. Bên cạnh đó là những điều kỳ dị một cách khác thường trong cách chi trả cho các nạn nhân được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Vậy, thực hư của vấn đề này ra sao? Tại sao, các cơ quan chức năng không quyết liệt vào cuộc, làm rõ nội tình, hay đằng sau đó có điều gì khuất tất?

Ai làm rõ hàng trăm nghi vấn khuất tất?

Phải khẳng định ngay rằng, hiện nay, có khá nhiều đối tượng lợi dụng những kẽ hở pháp lý trong chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công để trục lợi và lừa đảo. Các đối tượng này tung tin, có khả năng chạy được mọi chế độ từ thương binh, bệnh binh đến chuyện làm giả hồ sơ nạn nhân bị chất độc hóa học. Lẽ tất nhiên, những “trợ thủ” đắc lực cho đối tượng này có hẳn một ê-kíp làm việc khá bài bản và trơn tru. Thực tế, cơ quan chức năng xác minh, điều tra cũng chỉ làm rõ được một phần nổi trong “tảng băng chìm” khủng khiếp này mà thôi. Cái khó nhất trong quá trình xác minh có hay không đường dây “chạy chế độ” đó là tìm ra kẻ cầm đầu, giật dây.

1

Ông Phạm Quang Dương, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Trực Ninh.
Bởi để hoàn thiện một bộ hồ sơ đề nghị hưởng chế độ như hiện tại không hề đơn giản, quy trình sẽ đi từ cấp xã đến huyện và cuối cùng sẽ là cấp quản lý cao nhất và trực tiếp quản lý hồ sơ, rà soát lại lần cuối là sở LĐ-TB&XH. Quy trình khép kín như vậy, nếu sai thì sai cả một hệ thống nên lẽ tất dĩ quá trình điều tra, xác minh của cơ quan công an sẽ gặp không ít “chướng ngại vật”. Thực tế thì cơ quan công an còn gặp “khó” như vậy, huống chi những cựu binh đâm đơn tố cáo. Thế nên mới có chuyện, người tố cáo cứ tố cáo, chính quyền cứ bảo tố cáo sai, cơ quan công an thì vẫn xác minh điều tra nhưng đâu lại vào đấy. Hòa cả làng!

Nói chẳng đâu xa như tại xã Việt Hùng (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), người đâm đơn tố cáo có đường dây “chạy chế độ” thương binh, nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học tại địa phương và trưng ra những “chứng cứ” để đề nghị chính quyền vào cuộc làm rõ. Thế nhưng, chính quyền địa phương lại bảo, ông này tố cáo sai hết cả. Ngẫm cũng lạ, nếu người dân tố cáo sai thì suốt nhiều năm trời chính quyền không có “động thái” nào với người tố cáo thì mới lạ. Và, chính quyền sở tại cũng không thể chứng minh người đứng ra tố cáo “tố” sai như thế nào? Có chăng chỉ là những động thái giải quyết vu vơ theo kiểu… đang xác minh làm rõ?

Đơn cử như chuyện, vị Phó Chủ tịch xã Việt Hùng có hai tên là Trần Văn Th. và Trần Quang Th.. Trường hợp ông Nguyễn Văn Đ. và Nguyễn Ngọc Đ.. Họ dùng một tên để hưởng chế độ? Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Đ,. người bị “tố” làm giả hồ sơ để hưởng chế độ chất độc da cam cho rằng: “Ở trong quân đội, trường hợp nhầm tên đệm, tên lót không phải là hiếm. Tôi khẳng định, tuy tôi có hai tên nhưng chỉ là một người chứ không phải chạy hồ sơ gì cả”. Ông Trần Văn Th. thì trần tình: “Năm 1988, khi được phong quân hàm từ trung úy lên thượng úy thì tôi đang nằm trong viện. Việc Quân khu 5 đã nhầm tên lót của tôi từ “Văn” sang “Quang”, sau này tôi mới biết. Tôi cũng không kiến nghị gì. Năm 1996, tôi tham gia vào Ban chấp hành Đảng ủy xã thì lấy tên theo lý lịch Đảng nên đã dùng tên Trần Văn Th.”.

1

Quyển sổ chi trả lương tại xã Việt Hùng có nhiều khuất tất?
PV tìm hiểu thì được biết, tại xã Việt Hùng có tới gần trăm trường hợp bị “tố” có dấu hiệu khuất tất trong việc lập hồ sơ để hưởng chế độ và người ta nghi ngại rằng, phải chăng có đường dây chuyên “chạy chế độ” tại huyện này. Phản pháo trước những tố cáo của người dân, chính quyền địa phương cho rằng, toàn bộ những tố cáo là sai sự thật?

Trả lời qua loa cho xong việc(?!)

Trước sức ép của những lá đơn tố cáo và từ dư luận, trong một diễn biến mới nhất, một cán bộ phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Trực Ninh đã trực tiếp trả lời người tố cáo: “Chúng tôi chỉ biết chi trả, còn về việc này, chúng tôi không hề hay biết gì. Danh sách các trường hợp thương, bệnh binh, nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc màu da cam là do các đơn vị gửi về”. Ông Hoàng Đức Trọng, Phó Giám đốc sở LĐ- TB&XH tỉnh Nam Định cho biết: “Sau khi nhận được đơn phản ánh, Sở đã vào cuộc xác minh. Qua đó, các trường hợp được nêu theo đơn thư (trong đó có hai cán bộ xã Việt Hùng) đều tố cáo sai sự thật. Để xác minh có đường dây làm giả hồ sơ cho hơn 100 người nhận tiền trợ cấp của Nhà nước như tố cáo hay không, cơ quan công an phải vào cuộc làm rõ”. Như vậy, có thể hiểu rằng, các cơ quan chức năng huyện Trực Ninh hoàn toàn phủ nhận rằng, tại địa phương họ có đường dây chuyên “chạy chế độ”.

Làm việc trực tiếp với người đứng ra tố cáo, ông Nguyễn Cao Kh., xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh cho rằng, nhìn vào bảng trợ cấp hàng tháng của xã cho các nạn nhân, bằng mắt thường cũng thấy sự vô lý, vậy mà các cấp chính quyền địa phương không thể nhận ra thì cũng lạ. “Tôi tố cáo sai, tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chứ nhìn thấy những bất bình này, ai chẳng khó chịu, Nhà nước không thể bỏ tiền ra nuôi những kẻ vô ơn, bạc nghĩa, sống trên xương máu của đồng đội được… Ông Kh. cũng cho biết, suốt thời gian ông tố cáo những trường hợp đang hưởng sai chế độ tại xã Việt Hùng, ông cũng nhận được không ít những lời “nhắn nhủ” với hàm ý dừng tất cả mọi việc lại khi sự việc chưa quá muộn? “Làm gì có chuyện ngược đời, đi bộ đội ở khu vực biên giới phía Bắc mà cũng “chạy hồ sơ” để hưởng chất độc màu da cam. Đối tượng đi bộ đội ngoài Bắc, không nằm trong vùng da cam cũng được hưởng chế độ da cam. Nhiều trường hợp đang hưởng chế độ thương, bệnh binh dưới mức 60%, khi đi khám lại thì “chạy” giấy tờ để hưởng tới 60% – 80%, có người “chạy” được 2 chế độ, thể hiện ngay trong sổ chi trả lương hằng tháng mà nhân dân chúng tôi phát hiện ra”, ông Kh. tiết lộ thêm!

Tính chất xác thực từ những lá đơn tố cáo của người dân xã Việt Hùng ở mức độ nào, các cơ quan chức năng cần làm rõ. Ngoài ra, cách mà chính quyền các cấp trả lời dân chẳng khác chuyện “cưỡi ngựa xem hoa” và như thể không phải trách nhiệm của họ vậy. Ngay cả vị Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định cũng từng trả lời báo chí, tại Nam Định, tỷ lệ làm hồ sơ giả chất độc da cam rất ít, chỉ 0,04%. Nếu có thì chỉ có những người làm giả biết với nhau, còn chính quyền thì không thể nắm hết được?

(Còn nữa)

Một tên chỉ hưởng một chế độ?
Ông Phạm Quang Dương, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Trực Ninh: “Tại xã Việt Hùng, chỉ có ông Nguyễn Văn Đ., cán bộ LĐ- TB&XH xã Việt Hùng, đang được hưởng chế độ bệnh binh 2/3, ông Đ. không nhận tiền chất độc da cam”. Ông Trần Văn Th. và Trần Quang Th. là một. Ông Th. nhập ngũ tháng 2/1982, đến tháng 4/1989 được quân đội giải quyết cho hưởng chế độ bệnh binh 2/3 theo quyết định số 40/HKE của bộ Tư lệnh QK5. Hiện nay, ông Th. được hưởng chế độ bệnh binh 2/3 và từ trước đến nay, ông Th. không hưởng chế độ chất độc da cam…”.

Những con số “biết nói”?

Trong số 10.000 người hưởng chế độ chất độc màu da cam có 3.000 người ăn theo, nghĩa là con, cháu đối tượng cũng được hưởng chế độ của Nhà nước. Trong số 10.000 người này lại có đến 8.000 người hưởng chế độ theo Quyết định số 26/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2000 – 2006. Hồ sơ của những đối tượng hưởng chế độ theo Quyết định này là không thể kiểm tra, xác minh được. Từ năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, Thông tư số 07/2006 và Thông tư số 08/2009. Theo đó, chính quyền địa phương mới xét duyệt những người tham gia hoạt động kháng chiến từ vĩ tuyến 17 trở vào với thời gian từ tháng 8/1961 – 30/4/1975 mà bị mắc bệnh, hoặc vô sinh, hoặc sinh con trước khi đi kháng chiến mà lúc về không sinh được nữa… thì được giải quyết. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Nam Định đã xét duyệt được gần 3.000 đối tượng hưởng chế độ chất độc màu da cam theo Nghị định số 54. Như vậy, con số làm giả có chăng là nằm trong số 3.000 đối tượng này?


TOP