Mặc dù lượng phát hành báo in giảm, nhiều sạp báo đã phải đóng cửa, nhưng ông Thuận vẫn không bỏ nghề, miệt mài từng ngày đi trên chiếc xe đạp khắp các ngả đường để rao bán báo.
Người duy nhất đạp xe bán báo dạo thành phố Vinh
Mặc dù sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nhưng khi vào làm công nhân Xí nghiệp Giao thông IV thì ông Đinh Văn Thuận (SN 1943), trú khối 16, phường Lê Lợi, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An , lại phải đi nhiều nơi, ít được trở về quê hương.
Năm 1972, ông chuyển công tác đến TP.Vinh làm công nhân giao thông, cho đến khi có quyết định nghỉ hưu năm 1989, cũng từ đó, ông quyết định ở lại mảnh đất xứ Nghệ “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này.
Tuy nhiên, do đồng lương hưu công nhân vô cùng ít, vợ lại không có công việc ổn định nên ông Thuận phải làm thêm nhiều việc để trang trải cuộc sống. Trước khi đến với nghề bán báo dạo, ông Thuận từng làm nhiều nghề như: Cắt tóc, bán kem, bán bánh mỳ…
“Thực ra tôi cũng không nhớ năm nào thì mình bắt đầu chuyển sang nghề bán báo nữa. Chỉ mang máng ấn tượng hồi đó hay đọc báo giấy, cứ có thời gian hoặc trong lúc chờ có khách đến cắt tóc thì lôi tờ báo ra đọc. Rồi trong một lần thấy người ta đi lấy báo từ các sạp để rao bán, tôi cũng đến hỏi và bắt đầu nhận báo bán từ đó”, ông Thuận nhớ lại.
“Mấy chục năm trước nhiều người đọc báo giấy lắm nên rất dễ bán, tất nhiên là tờ báo vào thời điểm đó có mấy đồng thôi. Giờ đây một tờ đã hơn 5.000 đồng nhưng chẳng mấy người mua nữa. Thời đại công nghệ số, mọi người thích dùng điện thoại để đọc báo hơn, người đọc báo giấy vơi dần, chỉ còn một số người lớn tuổi hoặc cánh xe ôm mới mua báo để đọc. Chính vì thế các sạp báo nay đã đóng cửa hết, những người bán báo cùng với tôi hồi xưa cũng chuyển nghề, giờ chỉ còn tôi nữa thôi”, ông Thuận cho biết.
Ông Thuận nói, ngày nào không đạp xe vài vòng quanh thành phố là cảm giác bứt rứt không yên. Từ lúc ông bước qua tuổi 70, vợ ông là bà Đỗ Thị Thanh (SN 1957) và hai người con trai đều khuyên ông nên ở nhà nghỉ ngơi, mặc dù gia đình không giàu có như người ta nhưng cũng không thiếu thốn như trước, không cần phải làm việc nặng nhọc nữa. Nhưng ông gạt đi và bảo đến khi nào ông không còn đi được nữa thì sẽ nghỉ, bởi nghề này không chỉ kiếm sống mà còn là thú vui duy nhất hiện nay của ông.
Trời mưa chỉ sợ ướt báo, không sợ ướt người
Từ lúc bắt đầu làm nghề bán báo dạo, cứ đều đặn 5h hằng ngày ông Đinh Văn Thuận thức dậy sớm, đạp xe ra bưu điện nhận báo, trở về sắp xếp theo trình tự cho dễ lấy, ăn sáng cùng gia đình rồi bắt đầu đạp khắp các con đường thành phố Vinh. Đến khoảng 11h thì về ăn trưa, sau đó nghỉ đến 14h rồi tiếp tục đi bán cho đến tối muộn.
“Lúc đầu, khi cầm những tờ báo trên tay thì tôi tranh thủ đọc nhanh các tin tức nóng nhất để lấy thông tin rao. Hầu hết tin nào quan trọng các báo đều cho vào trang đầu tiên nên không tốn nhiều thời gian, rao chủ yếu bằng miệng, cứ đi một đoạn thì lại hô. Sau này, tôi thu âm bằng điện thoại rồi phát qua chiếc loa nhỏ treo trên xe”, ông Thuận cho biết trí nhớ của mình rất tốt, đọc qua một lần là nhớ được cơ bản, cứ thế mà rao. Chiếc xe đạp cũng đã gắn liền với ông mấy chục năm, tuy đã cũ kỹ và hư hỏng nhiều chỗ nhưng sử dụng vẫn còn tốt.
Điều quan trọng trong việc bán báo là cần sức khỏe dẻo dai và bền bỉ, bởi có như vậy mới làm việc thường xuyên. “Từ khi tôi làm nghề này rất ít khi ốm, nếu có thì hôm sau cũng khỏi luôn. Nhiều người thắc mắc sao tôi đi mưa đi gió nhiều vậy mà không ảnh hưởng sức khỏe, nhưng tôi nghĩ đạp xe là cách tập thể dục khiến cơ thể luôn hoạt động nên khỏe chứ chẳng có bí quyết gì. Chỉ lo trời mưa nên tôi phải chuẩn bị sẵn áo mưa, người có thể ướt chứ báo không thể ướt được”, ông Thuận nói.
Tuy nhiên, qua thời gian, ông Thuận cũng thừa nhận giờ sức khỏe đã không còn như xưa nên không đi được hết thành phố nữa, mà chỉ loanh quanh từ ga Vinh đến chợ Vinh, vòng đến Quảng trường Hồ Chí Minh rồi trở về nhà.
“Nhiều khi mọi người thấy tôi lớn tuổi hỏi đùa nên ở nhà dưỡng già chứ đi bán làm gì, rồi họ cho thêm vài chục để mừng tuổi, đó cũng là động lực cho tôi tiếp tục bán báo. Bán báo lâu nên giờ tôi cũng có “mối ruột” và một số gia đình cũng đặt báo hàng tháng, cứ đến ngày là tôi đưa đến cổng rồi đứng trò chuyện một lúc về tin tức thời sự hiện nay”, ông Thuận nói.
Thiếu tá Hoàng Chí Hiếu, Trưởng Công an phường Lê Lợi, TP.Vinh cho biết: “Trên địa phương hiện nay chỉ có duy nhất ông Đinh Văn Thuận bán báo dạo, mặc dù đã lớn tuổi nhưng ngày nào ông cũng đạp xe mấy chục vòng quanh phường để bán báo. Đây là tấm gương cho nhiều người học tập, chứng tỏ già mà vẫn vui, khỏe, có ích”.
Anh Ngọc – Nguoiduatin.vn
- 1001 cách làm mặt nạ óc chó đánh bật tông da, chống lão hoá, dưỡng ẩm siêu hiệu quả của 9X Nam Định
- Vẻ đẹp hoang sơ của nhà thờ đổ Nam Định
- Màn cầu hôn siêu lãng mạn của cô dâu ‘đeo vàng trĩu cổ’ ở Nam Định với chú rể khiến dân tình ghen tị
- Chùa Đại Bi – Nam Định
- Giai thoại cầu Vô Tình Nam Định
- Nam Trực: Xuất lộ cây sanh Nam Điền cổ có giá 10 tỷ đồng
- Nước mắm Giao Châu
- Khán giả thích thú với quán ăn dưới lòng đất ở Nam Định
- Ấm lòng bát phở đêm giá 5 nghìn giữa thời bão giá ở thành phố dệt
- Trần lập muốn an nghỉ tại đất mẹ Nam Định
- Cháu bé 4 tuổi bị buộc vào cửa sổ ở Nam Định sẽ được hưởng chế độ ưu tiên
- Công đoàn Giáo dục đề nghị không thi hành kỷ luật cô giáo buộc dây vào áo trẻ
- Nam Định: Người phụ nữ tử vong sau khi bước hụt lúc xuống xe buýt
- Virus lạ xuất hiện tại Nam Định không phải là virus dịch tả lợn Châu Phi
- Clip Xe cứu thương vượt đèn đỏ đâm văng xe máy ở Nam Định
- Nguyên nhân Thượng úy công an tử vong trên chiếc xe ô tô bán tải
- Không thể tin nổi: Con ngõ “không điện, không nước, không người quản lý” giữa lòng thành phố Nam Định
- Bãi biển Nam Định tan hoang như bãi chiến trường
- Nhà thờ gỗ không dùng đinh ở Nam Định
- Nam Định: Một phụ nữ chết thảm dưới bánh xe khách
- Nhiều người đang nhầm lẫn loại củ độc, ăn một lát nhỏ là ngộ độc cấp thành nhân sâm
- Miền Bắc đón không khí lạnh, trời chuyển rét