Hành cung Thiên Trường - Hậu cứ vững chắc của nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông

Hành cung Thiên Trường – Hậu cứ vững chắc của nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông

Khi lên ngôi, Trần Cảnh mới 8 tuổi, mọi việc triều chính đều trong tay Thái sư Trần Thủ Độ và Nhiếp chính Trần Thừa.
Kế nghiệp nhà Lý khi đất nước đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng, họ Trần đã phải chống chọi với bao thử thách, khó khăn. Khi đất nước tạm yên, vào mùa thu năm Tân Mão (1231) vua Trần Thái Tông mới có dịp chính thức về cố hương Tức Mặc dâng lễ ở tiên miếu, mở yến tiệc thết đãi và ban lụa cho các bô lão trong hương. Năm sau, nhà Trần cho ban định triều nghi và đồng thời cho tu tạo lại đền thờ dòng họ.

Hành cung Thiên Trường - Hậu cứ vững chắc của nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông

Hành cung Thiên Trường – Hậu cứ vững chắc của nhà Trần trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông

Năm 1255, vua Trần Thái Tông về hành cung Thiên Trường không đơn giản chỉ là một chuyến hành hương. Khi ấy bóng đen xâm lược của quân Mông Cổ đã trùm lên biên giới phía bắc nước ta. Từ năm 1252 đạo quân do đích thân Hốt Tất Liệt chỉ huy tấn công vào vùng Vân Nam (Trung Quốc). Năm sau (1253) quân Mông Cổ vượt qua sông Kim Sa, đánh bại quân Đại Lý, chiếm được kinh đô và bắt được vua nước này vào năm 1254. Nền độc lập của nước ta thực sự đã bị đe doạ.

Đầu năm 1258 quân địch ào ạt vượt qua biên giới, tấn công vào nước ta. Sau trận đầu thất lợi ở Bình Lệ Nguyên, nhà Trần quyết định rút lui khỏi kinh thành Thăng Long, xuôi theo sông Hồng về đóng giữ ở Thiên Mạc. Trong khi đó, để giúp triều đình rảnh tay đánh giặc, Linh Từ Quốc mẫu đưa thái tử và vợ con các tướng tá về lánh nạn ở khu vực hành cung Tức Mặc. Không chỉ lo việc chăm sóc hoàng tộc, bà còn đi thu thập tất cả nhưng vũ khí còn cất trong các thuyền đi lánh nạn để gửi ra cho quân đội đang trực tiếp chiến đấu. Hành cung Tức Mặc trở thành một hậu cứ lợi hại của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất.

Ngay sau chiến thắng, mặc dù mới 41 tuổi, Trần Thái Tông đã nhường ngôi cho con để lên làm Thái Thượng hoàng. Đây là một chính sách độc đáo của nhà Trần nhằm kết hợp kinh nghiệm cai trị của vua cha với việc đào tạo huấn luyện cai trị từ sớm cho người kế tục. Lúc đầu Thượng hoàng lui ra ở Bắc cung tại Thăng Long, nhưng qua thực tế ông thấy cần phải chú trọng hơn tới việc củng cố hành cung Tức Mặc.

Năm 1262 Thượng hoàng Trần Thái Tông đích thân đến Tức Mặc xem xét việc mở rộng hành cung. Sau chuyến thị sát, cùng với việc gấp rút chế tạo vũ khí, đóng chiến thuyền và tích cực cho quân sĩ luyện tập sẵn sàng đối phó với những cuộc chiến tranh mới từ phía quân Mông Cổ, nhà Trần đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường và cho xây dựng thêm ở đây một cung điện mới là cung Trùng Quang dành cho Thượng Hoàng. Lại xây riêng một khu khác cho các vua nối ngôi về chầu gọi là cung Trùng Hoa. Phủ Thiên Trường là một đơn vị hành chính đặc biệt bao gồm một vùng đất rộng lớn mà Tức Mặc là thủ phủ. Bao quanh hai cung điện chính, lần lượt các cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam và Đệ Tứ cũng được xây dựng dành cho gia đình các hoàng thân, quốc thích.

Tượng Thát Sát - Biểu tượng của Hào khí Đông A.

Tượng Thát Sát – Biểu tượng của Hào khí Đông A.

Ngôi chùa có từ thời Lý ở phía tây cung Trùng Quang được tu tạo và mở rộng gọi là chùa Phổ Minh. Dấu tích của các làng này nay còn lại ở Liễu Nha, Lựu Phố, Lộc Hạ, Hậu Bồi, Phương Bông, Vị Khê… Triều đình còn đặt quan lưu thủ để đặc trách trông coi. Hành cung Thiên Trường dần trở thành một đô thị có tầm quan trọng thứ hai sau kinh đô Thăng Long. Theo quy định của nhà Trần, người được làm An phủ sứ Thiên Trường phải là những viên quan đã từng qua trị nhậm ở các lộ, sau đó mới được khảo duyệt xem có đủ tài đức mới được bổ nhiệm. Từ đó về sau các vua sau khi nhường ngôi đều sống ở hành cung này.

Thực tế cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ đã buộc những người đứng đầu triều Trần phải nghĩ tới một hậu cứ liên hoàn để sẵn sàng cho một kế hoạch rút lui chiến lược khi cần thiết. Lui về làm Thái Thượng hoàng từ lúc còn rất trẻ, Trần Thái Tông là người sớm nhận ra sự cần thiết phải xây dựng một căn cứ an toàn làm hậu thuẫn cho hành cung Thiên Trường. Địa điểm được chọn là vùng núi Vũ Lâm thuộc phủ Trường Yên. Hệ thống căn cứ liên hoàn này đều có đường thuỷ nối liền với sông Đáy để khi cần thiết có thể thoát ra biển. Trong thế liên hoàn nương tựa vào nhau, hai hành cung Vũ Lâm và Thiên Trường đã là hậu cứ quan trọng cho hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông tiếp theo.
Nguồn tin: Địa chí Nam Định


TOP