Vay hàng tỷ đồng rồi bỏ trốn ở Nam Định: Có dấu hiệu hình sự?

Vay hàng tỷ đồng rồi bỏ trốn ở Nam Định: Có dấu hiệu hình sự?

Luật sư Vi Văn Diện – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng vụ việc vay hàng tỷ đồng rồi cắt đứt liên lạc với chủ nợ có dấu hiệu hình sự và đủ điều kiện để khởi tố.
Như đã thông tin trong bài viết: “Nam Định: Khốn đốn vì người quen vay hàng tỷ đồng rồi bỏ trốn?” về việc vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng và bà Đặng Thị Lan Phương bị nhiều người tố vay số tiền lớn rồi bỏ đi khỏi địa phương cắt đứt liên lạc với chủ nợ đã 5 năm nay.

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Ảnh: seatimes.com.vn).

Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Ảnh: seatimes.com.vn).

Mặc dù những người cho vợ chồng Dũng – Phương vay tiền đã nhiều lần làm đơn tố cáo gửi lên chính quyền địa phương nhưng đều không có kết quả vì theo phản hồi từ phía Công an huyện Nam Trực đây là vụ việc mang tính dân sự không có dấu hiệu hình sự nên không thể khởi tố.

Trái ngược với quan điểm của công an huyện Nam Trực, luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng vụ việc vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng và bà Đặng Thị Lan Phương vay hàng tỷ đồng rồi cắt đứt liên lạc với chủ nợ đã 5 năm là có dấu hiệu hình sự và đủ điều kiện để khởi tố.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đình Cẩn – Phó trưởng Công an huyện Nam Trực, cho biết trước khi rời địa phương vợ chồng Dũng – Phương đã làm giấy tuyên bố phá sản và giấy tạm vắng.

Tuy nhiên, theo Luật sư Vi Văn Diện Căn cứ vào Điều 5 Luật Phá sản 2014 quy định về người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì trường hợp gia đình vợ chồng Dũng – Phương là công dân bình thường, vay tiền và tài sản của nhiều người, không thuộc những chủ thể có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nên bà không có quyền được làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. diadiemnamdinh

Giấy xác nhận vay tiền nhiều lần có chữ ký của vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng và bà Đặng Thị Phương.

Giấy xác nhận vay tiền nhiều lần có chữ ký của vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng và bà Đặng Thị Phương.

Về trường hợp vợ chồng Dũng – Phương đi khỏi địa phương và cắt đứt liên lạc với chủ nợ đã 5 năm, luật sư Diện cho biết: “Đứng trên góc độ pháp luật. căn cứ vào những tình tiết ban đầu, tôi cho rằng vợ chồng Dũng – Phương đã có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trên quan điểm pháp luật, có thể thấy vợ chồng Dũng – Phương có thể có được tài sản một cách hợp pháp thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản. Sau khi có tài sản, không thực hiện cam kết như trong hợp đồng mà bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản, hoặc không còn khả năng trả lại tài sản. Bởi vậy, hành vi bỏ trốn, cắt đứt liên lạc với chủ nợ suốt 5 năm có dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Do tổng giá trị tài sản đã vay của nhiều người lên đến hơn 3 tỷ đồng, nên căn cứ theo khoản 4 Điều 139 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì vợ chồng Dũng – Phương có thể bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”.

Căn nhà cũ của vợ chồng Dũng - Phương trước khi bỏ đi khỏi địa phương.

Căn nhà cũ của vợ chồng Dũng – Phương trước khi bỏ đi khỏi địa phương.

Dù nhiều lần gửi đơn lên Công an huyện Nam Trực nhưng những người cho vợ chồng Dũng – Phương vay tiền vẫn không nhận được kết quả vì theo phía Công an huyện Nam Trực đây là án dân sự không thể khởi tố và yêu cầu gửi đơn lên tòa. Không đồng tình với quan điểm trên, luật sư Diện phân tích: “Căn cứ vào Điều 463 BLDS 2015, khi đến hạn, người vay tài sản có nghĩa vụ trả lại cho người cho vay số tiền đã vay (bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi – nếu có thỏa thuận). Do vợ chồng Dũng – Phương có hành vi bỏ trốn, cắt đứt liên lạc với chủ nợ đã 5 năm, hành vi này đã có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo Điều 28 BLTTHS 2004, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Nếu cơ quan điều tra xử lý người vay bằng biện pháp hình sự thì quá trình giải quyết vụ án sẽ giải quyết đồng thời việc bồi thường cho những người bị hại do hành vi phạm tội đó.

Việc Công an huyện cho rằng đây là án dân sự không có dấu hiệu hình sự nên không khởi tố là không đúng với quy định của pháp luật”.
Vậy dựa trên quan điểm luật pháp, việc vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng và bà Đặng Thị Lan Phương sau khi vay số tiền lớn đã bỏ khỏi địa phương, cắt đứt liên lạc với chủ nợ đã 5 năm là có dấu hiệu hình sự, đủ điều kiện để khởi tố nhưng tại sao phía Công an huyện Nam Trực lại chỉ cho rằng đây là vụ án mang tính dân sự? Một công dân bình thường tại sao có thể làm thủ tục tuyên bố phá sản và xin giấy tạm vắng để rời khỏi địa phương khi đang có đơn tố cáo?

Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan và phía Công an huyện Nam Trực.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Đức Thiện/KD&PL


TOP