Lãng phí lớn từ dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định

Lãng phí lớn từ dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định

Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định là dự án trọng điểm vùng nam đồng bằng sông Hồng với tổng vốn đầu tư lên tới 850 tỷ đồng. Công trình bệnh viện có quy mô 700 giường này được khởi công từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn dang dở, làm lãng phí ngân sách nhà nước và gây bức xúc trong nhân dân trên địa bàn.

Sau hơn 10 năm xây dựng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định vẫn dở dang.

Ứng vốn vượt mức, thi công đình trệ

Dự án (DA) Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định có quy mô 700 giường được Chính phủ đồng ý về chủ trương vào tháng 10-2004. Ngày 27-2-2006, UBND tỉnh ra Quyết định số 577/2006/QĐ-UBND, phê duyệt DA đầu tư xây dựng công trình này trên diện tích đất 9,3 ha thuộc địa bàn phường Lộc Hạ, TP Nam Định.

Khi hoàn thành, đây sẽ là bệnh viện lớn và hiện đại bậc nhất vùng nam đồng bằng sông Hồng, với tổ hợp các cụm nhà cao tầng có sân đỗ cho máy bay trực thăng, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân địa phương và các tỉnh lân cận.

Dự kiến, bệnh viện có hơn một nghìn cán bộ, nhân viên; có 34 khoa, phòng, trong đó có một khoa khám và điều trị ngoại trú; 22 khoa điều trị nội trú; 11 khoa nghiệp vụ kỹ thuật; bộ phận hành chính quản trị và hậu cần phục vụ.

DA do UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư (CĐT), với tổng mức vốn 598 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác. Đến tháng 11-2009, vốn đầu tư DA được điều chỉnh lên 850 tỷ đồng vì lý do thời gian thực hiện dài, giá nguyên vật liệu có nhiều thay đổi. Các bên trúng thầu là Công ty cổ phần Xây dựng 504-Vinaconex (Công ty 504) và Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC).

Công trình khởi công tháng 11-2007, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2011. Nhưng sau nhiều năm chậm tiến độ và ba lần điều chỉnh thời gian thực hiện, đến nay công trình vẫn đang trong giai đoạn xây thô. Trước mắt chúng tôi là công trường thi công xây dựng bệnh viện ngổn ngang cát, đá, lõi sắt, thép từ các trụ bê-tông trơ trọi, hoen gỉ, nhiều hạng mục có dấu hiệu hư hại do phơi mưa nắng.

Người dân sống gần khu vực công trình cho biết: Công trình bị đình trệ trong thời gian dài và bỏ hoang đã trở thành nơi tụ tập của các đối tượng nghiện hút, tiêm chích ma túy, gây mất an ninh trật tự. Ông Trần Văn Long, sinh sống tại phường Lộc Hạ, TP Nam Định cung cấp thông tin: mỗi khi lực lượng công an ra quân truy quét, tình trạng tụ tập, tiêm chích tại khu vực này tạm lắng xuống, nhưng chỉ sau một thời gian, mọi việc lại như trước.

Theo Phó Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định (BQLDA) Vũ Khắc Đông, trong tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng, đến nay DA đã giải ngân được 266 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư đầu tư là 67 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ (TPCP) 195 tỷ đồng, ngân sách địa phương bốn tỷ đồng.

Đại diện BQLDA cho biết, khó khăn thiếu vốn là nguyên nhân chính khiến DA chậm tiến độ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mặc dù CĐT đã ứng một phần ba tổng lượng vốn cho nhà thầu nhưng công trình luôn trong tình trạng thi công cầm chừng, dẫn đến việc tỉnh Nam Định phải đốc thúc các đơn vị thi công làm “trả nợ” trong nhiều năm qua.

Theo Kết luận thanh tra số 8530/BKHĐT-TTr ngày 12-11-2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT), những bất cập trong hoạt động ứng vốn và thi công chậm tiến độ đều liên quan đến nhà thầu UDIC, với ba trong bốn gói thầu. Gói thầu BVH1 (khoa khám bệnh và điều trị ngoại trú, hành chính, nghiệp vụ kỹ thuật) có giá trị 87,3 tỷ đồng do cả hai nhà thầu là Công ty 504 và UDIC thực hiện.

Tại thời điểm thanh tra tháng 4-2014, Công ty 504 đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc tương ứng số tiền được giải ngân; còn UDIC dù đã được tạm ứng 26,4 tỷ đồng, tương đương 91% giá trị hợp đồng nhưng sau 5 năm triển khai mới chỉ đạt hơn 22 tỷ đồng. Ở gói thầu này, dù chậm tiến độ ba năm, nhà thầu UDIC vẫn được tỉnh Nam Định bù giá nhân công và máy thi công thêm gần bảy tỷ đồng.

Gói thầu BVH4 (khoa truyền nhiễm, nhà đại thể tang lễ và hạ tầng kỹ thuật) có giá trị 60,8 tỷ đồng. Ngay sau khi ký hợp đồng, CĐT đã tạm ứng cho UDIC 4,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, nhà thầu mới chỉ thực hiện được khoảng 1,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại gói thầu BVH2 (khoa ngoại – sản, các hạng mục nhà cầu nối) có giá trị 107 tỷ đồng, CĐT đã ứng trước cho UDIC tới 87,4% giá trị hợp đồng trong khi nhà thầu không có khối lượng thực hiện. Cụ thể, từ ngày 29-12-2009 đến ngày 30-12-2010, tỉnh đã chuyển cho UDIC hơn 94 tỷ đồng, trong đó có 80 tỷ đồng là tiền ứng trước TPCP năm 2011, dù nhà thầu chưa tiến hành xây dựng một hạng mục nào.

Kết quả thanh tra cho thấy, nhà thầu không thực hiện DA từ đầu năm 2013; gói thầu đã chậm tiến độ hơn hai năm và sau bốn năm triển khai, giá trị xây lắp mới đạt 38 tỷ đồng, tương đương 35,18% giá trị hợp đồng. Bên cạnh đó, việc sử dụng 80 tỷ đồng từ nguồn vốn ứng trước của TPCP năm 2011 là chưa tuân thủ tiêu chí tại Quyết định 1897/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Việc CĐT tạm ứng vượt 50% giá trị hợp đồng là chưa phù hợp khoản 5 Điều 17 quy định về mức tạm ứng tối đa 50% giá trị hợp đồng và khoản 6 Điều 17 quy định thu hồi tạm ứng hợp đồng của Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 7-5-2010 của Chính phủ về hợp đồng trong xây dựng.

Loay hoay tìm giải pháp

Là đơn vị có trách nhiệm theo dõi, tham mưu cho UBND tỉnh trong việc phân bổ và sử dụng vốn thực hiện DA Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định, nhưng Sở KH và ĐT tỉnh không phát hiện được những bất cập, tồn tại trong việc sử dụng nguồn vốn.

Phó Giám đốc Sở KH và ĐT Nam Định Đỗ Ngọc Hòa cho chúng tôi biết, Sở chỉ biết thông tin qua báo cáo của đơn vị quản lý DA, không giám sát kế hoạch sử dụng vốn vì từ năm 2012 đến nay, DA không được bố trí vốn. Đồng thời khẳng định, thời điểm năm 2010 khi hoạt động ứng vốn đã diễn ra trên thực tế, DA “vẫn chưa có gì”.

Trong khi đó, kết luận thanh tra của Bộ KH và ĐT năm 2014 chỉ rõ: Sở KH và ĐT tỉnh Nam Định phê duyệt hồ sơ mời thầu của gói BVH3 (khoa nội – nhi) khi chưa có báo cáo thẩm định, là không đúng theo khoản 3 Điều 15 Nghị định 58/2008/NĐ-CP ngày 5-5-2008 của Chính phủ.

Phó Trưởng BQLDA Vũ Khắc Đông cho biết, BQLDA có nhiều nỗ lực đôn đốc nhà thầu thực hiện các hạng mục xây lắp, đồng thời đề xuất UBND tỉnh có giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến độ, nhưng đến nay việc hoàn thành toàn bộ DA để đưa vào sử dụng vẫn còn nhiều vướng mắc.

Tỉnh đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên các cơ quan T.Ư xin cấp thêm vốn, nhưng không được phê duyệt do công trình này không thuộc danh mục đầu tư tại Nghị quyết số 881/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự án cũng không thuộc đối tượng đầu tư từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2017-2020.

Còn với nguồn vốn đầu tư phát triển kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ ngân sách T.Ư, UBND tỉnh Nam Định dự kiến phân bổ để thực hiện DA Bệnh viện Y học cổ truyền (giai đoạn 2) và DA xây dựng Trung tâm da liễu, cho nên không bố trí vốn để tiếp tục đầu tư DA Bệnh viên đa khoa tỉnh Nam Định.

Phó Trưởng BQLDA Vũ Khắc Đông cho rằng, tính theo thời giá hiện tại, mức vốn đầu tư DA còn bị “đội” lên nhiều. Đơn cử như trong quyết định triển khai DA cách đây 11 năm, chi phí mua sắm trang, thiết bị y tế của DA Bệnh viên đa khoa tỉnh Nam Định dự kiến khoảng 230 tỷ đồng, thì đến nay phải “đội” lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài thừa nhận, DA Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định bị đình trệ trong thời gian dài là rất lãng phí và chia sẻ: Chúng tôi cũng xót xa, trăn trở lắm, công trình nằm ngay cửa ngõ thành phố mà để như thế, rồi nhân dân, cử tri bức xúc, kỳ họp HĐND nào cử tri cũng chất vấn.

Ngày 18-10-2017, trong buổi làm việc với Tỉnh ủy Nam Định, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã nhắc nhở và yêu cầu tỉnh Nam Định cần có giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc, sớm đưa Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định vào sử dụng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài, hiện việc đề xuất Chính phủ tiếp tục giải ngân nguồn vốn gặp rất nhiều khó khăn, do vậy để đẩy nhanh tiến độ đưa công trình vào sử dụng chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách của Nam Định rất hạn chế, hằng năm hoạt động chi tiêu vẫn phải trông chờ vào ngân sách T.Ư từ 75% đến 80%, cho nên tỉnh không thể huy động vốn đầu tư đối với DA này.

Giải pháp xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính tham gia đầu tư DA đã được tính đến và có thể thực hiện, nhưng không nằm trong chủ trương của tỉnh. Đồng chí Trần Lê Đoài nhấn mạnh: Các hoạt động y tế, giáo dục phải “đi sau” trong việc xã hội hóa, cổ phần hóa, phải rất thận trọng vì những lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến người dân.

Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát, quy hoạch lại mạng lưới y tế, tiết kiệm chi từ hoạt động sự nghiệp để tập trung đầu tư cho DA. Đối với trang, thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh, sẽ xem xét điều chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định cũ sang bệnh viện mới sau khi hoàn thành, nhằm giảm bớt chi phí đầu tư. Tuy nhiên, những giải pháp trên đây mới chỉ là chủ trương và còn tiếp tục thảo luận.

Từ DA Bệnh viện đa khoa Nam Định cho thấy, bên cạnh những khó khăn khách quan, đây còn là hệ lụy của việc lập DA ồ ạt, đầu tư dàn trải, thiếu hợp lý. Do vậy, việc rà soát chặt chẽ những công trình gây lãng phí để không tiếp tục tạo “gánh nặng” cho nguồn ngân sách T.Ư là rất cần thiết.

Bài và ảnh: TRẦN KHÁNH, THÁI THƠ
(nhandan.com.vn)


TOP