Nam Định: Trải lòng của cụ ông gần 30 năm đạp xe bán báo dạo

Nam Định: Trải lòng của cụ ông gần 30 năm đạp xe bán báo dạo

Mặc dù lượng phát hành báo in giảm, nhiều sạp báo đã phải đóng cửa, nhưng ông Thuận vẫn không bỏ nghề, miệt mài từng ngày đi trên chiếc xe đạp khắp các ngả đường để rao bán báo.

Người duy nhất đạp xe bán báo dạo thành phố Vinh

Mặc dù sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nhưng khi vào làm công nhân Xí nghiệp Giao thông IV thì ông Đinh Văn Thuận (SN 1943), trú khối 16, phường Lê Lợi, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An , lại phải đi nhiều nơi, ít được trở về quê hương.

Năm 1972, ông chuyển công tác đến TP.Vinh làm công nhân giao thông, cho đến khi có quyết định nghỉ hưu năm 1989, cũng từ đó, ông quyết định ở lại mảnh đất xứ Nghệ “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này.

Trước khi đưa đi bán, ông Thuận thường sắp xếp báo lại cho gọn gàng.

“Ở lâu cũng quen thuộc, ra đi lại thấy nhớ nên tôi không muốn rời khỏi Nghệ An nữa. Tuy khí hậu đúng là khắc nghiệt hơn miền Bắc nhưng con người lại chân thành và sống tình cảm. Ngoài ra, do tôi lập gia đình ở đây, mà vợ con cũng không muốn đi đâu nên tôi quyết định ở lại sống đến cuối đời luôn”, ông Thuận nói.

Tuy nhiên, do đồng lương hưu công nhân vô cùng ít, vợ lại không có công việc ổn định nên ông Thuận phải làm thêm nhiều việc để trang trải cuộc sống. Trước khi đến với nghề bán báo dạo, ông Thuận từng làm nhiều nghề như: Cắt tóc, bán kem, bán bánh mỳ…

“Thực ra tôi cũng không nhớ năm nào thì mình bắt đầu chuyển sang nghề bán báo nữa. Chỉ mang máng ấn tượng hồi đó hay đọc báo giấy, cứ có thời gian hoặc trong lúc chờ có khách đến cắt tóc thì lôi tờ báo ra đọc. Rồi trong một lần thấy người ta đi lấy báo từ các sạp để rao bán, tôi cũng đến hỏi và bắt đầu nhận báo bán từ đó”, ông Thuận nhớ lại.

Mỗi ngày ông đều dậy từ lúc 5h để đi lấy báo về bán

Nhưng chính ông cũng không ngờ mình có thể gắn bó với nghề này được lâu như vậy. Theo ông giải thích, một phần là vì muốn kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nhưng quan trọng nhất là sở thích, chính vì điều này nên gần 30 năm qua ông vẫn chưa “bỏ nghề”.

“Mấy chục năm trước nhiều người đọc báo giấy lắm nên rất dễ bán, tất nhiên là tờ báo vào thời điểm đó có mấy đồng thôi. Giờ đây một tờ đã hơn 5.000 đồng nhưng chẳng mấy người mua nữa. Thời đại công nghệ số, mọi người thích dùng điện thoại để đọc báo hơn, người đọc báo giấy vơi dần, chỉ còn một số người lớn tuổi hoặc cánh xe ôm mới mua báo để đọc. Chính vì thế các sạp báo nay đã đóng cửa hết, những người bán báo cùng với tôi hồi xưa cũng chuyển nghề, giờ chỉ còn tôi nữa thôi”, ông Thuận cho biết.

Ông Thuận nói, ngày nào không đạp xe vài vòng quanh thành phố là cảm giác bứt rứt không yên. Từ lúc ông bước qua tuổi 70, vợ ông là bà Đỗ Thị Thanh (SN 1957) và hai người con trai đều khuyên ông nên ở nhà nghỉ ngơi, mặc dù gia đình không giàu có như người ta nhưng cũng không thiếu thốn như trước, không cần phải làm việc nặng nhọc nữa. Nhưng ông gạt đi và bảo đến khi nào ông không còn đi được nữa thì sẽ nghỉ, bởi nghề này không chỉ kiếm sống mà còn là thú vui duy nhất hiện nay của ông.

Trời mưa chỉ sợ ướt báo, không sợ ướt người

Từ lúc bắt đầu làm nghề bán báo dạo, cứ đều đặn 5h hằng ngày ông Đinh Văn Thuận thức dậy sớm, đạp xe ra bưu điện nhận báo, trở về sắp xếp theo trình tự cho dễ lấy, ăn sáng cùng gia đình rồi bắt đầu đạp khắp các con đường thành phố Vinh. Đến khoảng 11h thì về ăn trưa, sau đó nghỉ đến 14h rồi tiếp tục đi bán cho đến tối muộn.

“Lúc đầu, khi cầm những tờ báo trên tay thì tôi tranh thủ đọc nhanh các tin tức nóng nhất để lấy thông tin rao. Hầu hết tin nào quan trọng các báo đều cho vào trang đầu tiên nên không tốn nhiều thời gian, rao chủ yếu bằng miệng, cứ đi một đoạn thì lại hô. Sau này, tôi thu âm bằng điện thoại rồi phát qua chiếc loa nhỏ treo trên xe”, ông Thuận cho biết trí nhớ của mình rất tốt, đọc qua một lần là nhớ được cơ bản, cứ thế mà rao. Chiếc xe đạp cũng đã gắn liền với ông mấy chục năm, tuy đã cũ kỹ và hư hỏng nhiều chỗ nhưng sử dụng vẫn còn tốt.

Điều quan trọng trong việc bán báo là cần sức khỏe dẻo dai và bền bỉ, bởi có như vậy mới làm việc thường xuyên. “Từ khi tôi làm nghề này rất ít khi ốm, nếu có thì hôm sau cũng khỏi luôn. Nhiều người thắc mắc sao tôi đi mưa đi gió nhiều vậy mà không ảnh hưởng sức khỏe, nhưng tôi nghĩ đạp xe là cách tập thể dục khiến cơ thể luôn hoạt động nên khỏe chứ chẳng có bí quyết gì. Chỉ lo trời mưa nên tôi phải chuẩn bị sẵn áo mưa, người có thể ướt chứ báo không thể ướt được”, ông Thuận nói.

Tuy nhiên, qua thời gian, ông Thuận cũng thừa nhận giờ sức khỏe đã không còn như xưa nên không đi được hết thành phố nữa, mà chỉ loanh quanh từ ga Vinh đến chợ Vinh, vòng đến Quảng trường Hồ Chí Minh rồi trở về nhà.

“Nhiều khi mọi người thấy tôi lớn tuổi hỏi đùa nên ở nhà dưỡng già chứ đi bán làm gì, rồi họ cho thêm vài chục để mừng tuổi, đó cũng là động lực cho tôi tiếp tục bán báo. Bán báo lâu nên giờ tôi cũng có “mối ruột” và một số gia đình cũng đặt báo hàng tháng, cứ đến ngày là tôi đưa đến cổng rồi đứng trò chuyện một lúc về tin tức thời sự hiện nay”, ông Thuận nói.

Mặc dù tiền bán báo chẳng bao nhiêu nhưng ông Thuận vẫn yêu thích công việc này

Ông Thuận cho biết rất thích cùng mọi người bàn luận các sự kiện xảy ra trong và ngoài tỉnh: “Xu hướng hiện nay nhiều người thích đọc báo pháp luật hơn, như: Đời sống và Pháp luật, Pháp luật Việt Nam, báo Cảnh sát toàn cầu,… vì có những mẩu chuyện gắn liền với cuộc sống, còn các tờ báo khác thì bán được ít hơn. Có những ngày tôi có thể bán được cả trăm tờ báo, nhưng giờ thì vì nhiều lý do, mỗi ngày tôi chỉ có thể bán được 20 – 30 tờ”, ông Thuận nói.

Thiếu tá Hoàng Chí Hiếu, Trưởng Công an phường Lê Lợi, TP.Vinh cho biết: “Trên địa phương hiện nay chỉ có duy nhất ông Đinh Văn Thuận bán báo dạo, mặc dù đã lớn tuổi nhưng ngày nào ông cũng đạp xe mấy chục vòng quanh phường để bán báo. Đây là tấm gương cho nhiều người học tập, chứng tỏ già mà vẫn vui, khỏe, có ích”.

Anh Ngọc – Nguoiduatin.vn


TOP