Dự án cấp 13 năm chưa hoàn thành vẫn không bị thu giấy phép; đền bù đất với giá ‘bèo’ rồi phân lô bán nền cho người dân với giá gấp cả trăm lần là một số dấu hỏi lớn cho các KĐT của Nam Cường ở TP. Nam Định.
Dự án ‘treo’, 13 năm chưa rút giấy phép
Giai đoạn 2003 – 2004, UBND tỉnh Nam Định có chủ trương đầu tư xây dựng 3 khu đô thị Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung (Tây Bắc TP. Nam Định). Cả 3 khu đô thị này đều được UBND tỉnh Nam Định giao cho Công ty Nam Cường làm chủ đầu tư và thực hiện theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng, dự kiến hoàn thành trong 2-3 năm sau đó.
Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, ngoại trừ KĐT Hòa Vượng đã được hoàn thành sau rất nhiều tranh cãi về chi phí bồi thường đất và làm trái quy hoạch của Chính phủ, 2 KĐT còn lại là Thống Nhất và Mỹ Trung sau 13 năm cấp phép xây dựng, vẫn bị bỏ hoang phần lớn.
Điều khó hiểu nằm ở chỗ trong cả 3 dự án trên, Nam Cường đều chỉ san lấp sơ qua mặt bằng, làm đường giao thông nội bộ rồi chia lô bán nền cho các hộ dân, nâng giá bán lên gấp nhiều lần.
Ngày 1/7/2003, Hội đồng định giá đất của tỉnh đặt mức bồi thường giải phóng mặt bằng là 65.000 đồng/ m2. Tuy nhiên chỉ 1 ngày sau, đại diện Hội đồng định giá là ông Hoàng Đinh Kha – cựu giám đốc Sở Xây dựng và Chủ tịch HĐQT Nam Cường khi đó ông Trần Văn Cường đã thống nhất kéo giá bồi thường xuống còn 60.000 đồng/ m2 với lý do: “Đề phù hợp với các yếu tố đầu vào và đầu ra, giảm bớt khó khăn cho dự án”.
Sau đó, chỉ san lấp sơ qua mặt bằng, xây đường nội bộ, Nam Cường đã tiến hành chia lô bán nền, nâng giá đất rao bán ở 2 khu đô thị Thống Nhất và Mỹ Trung ở mức quanh 10 triệu đồng/ m2, tức là gấp tới 160 lần so với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Người dân địa phương cho biết đã xảy ra rất nhiều vụ khiếu kiện liên quan tới giải phóng đất đai xung quanh những vụ án trên, đã có những vụ lên tới cấp trung ương nhưng ‘đâu vẫn vào đấy’.
Đất đã đổi, hạ tầng chưa thấy đâu
Thực hiện theo hình thức BT, tức là đổi đất lấy hạ tầng, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là tại sao trong khi UBND tỉnh Nam Định lại ‘rất tích cực’ bàn giao mặt bằng cho Nam Cường, trong khi ở chiều ngược lại, theo ghi nhận trực tiếp của phóng viên, mới chỉ có một tuyến đường dài gần 2km đi qua KĐT Thống Nhất được Nam Cường hoàn thành vào cuối năm 2014.
Theo một người dân bán nước có đất nông nghiệp trong diện GPMB bức xúc cho biết: “Hơn một chục năm qua chúng tôi không có đất sản xuất, trong khi phần lớn dự án đều bỏ hoang hóa, lãng phí. Chúng tôi rất xót ruột nhưng không thể làm gì được. Cũng có kiện cáo lên các cấp nhưng người dân chúng tôi thấp cổ bé họng không làm được gì. Tiền đền bù cho dân thì rẻ mạt mà họ (Nam Cường – PV) chỉ cần phân lô là đã bán giá gấp cả trăm lần”.
Theo ghi nhận của PV, ở 2 KĐT Thống Nhất và Mỹ Trung, đã có một số hộ dân mua đất ở đây đã xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, các hộ dân xây theo kiểu “mạnh ai nấy làm” không theo một quy hoạch cụ thể nào.
Nhìn sơ qua, KĐT Thống Nhất và Mỹ Trung của Nam Cường như một “mớ” hỗn độn, không một chút mỹ quan đô thị. Điều này dấy lên những lo ngại liệu Nam Cường có đang tuân thủ quy hoạch của thành phố, của Chính phủ hay không. Và liệu UBND tỉnh Nam Định có giám sát được những thực trạng trên hay không.
Mang vấn đề này đến Sở Xây dựng Nam Định, dù được yêu cầu đặt giấy giới thiệu để đặt lịch làm việc. Song, gần 2 tháng trôi qua, PV vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi nào từ Sở này.
PV cũng đã gửi câu hỏi, đặt lịch làm việc với tập đoàn Nam Cường, tuy nhiên đã hơn 1 tháng trôi qua vẫn chưa có câu trả lời chính thức của công ty này.
Dường như tập đoàn Nam Cường đang rất được ưu ái trên mảnh đất quê hương với những dự án ngon, bổ, rẻ. Những dự án mà chỉ cần san mặt bằng, phân lô, bán nền là đã có thể thu lợi gấp trăm lần vốn bỏ ra.
Riêng việc thay đổi giá đền bù từ 65.000 đồng/m xuống 60.000 đồng/m tại 3 KĐT Hòa Vượng, Thống Nhất và Mỹ Trung tập đoàn Nam Cường đã “đút túi” cả chục tỷ đồng tiền đền bù đáng lẽ phải trả cho người dân.
Việc áp giá đền bù trên đã không tuân thủ Quyết định 22 của Bộ Tài chính và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 730/QĐ-TTg. Điều 3 của quyết định nêu rõ: “Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Tài chính, định giá đất tại khu đất giao cho chủ đầu tư… để làm căn cứ quyết định thanh toán cụ thể cho chủ đầu tư diện tích đất có giá trị tương đương với giá trị chủ đầu tư đã bỏ vốn xây dựng…”. Báo chí từng dẫn nguồn tin từ tính toán của Bộ Tài chính cho biết, số đất mà Nam Định “bán rẻ” cho Nam Cường đã làm ngân sách mất đi khoảng 4.000 tỷ đồng.
Chúng tôi sẽ có công văn gửi tới UBND tỉnh Nam Định về vấn đề trên và sẽ thông tin sớm nhất đến bạn đọc.
Thủy Tiên – Hà Nghi
- Đời sang trang của cô gái Nam Định xấu xí hoá thành mỹ nhân
- Bánh khúc Thành Nam
- Nhà Thờ Lớn TP.Nam Định
- Bí quyết làm nem nắm Giao Thủy, Nam Định
- Nam Trực: Ngỡ ngàng với cây duối hàng trăm năm tuổi mang thế ‘mâm xôi con gà’… trả tiền tỷ không bán
- Gặp nam sinh đẹp trai, 6 múi, chủ nhân của clip khởi động môn thể dục bằng cách quạt chả trên nhạc Vina House siêu dễ thương
- Thực hư loạt ảnh Văn Đức và người đẹp top 10 HHVN vào khách sạn?
- Nghệ thuật múa lân sư rồng ở Vĩnh Hào Vụ Bản Nam Định
- Dự án bệnh viện 800 tỷ tại Nam Định bỏ hoang: Quá đau xót…
- Món ngon Thành Nam nhắc đến là thèm
- Phòng Công Thương huyện ký thay đổi lộ trình xe khách “giúp” cấp trên
- Nộm vỉa hè lâu đời nhất tại Nam Định
- Nghề làm bún của làng Phong Lộc Tây
- Biến lớn tại Ngã 6 Nam Định
- Nam Trực: Mất đất, mất nhà vì cả tin
- Phế tích Tháp Chương Sơn- Di tích quốc gia
- CSGT chặn nhóm người nghi dùng ôtô bắt giữ thanh niên quê Nam Định
- Nam Định chìm trong biển nước, hàng nghìn người dân được sơ tán
- Nam Định: Danh sách 15 ứng cử viên Đại biểu Quốc hội
- Lễ Khai Trương Phòng Khám Sản Phụ Khoa Tâm An Nam Định
- Ý Yên: Độc đáo pho tượng Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Nấp
- Độc đáo chợ nón xã Nghĩa Châu Nam Định