Trong dịp về xã Hải Đông (Hải Hậu), chúng tôi được nghe mọi người nhắc nhiều đến anh Nguyễn Văn Luật, một nông dân trẻ, dám nghĩ, dám làm.
Mới ở tuổi 40 nhưng anh Luật đã có một cơ ngơi nhiều người mơ ước. Đó là một trang trại VAC tổng hợp với diện tích 2ha, thu nhập trên 700 triệu đồng/năm. Một biệt thự rộng hơn 400m2 với nhiều tiện nghi sang trọng. Đó cũng là thành quả của nhiều năm xây dựng và phát triển trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa.

Mô hình chăn nuôi trang trại VAC của anh Nguyễn Văn Luật, xã Hải Đông (Hải Hậu) cho thu nhập cao.
Bước chân vào trại lợn chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy ngoài hệ thống hút gió, làm mát được đầu tư hàng trăm triệu đồng với quy mô lớn, anh còn cho lắp đặt hệ thống loa đài. Mỗi khi cho lợn ăn, công nhân kỹ thuật lại bật các bản nhạc.
Đàn lợn mỗi khi nghe tiếng nhạc lại im ắng lạ thường, không chen lấn, xô đẩy như vẫn thấy ở các trang trại khác. Ngoài 2 trại lợn, anh còn đầu tư 2 chuồng trại gà thịt và đào 4 mẫu ao nuôi cá diêu hồng, cá trắm đen và cá chép. Tất cả không gian trang trại được bao bọc bởi những cây xanh, si và hàng trăm trụ cây thanh long vừa làm bờ rào, vừa thuận tiện cho việc trồng cấy. Cảm giác khi bước chân vào đây, chúng tôi như thấy đó là một khu sinh thái chứ không nghĩ là trang trại chăn nuôi.
Nhớ lại năm 2004, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi diện tích làm muối kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, anh Luật đã bàn với vợ bắt tay vào làm trang trại. Anh Luật nhớ lại: “Trước đây do làm ruộng thu nhập bấp bênh, vợ chồng tôi đi làm công nhân nhưng cũng chỉ đủ ăn, không tiết kiệm được đồng nào. Sau nhiều năm, chúng tôi quyết tâm trở về làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”. Sau nhiều lần tìm hiểu, anh thấy mô hình kinh tế tổng hợp có thể mang lại thu nhập cao. Và đến đầu năm 2004, anh bắt tay đầu tư nuôi lợn và cá. Tuy nhiên, do kiến thức còn hạn chế nên lãi ít.
Có năm, dịch bệnh “lở mồm, long móng” bùng phát, tuy đàn lợn nhà anh không bị dịch bệnh nhưng nằm trong vùng dịch nên cũng khiến cho gia đình anh điêu đứng vì lợn không được xuất chuồng, mỗi ngày lại phải chịu hàng triệu đồng chi phí thức ăn, vệ sinh chuồng trại… Không khuất phục, anh đến một số trang trại học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm do HND tổ chức để trao đổi, học hỏi. Bên cạnh đó, anh được HND tỉnh, xã tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT. Được tiếp vốn, anh mạnh dạn đấu thầu 2ha đất trũng, ruộng muối sản xuất kém hiệu quả của xã để xây dựng trang trại VAC. Trong đó vật nuôi được anh lựa chọn chủ yếu là lợn, gà và cá truyền thống.
Đồng thời, anh ký hợp đồng với Cty thức ăn chăn nuôi làm đại lý cấp I; ký kết với doanh nghiệp đầu mối tại Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm. Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, anh Luật cho rằng, muốn chăn nuôi thành công phải áp dụng khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó phải hiểu thị trường… Sau hơn 10 năm, đến nay trang trại đã phát triển 2 trại gà với số lượng đàn trên 15 nghìn con, 2 trại lợn với 600 con và 4 ao nuôi cá diêu hồng, cá trắm đen, cá chép. Mỗi năm, trang trại của anh bán ra thị trường 3 lứa lợn với trên 1.000 con, 5 lứa gà và hơn 20 tấn cá diêu hồng, 4-5 tấn cá trắm đen, cá chép. Ngoài khoản lãi hơn 700 triệu đồng/năm, trang trại của anh còn tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho nhiều người. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho rằng, quá trình chăn nuôi cũng có vài lần thất bại nhưng người nông dân đã biết rút ra kinh nghiệm để sản xuất đạt hiệu quả thì chuyện trở thành triệu phú, tỷ phú cũng không quá khó. Hiện nay, phong trào nông dân sản xuất giỏi ở địa phương anh đang phát triển mạnh. Qua đó, có nhiều nông dân trở thành tỷ phú và đóng góp tích cực cho nền kinh tế của địa phương. Trong đó, với sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của anh, ở Hải Đông đã có nhiều mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng tập trung. Nhiều hộ áp dụng làm bể khí sinh học và thường xuyên làm vệ sinh chuồng trại nên giảm thiểu được ô nhiễm môi trường và ít bị dịch bệnh. So với một số vật nuôi khác, con lợn nuôi rất khó do đầu ra bấp bênh, hay bị rủi ro do bệnh dịch. Tuy vậy, do có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, anh Luật đã thành công và trở thành tỷ phú từ chăn nuôi lợn, gà và giúp được nhiều người trong xã cùng chăn nuôi đạt hiệu quả.
Với những thành tích đạt được, anh Nguyễn Văn Luật đã được tặng nhiều Bằng khen của Trung ương, tỉnh, các cấp và các giải thưởng do HND Việt Nam, Đoàn Thanh niên… trao tặng như giải thưởng Lương Định Của (2006), danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” (2014), giải thưởng Sao Thần nông (2016)./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn – Baonamdinh.vn
- Đặc sắc Tết độc Lập cùng người dân Hải Hậu Nam Định
- Hoang tàn nhà thờ đổ Nam Định bị biển xâm thực
- Nam Định: Ông “Trạng non” hai lần đánh giặc bằng bút
- Nam Định: Những kiến trúc Pháp còn sót lại …
- Nữ sinh “đất học” Nam Định vượt khó giành 27 điểm khối C
- Củ chuối, những món ngon
- Tác phẩm dự thi Giải báo chí “Búa liềm vàng”: Gần 40 năm tình nguyện giữ rừng ngập mặn
-
Phiên tòa chưa phải cuối cùng cho Đoàn Thị Hương và những nỗi tức giận
-
Những ‘thánh đường’ tỏa khói ở Nam Định
-
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy làm Chủ tịch MTTQ tỉnh Nam Định
-
Vụ đâm bạn nhậu tử vong ở Nam Định: “Chú cháu anh ấy thân nhau lắm”
-
Cháu bé 23 ngày tuổi bị cướp ngay trên tay bà nội
-
Cháu bé 4 tuổi bị buộc vào cửa sổ ở Nam Định sẽ được hưởng chế độ ưu tiên
-
Ngày 25.7, bão giật cấp 10, cách vùng biển Nam Định – Hà Tĩnh khoảng 330km về phía Đông Nam
-
Phát hiện xác chết không đầu tại Đê Nam Định
-
Viết đơn xin chết, vờ nhảy cầu Đò Quan tự tử để mọi người vào kênh YouTube
-
Phiên tòa xét xử Phan Văn Vĩnh được bảo vệ bằng súng “cực khủng”
-
Bánh xíu páo – món ngon gốc Hoa ở Nam Định
-
Nam Định: Một bé trai bị bỏ rơi tại nghĩa trang
-
Nam Định: Một phụ nữ chết thảm dưới bánh xe khách
-
Nam Định: 6 thuyền viên được cứu sau 2 ngày lênh đênh
-
Dự báo thời tiết Noel 2018: Miền Bắc đón Giáng sinh trong mưa rét