Ai là nàng công chúa “vượng phu ích tử” nhà Trần?

Ai là nàng công chúa “vượng phu ích tử” nhà Trần?

Phụng Dương công chúa được đánh giá là “vượng phu ích tử”, là phụ nữ quý tộc tiêu biểu của nhà Trần. Vì sao vậy?

Cùng với Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Phụng Dương công chúa là một phụ nữ quý tộc tiêu biểu của nhà Trần, được chồng là Thượng tướng Trần Quang Khải đánh giá là “vượng phu ích tử”.
Thái ấp Độc Lập
Thôn Độc Lập, phủ Thiên Trường (nay thuộc xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) vốn là thái ấp của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Trong thời gian ông bận việc triều chính, thì việc cai quản thái ấp đều do phu nhân Phụng Dương coi sóc. Từ khi được lập làm thái ấp tại đây Trần Quang Khải đã cho xây dựng các công trình lớn có tường cao, hào sâu bảo vệ.

Trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, phủ Thiên Trường là một trong những căn cứ chiến lược của nhà Trần, trong đó thái ấp Độc Lập có tầm quan trọng đặc biệt. Vì về đường thủy, từ thái ấp Độc Lập đi theo sông Vị Hoàng, sông Đáy, sông Vân là đến được Trường Yên, theo sông Châu, sông Hồng thì lên được Thăng Long, theo sông Vĩnh về được Thiên Trường… Tại đây nhà Trần còn lập các trạm gác đường thủy tại bến Than, bến Miễu, bến Viện… và các trạm gác đường bộ. Ngoài việc tích trữ lương thực, chiêu tập dân binh, rèn vũ khí, Trần Quang Khải còn thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” (những người lính khi thái bình trở thành nông dân tham gia sản xuất).

Công chúa Phụng Dương là người có công trong việc xây dựng thái ấp Độc Lập. Bà quán xuyến mọi việc từ trồng lúa, chăn nuôi, dệt vải, may quần áo cho binh lính đến những việc quản lý thái ấp.

Vào những năm từ 1290 – 1294, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải về an dưỡng ở trang riêng tại phủ Thiên Trường. Bà về theo rồi năm Tân Mão (1291), bà bệnh nặng. Điều lạ là lúc ấy bà không hề hỏi han gì đến con cháu mà chỉ một lòng yêu thương lo nghĩ đến chồng. Đến thăm bà trên giường bệnh, Quang Khải viết thư đặt vào tay bà rồi bùi ngùi nói: “Kiếp sau xin được làm vợ chồng như xưa”. Bà cảm động đến ứa nước mắt và mãn nguyện từ giã trần gian ngày 22/5, khi mới 47 tuổi.

Thái sư Trần Quang Khải và công chúa Phụng Dương được thờ  tại làng Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, Nam Định.

Thái sư Trần Quang Khải và công chúa Phụng Dương được thờ
tại làng Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, Nam Định.


Được chồng lập bia
Bà được an táng tại thôn Độc Lập, phủ Thiên Trường, nay là xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Con trai lớn trong gia đình là Trần Đạo Tái đứng làm chủ tang và xin Thái bảo Lê Củng Viên bài minh để khắc bia thờ. Quan Thái bảo Lê Củng Viên tự nhận mình dù không phải là người văn hay chữ tốt như Hàn Dũ đời xưa (Hàn Dũ là văn sĩ trứ danh của Trung Hoa, tự là Thôi Chi, người đời Đường, quê ở Nam Dương, tỉnh Hồ Bắc. Ông sinh năm 768 mất năm 823, đỗ tiến sĩ). Nhưng sau khi bàn luận, Tướng quân Trần Quang Khải quyết định để ông viết bài minh này. Cuối bài minh có những câu xiết bao cảm động: “Làm thiện tất được phúc chừ, là điều thường tình/Nói nhân tất được thọ chừ, trời đầu chẳng linh/Sống có nết na chừ, chết được lưu danh/Làm vợ của tướng chừ, đời đời khen mình/Nơi thôn Độc Lập chừ, núi cao mồ xanh”.

Sau đó, Đại vương Quang Khải đứng ra lập bia cho vợ. Trải qua nhiều năm tháng, chữ bị mờ nên năm Minh Mạng thứ 3 (1822), bia được khắc lại. Nhờ vậy, ngày nay bên cạnh sự nghiệp lẫy lừng của danh tướng Trần Quang Khải, chúng ta mới hiểu thêm đôi điều về đời riêng tư của ông.

Nhân cách của bà được chính Thái sư phu quân đánh giá: “Làm điều thiện, nói điều nhân, sống nết na, chết lưu danh, vượng phu ích tử”. Qua năm Giáp Ngọ (1294), Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, chồng bà cũng qua đời ở tuổi 53.
Ngày nay Thái sư Trần Quang Khải và công chúa Phụng Dương được thờ ở nhiều nơi, nhưng thờ chính tại làng Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, Nam Định.

Theo: kienthuc.net.vn


TOP