Phát huy giá trị các di sản văn hoá trong đời sống hôm nay

Phát huy giá trị các di sản văn hoá trong đời sống hôm nay

Nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, tỉnh ta là nơi hội tụ, sản sinh và lưu giữ được nhiều di sản văn hoá truyền thống như: hệ thống di tích lịch sử – văn hoá, giá trị văn hoá tín ngưỡng dân gian, các loại hình văn hoá nghệ thuật dân tộc. Trên địa bàn tỉnh hiện có 349 di tích lịch sử – văn hóa được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Đền Trần – Chùa Tháp, Chùa Keo Hành Thiện, 80 di tích cấp quốc gia, 3 bảo vật quốc gia và 1 di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại – Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Diễn xướng nghi lễ hầu đồng tại Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 12-2016). Đây là niềm tự hào của người dân cả nước nói chung, người dân trong tỉnh nói riêng.

Tỉnh ta được coi là trung tâm thờ Mẫu với những nơi lưu giữ sự tích về giáng thế của Mẫu Liễu Hạnh, người được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ” – một trong “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của người dân lao động với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn. Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh có 352 di tích lịch sử – văn hoá thờ và phối thờ Mẫu; trong đó có 220 phủ, 16 miếu, 72 chùa phối thờ, 44 đền, đình thờ chung với thành hoàng làng.

Tiêu biểu là quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) với hơn 20 di tích thờ Mẫu; huyện Ý Yên có 26 di tích liên quan đến Thánh Mẫu, tập trung nhiều ở xã Yên Đồng như: phủ Nấp, phủ và chùa Đồi, từ đường họ Phạm… Việc thực hành lễ hội, nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu tại các di tích với những yếu tố văn hóa truyền thống như một “bảo tàng sống”, lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa người Việt.

Tại quần thể di tích lịch sử – văn hoá Phủ Dầy, cùng với quần thể kiến trúc, lễ hội đã phản ánh về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư.

Từ ngày mùng 3 đến mùng 8-3 âm lịch hằng năm, lễ hội “Tháng Ba giỗ Mẹ” tại vùng đất thiêng Phủ Dầy được tổ chức trên quy mô lớn thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tới dự. Lễ hội diễn ra các nghi lễ trang trọng như: hầu đồng, rước thỉnh kinh, rước đuốc, hoa trượng hội; các hoạt động văn hóa dân gian như: thi hát văn, đánh cờ người và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác.

Lễ hội có tới trên 30 cung văn tham gia hát tại phủ Tiên Hương và khoảng 20 cung văn tham gia hát tại phủ Vân Cát. Hiện toàn tỉnh có trên 500 người trực tiếp tham gia thực hành nghi lễ chầu văn gồm các thanh đồng, cung văn, nhạc công, góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản.

Trong kho tàng di sản văn hoá vật thể ở tỉnh ra, hệ thống các di tích lịch sử – văn hóa được phân bố dày đặc, rộng khắp với trên 4.000 công trình kiến trúc cổ là các đình, đền, chùa, miếu, phủ, từ đường; trong đó các di tích lịch sử – văn hoá thời Trần có vị thế quan trọng gắn liền với vùng đất Thiên Trường – Nam Định.

Theo khảo sát của Bảo tàng tỉnh và Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, toàn tỉnh có 275 di tích thờ tự hoặc có liên quan trực tiếp tới các nhân vật lịch sử thời Trần; tiêu biểu như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần – Chùa Phổ Minh, Đình Đệ Tứ (TP Nam Định), Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố, Đình và miếu Cao Đài (Mỹ Lộc)…

Trong đó, Thành phố Nam Định có 28 di tích; các huyện: Mỹ Lộc (25 di tích), Nam Trực (38 di tích), Xuân Trường (30 di tích), Giao Thủy (12 di tích), Hải Hậu (37 di tích), Ý Yên (22 di tích), Vụ Bản (27 di tích), Nghĩa Hưng (36 di tích), Trực Ninh (20 di tích). Ngày nay, lễ hội tại các di tích thời Trần được tổ chức, quản lý theo hướng văn minh, tiết kiệm, trở thành nét sinh hoạt văn hoá tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách các vùng, miền về dự.

Lễ hội Đền Trần – Chùa Phổ Minh (TP Nam Định) là lễ hội lớn được Bộ VH, TT và DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. Hơn 10 năm trở lại đây, cùng với Lễ Khai ấn đầu xuân, Lễ hội Trần (tổ chức vào dịp trung tuần tháng 8 âm lịch hằng năm) đã khơi dậy niềm tự hào về hào khí Đông A của quân dân Đại Việt đã ba lần đại thắng quân xâm lược Nguyên – Mông thế kỷ XIII.

Nghi lễ dâng hương tưởng nhớ công lao của các vị Vua Trần và ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo được tổ chức vào ngày 20-8 âm lịch hằng năm. Về Thành Nam dự lễ hội “Tháng Tám giỗ Cha”, du khách không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu lộc, cầu may, cầu phúc mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của quần thể Khu di tích lịch sử – văn hoá Trần.

Đó là những công trình kiến trúc, di vật, hệ thống chân tảng đá, đồ gạch ngói, gốm sứ hay nền móng của cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa xưa dần phát lộ qua những cuộc thăm dò và khai quật khảo cổ học, là những luận chứng khoa học xác tín tái hiện về một thời đại huy hoàng đầy oanh liệt về “Võ công, văn trị” của vương triều Trần trong lịch sử dân tộc.

Huyện Ý Yên hiện còn bảo lưu được nhiều di sản văn hoá với hàng trăm công trình cổ mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Đinh – Lê, Lý – Trần độc đáo. Tại các di tích, nhiều di vật, cổ vật có tuổi đời hàng trăm năm vẫn đang được các cấp, các ngành và nhân dân địa phương bảo tồn.

Năm 2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp Sở VH, TT và DL và Bảo tàng tỉnh khai quật trên diện tích 1.000m2 ở đỉnh núi Phương Nhi, núi Ngô Xá (xã Yên Lợi) thu được hàng trăm di vật thời Lý, Trần, Lê với nhiều chất liệu, loại hình khác nhau như: đất nung, gốm sứ, đá, dây đồng, tiền đồng, cá chì.

Tron g đó, nhiều di vật độc thời Lý được tìm thấy tại chùa Ngô Xá mà đến nay chưa phát hiện được ở bất kỳ một di tích nào khác như: cột đá chạm búp sen rồng cuốn, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Năm 2013 và 2015, tỉnh ta được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia 3 hiện vật, trong đó, xã Yên Lợi có 2 Bảo vật quốc gia: Tượng Phật A Di Đà (thời Lý), hiện lưu giữ tại chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi và Lan can thành bậc, hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Hai Bảo vật quốc gia đã được công nhận cùng nhiều hiện vật thời Lý được tìm thấy tại quần thể di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia Đình – Chùa Ngô Xá, chùa Nề và phế tích Tháp Chương Sơn là minh chứng cho một vùng địa linh, còn lưu giữ bao giá trị đặc sắc về di sản văn hoá.

Bên cạnh việc gìn giữ các bảo vật quốc gia, việc phát huy nét đẹp văn hoá dân gian thông qua các hoạt động lễ hội được coi trọng trong các lễ hội lớn như: Lễ hội đền Độc Bộ, xã Yên Nhân thờ Triệu Việt Vương tổ chức vào ngày 13-8 âm lịch với nghi thức rước kiệu của các làng và tế tam giang (tế ở ngã ba sông Đào, sông Sắt và sông Đáy); Lễ hội Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp), xã Yên Đồng tổ chức vào ngày 4-3 âm lịch gắn với tục thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh; Lễ hội Đình Ruối, xã Yên Nghĩa tổ chức vào ngày 10-11 âm lịch tưởng nhớ Kiến quốc phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt có công giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh; Lễ hội Đình Ngọc Chấn, xã Yên Trị được tổ chức vào tháng 3 âm lịch để tưởng nhớ 2 vị tướng thời Trần là Đặng Tất, Đặng Dung có công đánh giặc…

Những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Hầu hết các di tích lịch sử – văn hoá thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh đều được trùng tu, tôn tạo chủ yếu dựa trên nguồn kinh phí xã hội hoá nhằm phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ Mẫu. Ở các di tích, công trình quan trọng nhất là không gian thờ tự liên quan đến kiến trúc, nội thất, đặc biệt là hệ thống cột, xà, các cửa võng, rèm cửa được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trên các ban thờ nhiều đồ thờ và tượng các vị Thánh của đạo Mẫu được bổ sung.

Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách để quản lý các lễ hội, di sản văn hoá. Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản đã được đưa ra bao gồm: Xây dựng chính sách hỗ trợ, thành lập các Ban quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở địa phương; phục hồi các lễ hội truyền thống; tổ chức nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu hướng dẫn; tổ chức triển lãm, trưng bày, trình diễn di sản tại Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng huyện và các lễ hội liên quan đến thờ Mẫu; truyền bá kiến thức vào các chương trình giảng dạy học đường, các hoạt động ngoại khoá; tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân và thủ nhang, đồng đền tiêu biểu.

Các hoạt động này thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng nhằm bảo vệ di sản. Để phát huy giá trị các di sản văn hoá, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Di sản văn hoá, nâng cao ý thức của toàn dân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, di vật, cổ vật; kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại đến di tích lịch sử – văn hoá; tránh nguy cơ lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi làm sai lệch giá trị di sản.

Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn di sản, góp phần phát triển du lịch văn hoá tâm linh cộng đồng./.

Theo Khánh Dũng( báo nam định)


TOP