Thực hư chuyện tung tiền “như mưa” ở Phủ Dầy?

Thực hư chuyện tung tiền “như mưa” ở Phủ Dầy?

Xuất hiện thông tin sai lệch, thiếu chính xác về việc tung tiền tỷ trong những giá hầu đồng ở quần thể di tích Phủ Dầy, Nam Định.

Hơn hai tháng sau lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khi những chủ thể của di sản tại Quần thể Di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) vẫn đang thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thì những thông tin sai lệch, thiếu chính xác đang làm “rầu lòng” những chủ thể di sản và gây bức xúc trong nhân dân địa phương.

Không có giá đồng tiền tỷ

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nam Định Khúc Mạnh Kiên cho biết, với trách nhiệm của trung tâm thực hành tín ngưỡng trong cả nước, ngay sau lễ đón bằng vinh danh của UNESCO, Nam Định đang hoàn thiện dự thảo đề án về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Dự thảo đề án đặc biệt nhấn mạnh nội dung loại trừ các yếu tố mê tín dị đoan, lợi dụng niềm tin tín ngưỡng của cộng đồng để trục lợi.

Trước một số thông tin về việc tại Quần thể Di tích Phủ Dầy Nam Định xuất hiện những giá hầu đồng tung tiền 200 ngàn, 500 ngàn đồng “như mưa”, giá hầu đồng 1- 2 tỉ…, ông Khúc Mạnh Kiên cho rằng, một số thông tin về tình trạng loạn mở phủ, hầu đồng tại quần thể di tích Phủ Dầy đang gây khó khăn không nhỏ cho chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản. “Cộng đồng- chủ thể di sản tại quần thể di tích Phủ Dầy đã bức xúc và có nhiều phản ứng trước những thông tin này. Sở VHTTDL tỉnh Nam Định đã thành lập đoàn kiểm tra để xác minh và xử lý vi phạm nếu có. Tuy nhiên, sau quá trình thanh, kiểm tra tại các đền, phủ chính trong quần thể di tích, kết quả cho thấy không có những chứng cứ xác thực về các nội dung như loạn mở phủ hầu đồng hay các giá hầu hàng trăm triệu cho đến cả tỉ đồng khiến cộng đồng bức xúc…”- ông Khúc Mạnh Kiên cho hay.

Thông tin các khóa đồng tiền tỉ, tung tiền mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng là bịa đặt, gây tác động tiêu cực đối với hoạt động của các phủ trong quần thể di tích cũng như tác động xấu đến giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu (ảnh minh họa Nam Nguyễn)

Khẳng định thông tin các khóa đồng tiền tỉ, tung tiền mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng là bịa đặt, gây tác động tiêu cực đối với hoạt động của các phủ trong quần thể di tích cũng như tác động xấu đến giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, bà Trần Thị Kim Huệ, người chịu trách nhiệm trông coi hoạt động tại Phủ chính Tiên Hương cho biết: “Trên thực tế, Phủ chỉ thu mỗi khóa hầu nhiều nhất là một triệu đồng để mua sắm đèn nến, đồ thờ, tiền điện, tiền nước, tiền phục vụ… Là những người chăm nom cửa Mẫu, chúng tôi luôn cố gắng để giữ gìn những giá trị cốt lõi của di sản. Chưa bao giờ có chuyện người đến mở khóa đồng tại Phủ bị đưa ra “mức giá” phải thế này, thế kia…”.

Vận động nhân dân thực hành đúng di sản

Bà Trần Thị Kim Huệ cũng cho biết, sau hơn hai tháng di sản được UNESCO vinh danh, bà cùng những thanh đồng tại Quần thể di tích Phủ Dầy luôn ý thức việc giải thích, vận động người dân giữ gìn giá trị di sản theo ý nghĩa tích cực, không xuyên tạc, nói xấu tín ngưỡng, nhưng không mê tín, cuồng tín.

“Không thanh đồng nào đủ sức để hầu đủ 36 giá đồng, cũng không ai hầu đồng đến 1-2 tỷ, đó là cả gia sản. Chúng tôi cũng không khuyến khích những người dân thực hiện hầu đồng một cách lãng phí mà phải tận tình giải thích cho người ta hiểu. Với người dân, mỗi người một ý nhưng khi có hướng dẫn của chúng tôi, hầu như họ đều nghe và thực hành tín ngưỡng một cách có văn hóa”- bà Trần Thị Kim Huệ cho biết.


Những cảnh báo về biến tướng di sản cần đưa ra nhưng phải đúng thực tế (ảnh minh họa Nam Nguyễn)

Ông Nguyễn Văn Thư (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định) cũng cho biết, cá nhân ông là người sát cánh với quá trình lập hồ sơ di sản trình UNESCO, những cảnh báo từ một chuyên gia nghiên cứu di sản cũng đã được ông đưa ra sau lễ vinh danh, đón bằng.

Tuy nhiên, đó là những lưu ý mang tính tổng thể đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản nói chung chứ không gắn với một di tích, đền, Phủ cụ thể nào. Những nhận định về tình trạng “loạn mở Phủ, hầu đồng” cũng là cảnh báo cần lưu ý có thể xảy ra, nhưng không thể tùy tiện gắn với quần thể di tích Phủ Dầy, điều đó rất dễ gây hiểu nhầm trong dư luận. Ông Nguyễn Văn Thư cũng khẳng định, thực tế không có các khóa đồng tiền tỉ, tung tiền mệnh giá lớn như mưa ở Phủ Dầy. Việc đưa các thông tin thiếu kiểm chứng này không chỉ khiến cộng đồng bức xúc mà còn tác động tiêu cực đến quá trình triển khai thực hiện chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã được công bố.

“Những cảnh báo biến tướng, trục lợi từ di sản cần thiết được đưa ra, nhưng phải có sự phân định rõ ràng với thực tế, qua đó để cộng đồng tự nhận biết và điều tiết trong quá trình thực hành tín ngưỡng. Mặt khác, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, tránh để xảy ra những hệ lụy tiêu cực khác liên quan đến công tác quản lý, tổ chức lễ hội cũng như quá trình bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng…”- ông Nguyễn Văn Thư chia sẻ.

Theo Tổ Quốc


TOP