Đại gia Nam Định đang nắm giữ lượng tiền mặt kỷ lục

Đại gia Nam Định đang nắm giữ lượng tiền mặt kỷ lục

Sắc xanh bao phủ thị trường, VN-Index bất ngờ bứt phá mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch 29/7, VN-Index tăng 16,53 điểm (1,29%) lên 1.293,6 điểm; HN-Index tăng 1,54% lên 310,97 điểm và UPCom-Index tăng 1,39% lên 86,14 điểm.

VN-Index tăng 16,53 điểm (1,29%) lên 1.293,6 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường cải thiện so với phiên trước nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp. Giá trị giao dịch 3 sàn đạt gần 19.400 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng như ACB, BID, CTG, MBB, MBB, SHB, STB, VCB, VIB, VPB, LPB, HDB, TCB…đồng loạt tăng mạnh và là động lực chính giúp thị trường bứt phá.

Dòng tiền cũng lan tỏa ra các cổ phiếu chứng khoán, thép giúp thị trường thêm phần sôi động. Đà tăng cũng diễn ra với các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí, bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp…

Đà tăng cũng diễn ra với các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như BVH, FPT, MSN, SAB, BHN, VHM, PNJ…giúp sắc xanh thị trường được củng cố.

Chiều ngược lại, VIC, VNM, NVL là những cổ phiếu lớn hiếm hoi giảm trong phiên hôm nay. HNG cũng trở lại xu hướng giảm khi đóng cửa giảm 2% xuống 7.740 đồng.

Chốt phiên MWG tăng 5.700 đồng/cổ phiếu (tương dương 3,63%) lên mốc 162.800 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu MWG hôm nay cùng chung đà tăng với thị trường. Chốt phiên MWG tăng 5.700 đồng/cổ phiếu (tương đương 3,63%) lên mốc 162.800 đồng/cổ phiếu. Toàn phiên có hơn 1,3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Đây là phiên phục hồi đáng mong đợi của mã này sau 4 phiên liên tiếp giảm điểm. Nhờ đó đà giảm tính chung qua 1 tuần được kéo lại chỉ còn 1,45%. Tính chung qua 1 quý mã cổ phiếu của đai gia Nam Định Nguyễn Đức Tài vẫn đang tăng hơn 15,5% giá trị.

Liên quan đến mã cổ phiếu này, mới đây CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động đã công bố báo cáo tài chính quý II. Tính riêng trong quý 2, doanh thu thuần của MWG đạt trên 31,658 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng 24%, lên gần 7,144 tỷ đồng. Biên lãi gộp nhích nhẹ từ 22% lên 22.56%.

Doanh thu tài chính của MWG tăng 80% so cùng kỳ, thu về gần 305 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm gần 170 tỷ đồng, tăng 24%.

Các khoản chi phí khác đều tăng như chi phí bán hàng (+26%), chi phí quản lý doanh nghiệp (+20%).

Kết quả, MWG báo lãi ròng quý 2 tăng 36% so với cùng kỳ, đạt hơn 1,213 tỷ đồng chủ yếu nhờ sự đóng góp của hơn 1,000 cửa hàng tăng thêm so với cuối tháng 6/2020.

Trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến việc doanh nghiệp này đã tiếp tục nâng lượng tiền mặt lên mức kỷ lục mới so với cuối năm 2020.

MWG ghi nhận tổng lượng tiền mặt và tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn lên đến 18.142 tỷ đồng.

Cuối quý II, MWG ghi nhận tổng lượng tiền mặt và tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn lên đến 18.142 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 14.827 tỷ đồng cuối quý I và 15.405 tỷ đồng hồi đầu năm nay.

Lượng tiền mặt tăng mạnh, song phần lớn lượng tiền tăng thêm của Thế Giới Di Động đến từ nguồn vốn vay. Tính đến 30/6, MWG đi vay tổng cộng 21.095 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn, tăng 2.058 tỷ đồng so với cuối quý I.

Đáng chú ý, dù có sự chênh lệch khá lớn giữa nợ vay và lượng tiền nắm giữ, Thế Giới Di Động vẫn thu được khoản lãi từ hoạt động quản lý vốn của mình.

Số tiền lãi mà MWG thu được trong 6 tháng đầu năm từ dòng vốn lưu động trong quý II là hơn 443 tỷ đồng, chênh lệch 120 tỷ đồng so với khoản nợ vay phải trả 323 tỷ đồng tiền lãi.

Báo cáo của MWG cho thấy, ngoài khoản tiền mặt dự phòng tại quỹ, MWG dành phần lớn lượng tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn với mức lãi suất từ 6 – 8,65%.

Bên cạnh lượng tiền nói trên, MWG cũng phát sinh khoản phải thu từ cho vay 500 tỷ đồng đối với Công ty Chứng khoán TP HCM và cho vay 80 tỷ đồng đối với Công ty bán lẻ An Khang, lãi suất cho vay giao động từ 6,4 -7%/năm.

Trong khi đó, hiện Thế Giới Di Động ghi nhận khoản huy động trái phiếu dài hạn 1.129 tỷ đồng với lãi suất thấp 6,55%.

Tags:

TOP