Nằm dọc bờ sông Ninh Cơ, xã Phương Định, huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) được biết đến với làng nghề ươm tơ Cổ Chất nổi tiếng từ lâu đời, là nơi cung cấp tơ chất lượng cho các làng dệt lụa trong nước.
Trước đây, về Cổ Chất vào vụ ươm tơ, những cuộn tơ vàng, tơ trắng óng ánh được phơi khắp đường thôn, ngõ xóm. Nhà nào cũng có ít nhất một guồng tơ, có nhà nhiều tới ba bốn guồng. Trong thôn nhộn nhịp tiếng máy xe tơ, không khí lao động tấp nập, rộn ràng.

Nhộn nhịp tiếng máy xe tơ.
Ông Phạm Văn Đồng, người đang phát triển nghề ươm tơ từ bao đời của gia đình chia sẻ, kỹ thuật ươm tơ chính là điều tạo nên sự khác biệt giữa tơ của làng Cổ Chất với sản phẩm tơ ở những nơi khác. Khi có kén tằm, người dân phân loại rất nhanh, đảm bảo loại bỏ sạch chất bẩn trên kén, chọn ra những kén đủ tiêu chuẩn trước khi ngài cắn kén chui ra làm hỏng tơ, không kéo được sợi. Người dân làng Cổ Chất có thể ươm được những sợi tơ các loại, có những sợi nhỏ như sợi chỉ mảnh nhưng vẫn đảm bảo đồng nhất về kích cỡ, bền dai, đẹp màu…
Vụ ươm tơ bắt đầu từ tháng ba đến tháng chín âm lịch hàng năm. Người dân lấy kén ở các làng lân cận về ươm. Kén được cho vào nước nóng để dễ dàng tách ra và kéo thành sợi cuộn vào các guồng. Trước kia, người trong làng ươm tơ bằng tay, phải mất gần 2 tiếng mới được một guồng tơ. Nay có máy móc hỗ trợ, một guồng tơ chỉ mất 1 tiếng ươm. Sau khi ươm được một guồng, người dân đem phơi lên các con sào.
Tơ sau khi đã phơi khô được thương lái đến thu mua tận nhà, sau đó chuyển lên làng dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) và xuất đi các nước Thái Lan, Campuchia… Hiện tại, 1 kg tơ tằm, người dân có thể bán với giá từ 600.000 – 800.000 đồng.
Ươm tơ đã từng là nghề chính mang lại thu nhập cao cho người dân trong xã, đặc biệt là người dân thôn Cổ Chất. Tuy nhiên, hiện tại, làng nghề này đang đứng trước nguy cơ bị mai một… do nguồn cung cấp kén chính cho làng ươm tơ Cổ Chất không còn, nhiều người từng làm nghề và lớp trẻ trong làng cũng không còn mặn mà với nghề.
Ông Nguyễn Đình Kha, Trưởng thôn Cổ Chất cho biết, thôn có hơn 600 hộ dân. Trước đây, cả thôn đều làm nghề ươm tơ, nhưng từ những năm 2000 trở lại đây, nhiều người dần bỏ nghề đi làm công việc khác. Hiện tại, trong thôn chỉ còn hơn 20 hộ vẫn cố gắng duy trì nghề này nhưng lao động chủ yếu là người già. Dù rất muốn bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của quê hương nhưng để có kén ươm tơ, các hộ phải mua từ các tỉnh như Thái Bình, Lâm Đồng… Không chỉ chi phí tăng lên mà trong quá trình vận chuyển kén bị dập nát cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng tơ, trong khi sản phẩm tơ hiện tại khó tiêu thụ, khiến người dân càng khó giữ nghề.
Để giải quyết bài toán việc làm và thu nhập cho người dân trong khi chưa tìm được giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục phát triển nghề ươm tơ, xã Phương Định đã quy hoạch vùng dệt bông sợi với diện tích 25 ha tại hai thôn Cự Trữ và Cổ Chất. Đến nay, đã có 4 doanh nghiệp dệt hoạt động trên địa bàn xã, sản xuất các sản phẩm khăn, màn bằng sợi bông, thu hút hơn 2.000 lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Hơn nữa, để ươm được 1 kg tơ thì cần khoảng 10 kg kén. Hiện giá kén trên thị trường ở mức 80.000 đồng/kg, lúc cao điểm tơ chỉ được 800.000 đồng/kg. Nếu trừ chi phí mua nguyên liệu, thuê người làm, ươm tơ cho hiệu quả kinh tế rất thấp, thậm chí chỉ hòa vốn.
Hợp Hòa là thôn chuyên làm nghề trồng dâu, nuôi tằm của xã Phương Định cung cấp kén cho làng ươm tơ Cổ Chất. Những năm trước đây, cả vùng đất bãi dài chạy dọc theo triền sông Ninh Cơ thuộc địa phận thôn đều trồng dâu, ước tính có khoảng 15 ha nhưng hiện tại diện tích này chỉ còn 7 ha. Do nghề ươm tơ bị mai một, số hộ làm nghề ít nên người dân đã chuyển từ trồng dâu, nuôi tằm sang trồng màu, nuôi trồng thủy sản.

Vụ ươm tơ bắt đầu từ tháng ba đến tháng chín âm lịch.
Giá kén lúc cao điểm cũng chỉ được khoảng 70.000 đồng/kg. Thời gian lao động nhiều, trong khi giá thành không cao. Vì vậy, từ nhiều năm nay, có tới một nửa số hộ trong làng đã chuyển đổi cây trồng, con nuôi, số còn lại chuyển sang nuôi tằm ré – loại tằm chỉ nuôi lấy nhộng làm thực phẩm.
Bà Đặng Thị Yến, ở thôn Hợp Hòa, cho biết: Tằm ré dễ nuôi và ăn ít dâu hơn tằm nhả tơ. Từ khi trứng nở đến khi đóng kén xuất bán chỉ mất từ 20 – 25 ngày, năng suất có thể đạt 4 kg tằm/nong, giá bán từ 85.000 – 90.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá tằm lấy tơ. Vì thế, từ năm ngoái đến nay, những hộ còn trồng dâu đều chuyển sang nuôi loại tằm này.
Như vậy, nguồn cung cấp kén chính cho làng ươm tơ Cổ Chất không còn, những người từng làm nghề và lớp trẻ trong làng cũng không còn mặn mà với nghề, đa số đi làm tại các công ty tại địa phương với mức lương ổn định hơn. Mặc dù trong thời gian qua, có nhiều đoàn nghiên cứu về khảo sát tình hình làng nghề với mong muốn gìn giữ, phát triển nghề ươm tơ Cổ Chất, nhưng hiện nay chỉ những người già là còn cần mẫn với những guồng kén. Làng nghề ươm tơ nổi tiếng, có tuổi đời hàng trăm năm của Nam Định cũng vì thế đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Những cuộn tơ vàng óng là thành quả lao động của nhiều người.
Bài và ảnh: Nguyễn Lành /TTXVN
- Múa bài bông: Loại hình nghệ thuật độc đáo thời Trần
- “Cụ” hoa giấy dáng “siêu phàm”, còi dí mà giá hơn 100 triệu ở Nam Định
- Nam Định: Đặc Sắc Làng nghề nón lá Nghĩa Châu
- Côi cút phận già, người trẻ trong cô nhi viện Văn Giáo-Nam Định
- Than vãn ế khách 2/9, nữ tài xế Grabbike xinh đẹp gây sốt
- Video toàn cảnh Hải Hậu qua Flycam (2/9/2016)
- Từ thi trượt đại học, nữ sinh vươn lên thành thủ khoa trường Công nghệ Giao thông vận tải
-
1400 trẻ em Quảng Bình được khám sàng lọc bệnh tim miễn phí
-
Hoa hậu Kỳ Duyên có cơ hội được tham gia Hoa hậu Thế giới?
-
Đến xem quán phở chửi vẫn nườm nượp khách Nam Định
-
Bắt bà trùm thu bảy kg ma túy đá, 15 nghìn viên hồng phiến
-
Tin bão khẩn cấp: Bão số 1 cách Nam Định 150km
-
Một thoáng thành Nam
-
Nam Định: Cảnh báo tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản HS
-
Lễ hội truyền thống đền Trần năm 2017
-
Nam Định: Đâm chết người rồi đưa vào bệnh viện cấp cứu
-
Gần trăm cảnh sát phong tỏa ‘phố châu Phi’ ở Sài Gòn
-
Nam Định:Gia đình bệnh nhi tử vong oán bệnh viện chậm chuyển tuyến
-
Bộ GTVT đồng ý triển khai dịch vụ Grabtaxi cho hãng taxi tại Nam Định, Hà Nam
-
Người nuôi trồng thủy sản Nam Định ‘trắng tay’
-
Chàng trai Nam Định tự tin trước trận chung kết Olympia
-
Giang hồ Nam Định bắt cóc nữ doanh nhân nhốt vào nhà hoang