Đối mặt 2 bản án, ông Đinh La Thăng sẽ ngồi tù bao lâu?

Đối mặt 2 bản án, ông Đinh La Thăng sẽ ngồi tù bao lâu?

Ngày 29/3 tới, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án gây thiệt hại 800 tỷ đồng tại PVN khi góp vốn vào Oceanbank.

Ông Thăng bị Viện KSND đề nghị mức án 18 – 19 năm tù tội Cố ý làm trái. Trước đó, cũng trong vụ án xảy ra tại PVN, cũng tội danh Cố ý làm trái, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Đinh La Thăng 13 năm tù. Vậy, tổng cộng cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải ngồi tù bao lâu?

Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định không thể chấp hành hết các bản án

Theo luật sư Trịnh Anh Dũng, Trưởng văn phòng luật sư Trịnh, phiên tòa này chưa thể tổng hợp hình phạt cả 2 bản án đối với bị cáo Đinh La Thăng bởi ông Thăng đã có đơn kháng cáo ở bản án 13 năm tù mà TAND TP Hà Nội đã tuyên.

Cụ thể, trong đơn kháng cáo bản án thứ nhất xảy ra tại PVN, ông Đinh La Thăng cho rằng mức phạt 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) với mình là “quá khiêm khắc.

Bản án sơ thẩm chưa xem xét đầy đủ, công bằng, khách quan và giới hạn phạm vi trách nhiệm của bị cáo. Suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, ông Thăng nhận thấy đã thành tâm nhìn nhận trách nhiệm với tư cách Chủ tịch HĐTV của PVN song chưa được Hội đồng xét xử đánh giá thỏa đáng.Kết quả giám định thiệt hại của vụ án chưa đảm bảo căn cứ pháp lý…

Ông Thăng đề nghị Tòa án Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại tội danh, hình phạt và mức liên đới bồi thường sao cho phù hợp với bản chất vụ án cũng như đánh giá đúng vai trò trách nhiệm của ông.

“Theo quy định của pháp luật, đợi đến khi cả 2 bản án có hiệu lực pháp luật thì mới ra tổng hợp hình phạt. Hiện ông Thăng đang kháng cáo bản án thứ nhất nên chưa thể tổng hợp hình phạt cho bị cáo này.

Đối với 2 bản án mà ông Thăng bị phạt, Khoản 1, Điều 55 BLHS năm 2015 quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội như sau: Khi xét xử cùng 1 lần một người phạm nhiều tội, nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung;

hình phạt chung không được vượt quá 3 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn. Khoản 1, Điều 56 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.

Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án”, luật sư Trịnh Anh Dũng phân tích.

Điều này có nghĩa, trong trường hợp các bản án được tổng hợp, ông Thăng có thể phải ngồi tù 30 năm. Năm nay ông Thăng 58 tuổi, có lẽ chính vì vậy, trong phần nói lời sau cùng tại phiên tòa này, bị cáo Thăng cảm thấy “vô cùng đau xót” và “mong nhận được sự khoan hồng” bởi: “Sau lưng bị cáo còn bản án 13 năm của phiên tòa trước, bị cáo không còn cơ hội nữa trước mức án quá nặng mà Viện KS đã nêu.

Điều mong mỏi cuối cùng gửi đến HĐXX là xin hãy lắng nghe tiếng nói của lương tâm, những người cầm cán cân công lý, đại diện cho tiếng nói pháp luật và hãy xem xét tôi như đối với số phận một con người.

Những bản án như thế này đổ lên đầu bị cáo không chỉ là những năm tháng tù tội dài dằng dặc trước mắt, như bị cáo đã nói, chắc chắn bị cáo không còn đủ thời gian để thực hiện hết các bản án.

Những lời xin lỗi của bị cáo dù có ngàn lần cũng không thể thay đổi được sự thật đớn đau”, bị cáo Đinh La Thăng nói lời sau cùng.

Theo HOÀNG ANH
(nongnghiep.vn)


TOP