"Lúc vào thủy điện Rào Trăng 3 con còn giấu vợ, giấu con, nhưng giờ con đi mãi..."

“Lúc vào thủy điện Rào Trăng 3 con còn giấu vợ, giấu con, nhưng giờ con đi mãi…”

Mẹ Đại tá Hùng chia sẻ, chiều thứ Bảy vừa rồi, con trai còn về đoàn tụ với gia đình, cùng nhau ăn bữa cơm họp bàn công việc. Nhưng không ngờ, đó là lần cuối cùng bà được gặp con.

Người thân, hàng xóm sang chia sẻ động viên với mẹ của Đại tá Nguyễn Hữu Hùng.

Chiều 16/10, chúng tôi tìm đến nhà Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ – Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) – người hy sinh khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại thủy điện Rào Trăng 3 – tại thôn Thụy Khuê (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội).

Khi phóng viên có mặt, trong nhà, nhiều phụ nữ, hàng xóm láng giềng, người thân đã đến chia sẻ với gia đình, hỗ trợ dọn dẹp, tiếp khách đến thăm hỏi.

Trong phòng khách của gia đình, cùng với một vài bằng khen, ảnh, còn có Huân chương chiến công hạng Ba mà Chủ tịch nước tặng Đại tá Hùng khi anh Hùng đang là Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Công binh (Bộ Quốc phòng) đã có chiến công xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả vụ sập hầm công trình Thủy điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng.

Cạnh đó là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì Đại tá Hùng đã có thành tích trong cuộc diễn tập thực binh ứng phó thảm họa khẩn cấp khu vực ASEAN năm 2013. Thời điểm này, anh Hùng đang là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 249, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc phòng.

Chị Thoa (vợ Đại tá Hùng) cố gắng gượng ngồi dậy để tiếp đón các chị em phụ nữ trong xóm đến hỏi thăm, đôi mắt chị đỏ hoe, những giọt nước mắt liên tục rơi.

Từ lúc hay tin chồng cùng 12 cán bộ, đồng đội hy sinh tại trạm kiểm lâm 67, chị chỉ biết khóc, nhiều lần lịm đi.

Chị Thoa (vợ Đại tá Hùng, thứ 2 từ phải qua).

Chia sẻ với các chị em trong xóm, chị Thoa nghẹn lời nói, anh mất đi, cả gia đình, vợ con đều rất sốc, nhất là các con mất đi chỗ dựa vững chắc từ bố. Chưa người con nào của anh chị được yên bề gia thất… Nhiều lúc, câu chuyện ngắt quãng vì chị xúc động không nói thành lời.

Tấm Huân chương chiến công hạng ba mà Chủ tịch nước tặng Đại tá Nguyễn Hữu Hùng.

Chị Hà (em gái anh Hùng) với đôi mắt đỏ hoe kể, từ khi biết anh Hùng vào cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3, nghe tin có tai nạn, sự cố, người nhà, làng xóm ai cũng mong chờ tin tức tốt lành từng giờ từng phút. Nhưng phép màu đã không xảy ra…

Chị nói, anh trai mình là người sống tình cảm, chu đáo, nhiệt tình giống mẹ và lúc nào cũng xung phong đi đầu, anh mới đi chống dịch, nay lại xung phong đi vùng lũ.

Rời nhà anh Hùng, chúng tôi tới nhà của bố mẹ anh cách đó không xa. Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ, nhiều cụ cao niên trong làng, bạn bè, đồng đội anh Hùng đã có mặt.

Mẹ anh Hùng liên tục khóc và bảo, lúc con trai đi còn giấu vợ, giấu con, nhưng giờ con đã mãi mãi ra đi. Bà chia sẻ, chiều thứ Bảy vừa rồi, con trai về đoàn tụ với gia đình, họ hàng, cùng nhau ăn bữa cơm họp bàn công việc gia đình. Nhưng không ngờ, đó là lần cuối cùng bà được gặp con.

Mẹ Đại tá Nguyễn Hữu Hùng (thứ 3 từ phải qua).

Ông Oanh (bố Đại tá Hùng) nhớ lại, từ lúc không liên lạc được với con, cả nhà ông đứng ngồi không yên. Gọi điện cho cháu nội là con lớn của anh Hùng, ông Oanh chỉ nghe cháu nói bố đi chống lũ. Gia đình liên lạc tới cơ quan con thì được biết khu vực con vào không có sóng.

Một người họ hàng của gia đình Đại tá Hùng cho hay, bố mẹ Đại tá Hùng mới rời công việc đồng ruộng, chăn nuôi mấy năm nay và nhàn hạ được một chút thì lại gặp mất mát, đau thương lớn như vậy.

“Công lao nuôi con cái bao nhiêu năm, đến lúc con trưởng thành, báo đáp bố mẹ được một chút lại gặp mất mát, đau thương. Chúng tôi, cả làng, xã này đều đau đớn khi nghe tin anh Hùng hy sinh khi làm nhiệm vụ, nhưng tự hào khi đó là sự hy sinh vì dân vì nước, vì mọi người”, bà nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Thụy, Bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn cho biết, gia đình Đại tá Hùng là gia đình cơ bản, có truyền thống tham gia lực lượng vũ trang.

Bố Đại tá Hùng là bộ đội, anh em trong gia đình nhiều người tham gia quân đội, công an. Con trai lớn của anh Hùng là sĩ quan công binh, con út đang học lớp 10. Các con của Đại tá Hùng đều học giỏi, năm nào cũng được khen thưởng.

“Anh ấy là con người tốt, đúng mực, chững chạc, hòa thuận, rất thân thiết với bà con hàng xóm láng giềng”, ông Thụy nói và cho biết, phía chính quyền xã, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị quân đội để lo công việc cho gia đình anh Hùng.

Vào năm 2014, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, khi đó là Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh công binh, đã chỉ huy giải cứu thành công 12 công nhân vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng ((xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).

Trong chiều tối 16/10, Thủ tướng đã quyết định Bằng “Tổ quốc ghi công” cho Đại tá Nguyễn Hữu Hùng và 12 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên Huế đã hy sinh ngày 13/10/2020 khi đang thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn tại công trình thủy điện Rào Trăng 3.

Theo gia đình, vào sáng 17/10, 9 thành viên, gồm, vợ con, người thân sẽ vào Thừa Thiên Huế để chuẩn bị cho lễ viếng và đưa Đại tá Hùng về quê nhà sau đó.

Tags:

TOP