Nam Định: Vườn Quốc gia Xuân Thủy đang kêu cứu

Nam Định: Vườn Quốc gia Xuân Thủy đang kêu cứu

Vườn Quốc gia Xuân Thủy (VQG) đã được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, phóng phú và nơi sinh sống của nhiều cá thể chim thuộc diện cần phải bảo vệ đặc biệt. Tuy nhiên, người dân đang bức xúc trước thực trạng buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới VQG.

Cồn Lu, nơi đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi khách du lịch

Vi phạm nghiêm trọng!

Vườn Quốc gia Xuân Thủy thuộc huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. VQG Xuân Thuỷ có trong danh mục các khu rừng đặc dụng Việt Nam với diện tích 7.100 ha.

Địa hình và thổ nhưỡng của khu vực được kiến tạo bởi phù sa của sông Hồng và biển Đông với nhiều loài động, thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm mà chỉ có vùng này có. Do tầm quan trọng của khu vực, nên ngày 2/1/2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 01 về việc thành lập VQG Xuân Thủy. Ngay sau đó, tháng 12/2004, UNESCO tiếp tục công nhận VQG Xuân Thủy trở thành vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh Đồng bằng châu thổ sông Hồng (bao gồm các vùng đất ngập nước ven biển của 3 tỉnh: Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình).

Tuy nhiên, theo anh Mai Xuân Trung, Kiểm lâm viên thuộc Hạt kiểm VQG Xuân Thủy, hiện nay hệ sinh thái của VQG đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng người dân tự ý xây dựng nhà ở kiên cố ngay tại vùng lõi và hiện tượng khách du lịch tự phát.

Nói về công trình nhà ở xây dựng trái phép tại đây, anh Trung cho biết, lúc đầu chỉ là lán nhỏ, nhưng 2, 3 năm gần đây, một hộ gia đình ngang nhiên xây dựng, cơi nới nay đã thành một căn nhà kiên cố. “Đấy là ngôi nhà do hộ gia đình ông Nhật xây dựng. Trước đây chỉ là căn lều gỗ, một chiều 2 mét, một chiều 3 mét. Mỗi năm họ xây thêm 1 tý, như năm ngoái bão vào họ lại xây cao lên, lợp mái, cơi nới diện tích thêm ra. Cứ để tốc độ này thì vài năm nữa sẽ thành tổ hợp công trình lớn”, anh Trung nói và cho hay: “Các nhà khoa học đến đây đều cho rằng, việc xây dựng nhà và có người sinh sống, nuôi trồng tại vùng lõi rừng sẽ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của khu rừng, có thể làm chết các loài thực vật hiện có, làm nhiễu loạn các loài chim bị đe dọa”.

Không những thế, theo phản ánh của một số người dân xung quanh, gia đình ông Nhật thường xuyên tổ chức các tour du lịch, chở khách vào khu Cồn Lu. “Những ngày cao điểm là cuối tuần và nghỉ lễ có khoảng 3, 4 thuyền thay nhau chở hàng trăm lượt khách/ngày ra Cồn Lu để du lịch. Các thuyền chở khách toàn là các thuyền đánh cá, kiểm định chỉ được chở 2 đến 3 người nhưng có khi họ trở hàng chục người trong đó có cả trẻ em mà không hề có áo phao và phao cứu sinh”, một người dân cho hay.

Người dân ở khu vực cũng cho biết, các khách du lịch không chỉ đi tham quan hệ sinh thái ở khu VQG mà còn có một số gia đình tự ý cắm trại từ sáng đến tối mịt để nghỉ ngơi, ăn chơi. “Việc tổ chức du lịch tự phát, không có ai quản lý, không ai hướng dẫn được hơn 3 năm rồi. Khách du lịch đến lúc nào cũng được, về lúc nào cũng được — không có thời gian cụ thể. Nhiều đoàn khách sau khi tham quan về để lại nhiều rác thải như giấy rác, vỏ bánh kẹo, bao túi ni lông vứt ngập ngụa trên Cồn Lu, trôi lều phều dưới lòng sông Hồng”, người dân nói và cho biết hiện tại đang gần chạm mùa khô, nếu vào đúng mùa thì thực bì cỏ dày, cao ngang ngực người, chủ yếu là lá phi lao dễ cháy. “Chỉ cần 1 tàn thuốc lá của khách du lịch rơi xuống là vùng này sẽ bị cháy!”.

Không những thế, người dân cho biết cách đây mấy tháng, dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, tại khu vực gần Cồn Lu đã xảy ra 2 vụ khách xuống sông tắm, do sông sâu, nước chảy siết đã bị đuối nước. May sao, khi sự việc xảy ra, lực lượng kiểm lâm và biên phòng ở gần nên cứu vớt được. Các đây 3 năm cũng đã có mấy người chết do đuối nước.

Cũng theo anh Trung, thời gian qua lực lượng kiểm lâm và người dân đã phản ánh lên cơ quan chức năng như UBND xã Giao Thiện, Ban Quản lý VQG Xuân Thủy nhưng không có nơi nào để ý, để mặc tình trạng trên diễn ra.

Thừa nhận nhưng chưa có giải pháp

Ngay sau khi nắm được thông tin, mang thắc mắc của người dân, phóng viên đến gặp lãnh đạo Ban Quản lý VQG Xuân Thủy. Đón tiếp chúng tôi là ông Nguyễn Phúc Hội — Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG Xuân Thủy.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, liên quan công trình kiên cố được xây dựng ngay tại lõi rừng, ông Hội thừa nhận là có. Tuy nhiên ông phân trần: “Cái nhà này có từ lâu đời rồi, trước đây nó nhỏ sau này có mở rộng thêm tí nữa. Cái này về phía Vườn đã giao cho ông Nhật quản lý trông coi. Vừa qua có nâng cao thêm 1 tí là đúng có”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 12/6/2017, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã ký Hợp đồng số 03/HĐKTCĐVQG với ông Đinh Văn Nhật về việc giao nhận khoán bảo vệ rừng, trông coi Đài quan sát Cồn Ngạn, kết hợp kinh doanh thương mại tại khu đất rừng ngập mặn ở bên ngoài trạm bảo vệ tài nguyên – môi trường Cồn Ngạn thuộc Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ.

Tại Điều 4 của Bản Hợp đồng giữa hai bên có nêu nghĩa vụ của chủ hộ nhận khoán bảo vệ rừng: “Được phép xây dựng các chòi, lán tạm thời (bằng: tranh, tre, nứa, gỗ…) ở vị trí thuận lợi cho việc kinh doanh trong diện tích được giao, nhưng không ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, môi trường và an ninh trật tự chung… Không được lấn chiếm ra ngoài diện tích giao. Không xây dựng công trình kiên cố; Khi có bất cứ thay đổi nào về kiến trúc/ tôn tạo xây dựng dịch vụ… phải trình báo ngay cho bên A (BQL VQG Xuân Thủy — PV)”.

Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên, công trình hiện tại được xây dựng bằng vật liệu xi măng, lợp bằng mái tôn (!). Trước sai phạm tại VQG Xuân Thủy đang gây nhiều bức xúc cho người dân về sự buông lỏng quản lý rừng của các cấp quản lý nơi đây, Báo PLVN đề nghị các cơ quan chức năng của UBND tỉnh Nam Định kiểm tra và xử lý nghiêm minh.

VQG Xuân Thủy là nơi dừng chân và trú đông quan trọng của các loài chim nước di cư. Qua các đợt khảo sát năm 1988 và năm 1994 đã quan sát được trên 20.000 cá thể chim nước trong khu vực. Trong mùa xuân năm 1996, có khoảng trên 33.000 con chim biển qua lại Khu vực VQG. Nơi đây, thường xuyên ghi nhận 9 loài chim bị đe dọa và sắp bị đe dọa ở mức toàn cầu, đó là: Cò thìa, Cò trắng Trung Quốc, Choắt lớn mỏ vàng, Mòng bể mỏ ngắn, Bồ nông chân xám, Rẽ mỏ thìa, Giang sen, Choắt chân màng lớn và Te vàng.


TOP