Nam Trực: Tái chế nhôm đang "bức tử" môi trường tại Bình Yên

Nam Trực: Tái chế nhôm đang “bức tử” môi trường tại Bình Yên

Làng nghề đúc nhôm tại thôn Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực, Nam Định) đang “bức tử” hầu hết các sông ngòi, kênh mương, nhiều ha ruộng vườn tại địa phương.

Đã hơn 20 năm, nghề đúc nhôm được du nhập về thôn Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực, Nam Định). Cái được mà nghề này mang lại đó là ngày càng nhiều hộ gia đình ở đây trở nên khá giả, song mặt trái của nó là môi trường nơi đây đang ngày càng bị “bức tử” bởi hầu hết các sông ngòi, kênh mương, nhiều ha ruộng vườn đã bị bỏ hoang vì ô nhiễm…

Sống chung với ô nhiễm

Về làng đúc, tái chế nhôm Bình Yên giữa tiết trời đông ngày cuối năm, chúng tôi nhớ lại cách đây hơn 10 năm về trước, con đường dẫn về làng thật đẹp, được bao quanh bởi hai bên cánh đồng lúa xanh mướt. Các nhánh mương dẫn ra con sông Nam Ninh Hải- con sông cấp nước tưới tiêu cho toàn bộ ruộng vườn hoa màu khu vực này rất trong…

Nhưng giờ đây, vẫn là con đường ấy, mặc dù đã được đổ bê tông cấp phối, nhưng đường về làng Bình Yên đã không còn đẹp bởi nhiều thửa ruộng đã bị bỏ hoang, hầu hết các nhánh kênh mương nước dẫn ra sông đã bị ô nhiễm, nước nhuốm màu (chỗ thì xanh rêu, chỗ thì đen, chỗ bạc trắng, chỗ thì đặc sệt màu vàng, bốc lên mùi hôi thối). Tất cả đều có nguồn gốc từ nghề đúc, tái chế nhôm gây ra.

Theo ông Trần Duy Liêm, cán bộ môi trường xã Nam Thanh, 100% nước thải từ sản xuất của các hộ sản xuất đúc, cán nhôm của thôn Bình Yên vẫn thải trực tiếp ra môi trường. Do vậy, toàn bộ nguồn nước từ các kênh, sông trên địa bàn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra, có khoảng 20 hec ta ruộng lúa của xã Nam Thanh đã bị bỏ hoang, không thể gieo cấy vì bị ngấm nước ô nhiễm.

Còn ông Bùi Văn Tĩnh- xóm 1, thôn Bình Yên chia sẻ, nghề đúc nhôm ở làng Bình Yên vốn không phải là nghề truyền thống, chỉ mới xuất hiện cách đây khoảng 20-30 năm. Tuy vậy, nghề này bén rễ rất nhanh, anh truyền cho em, hộ này truyền cho hộ kia, xóm trên truyền cho xóm dưới… nên giờ đây trong thôn gần như nhà nào cũng có xưởng cán, đúc nhôm, mỗi xóm, hộ là một công đoạn khác nhau, hàng trăm xưởng đúc nhôm nằm xen kẽ với khu dân cư.

Ban đầu, người dân đúc xoong, nồi nhưng nay chủ yếu là đúc thanh nhôm. Nhờ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thu lãi lớn nên nhiều hộ dân ở đây trở nên khá giả và giàu có. Song cái giá phải trả là sự ô nhiễm môi trường sống ngày càng trở nên nghiêm trọng: khói bụi từ sỉ than được đổ khắp các ngả đường, nước sông hồ ao chuôm thì đã từ lâu không có một sinh vật nào có thể sống được bởi hóa chất như crom, thuốc tẩy… không khí trong làng lúc nào cũng ngột ngạt bởi các lò đốt hoạt động liên tục 24/24 giờ.

Cụ Nguyễn Thị Xáo- một cao niên của thôn Bình Yên bức xúc: “Gia đình tôi không ai làm nghề này cả, nhưng do sinh ra trong làng nghề nên vẫn phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

Nhiều khi khói bụi của các lò đúc bên cạnh bay sang kết thành lớp dày đặc trên mái nhà, khi trời mưa xuống lượng hóa chất độc hại trên mái bị hòa tan có khi còn sủi bọt và có mùi rất khai, nếu rớt trúng tay còn gây phồng dộp. Vài năm trở lại đây, nhiều người dân trong làng đã có dấu hiệu của bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp và cũng không ít người bị mắc bệnh nan y”.

Biết độc hại vẫn làm

Với người dân Bình Yên giờ đây, có lẽ nói “không sợ chết” cũng đúng vì hàng ngàn con người vẫn miệt mài bám nghề, chấp nhận sống chung với sự ô nhiễm và độc hại từ nghề tái chế nhôm.

Tại một xưởng lớn chuyên đúc, cán thanh nhôm ở xóm Đông, thôn Bình Yên, khi được hỏi, một thợ chuyên nấu phôi nhôm buồn bã trả lời: “Làm việc ở đây nguy hiểm lắm, suốt ngày phải tiếp xúc với lửa nhiệt độ cao, khói bụi nghi ngút, thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa nhôm, trong khi đó lại không có bảo hộ lao động nên hầu như ai cũng bị ảnh hưởng. Nhưng biết sao được, nghề này tiền ngày công cao, từ 300.000 – 500.000 đồng/người, vì mưu sinh nên biết là độc hại đó nhưng vẫn chấp nhận làm, không ai muốn bỏ khi còn sức”.

Chủ tịch UBND xã Nam Thanh Nguyễn Văn Ngoãn cho rằng, Thôn Bình Yên có khoảng 600 hộ dân với khoảng gần 2.000 nhân khẩu, trong đó có 304 hộ làm nghề tái chế nhôm từ các phế thải như: vỏ lon bia, đồ uống đóng hộp để sản xuất chậu, mâm, xoong nồi…

Nghề này mang lại nguồn thu nhập khá ổn định và việc làm cho hàng ngàn công nhân. Tuy vậy, hệ lụy của nó là môi trường khí, nước ở đây ngày càng trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sức khỏe người dân. Thực tế, để giải quyết vấn đề môi trường tại làng nghề Bình Yên, nhiều dự án quản lý chất thải cũng như mô hình xử lý khí thải, nước thải đã được triển khai.

Năm 2013 tỉnh Nam Định đã đầu tư dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại làng nghề Bình Yên với tổng kinh phí 85 tỷ đồng. Dự án này bao gồm các hợp phần khu xử lý nước tập trung; hệ thống thu gom chất thải rắn…

Khi hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động sẽ đạt công suất 500m3 nước/ngày đêm, bảo đảm xử lý tối đa lượng nước thải ra của làng nghề. Tuy vậy, do hệ thống xử lý nước thải sản xuất mới đang trong quá trình chạy thử nghiệm, vấn đề bảo vệ môi trường ở đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

“Trước mắt, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng cơ khí đúc nhôm Bình Yên, chúng tôi đã thành lập tổ đội thu gom rác thải rắn, chính quyền xã và các đoàn thể chính trị xã hội cũng thường xuyên tiến hành tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành luật bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh.

Về lâu dài, chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp Bình Yên để di chuyển hộ sản xuất ra cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra theo dõi và xử lý khi hộ sản xuất vi phạm”, Chủ tịch UBND xã Nam Thanh Nguyễn Văn Ngoãn khẳng định./.

Diệu Thúy/TTXVN


TOP