Nguyễn Văn Trí (Nam Định): Từ cậu bé gan lì đến HCV pencak silat ASIAD

Nguyễn Văn Trí (Nam Định): Từ cậu bé gan lì đến HCV pencak silat ASIAD

Nguyễn Văn Trí, nhà vô địch pencak silat tại SEA Games 2017, đã tiếp tục tỏa sáng tại kỳ ASIAD 18 với HCV hạng cân 95 kg sau khi vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách.

Pencak silat là bộ môn võ truyền thống của quần đảo Mã Lai gồm 3 nước Indonesia, Malaysia và Philippines. Tại Việt Nam, pencak silat đã không còn xa lạ gì khi nhiều võ sĩ nước nhà không ít lần vô địch ở những giải đấu quốc tế thuộc nhiều cấp độ.

Theo trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn, pencak silat Việt Nam thậm chí đã khẳng định tên tuổi ở đẳng cấp thế giới.

Gần đây nhất, Việt Nam giành được 3 tấm HCV pencak silat tại SEA Games 2017 trên đất Malaysia. Người “chốt sổ” giúp đoàn Việt Nam hoàn tất cú hat-trick vàng tại bộ môn này là VĐV Nguyễn Văn Trí, võ sĩ thi đấu ở hạng cân “khổng lồ” 90 kg.

Chàng trai sinh năm 1994 này là người hùng của pencak silat Việt Nam cách đây một năm, và giờ đã hoàn thành giấc mơ tái hiện thành tích ấy trên đất Indonesia vào cuối tháng 8 này.

Đứa trẻ lì đòn

Ông Nguyễn Văn Thi, bố của Trí, kể ngay từ nhỏ cậu con trai của ông đã rất lì đòn, gan dạ dù vô cùng hiền lành, nghe lời bố mẹ. Trí luôn ham thích và sớm thể hiện khả năng chơi thể thao khi đi học. Anh thường xuyên đạt giải nhất trong những bộ môn thi chạy, kéo co của hội làng Ngọc Tiên tại quê hương Nam Định.

Những năm 2000, Trí theo bố lên Hà Nội. Khi đi qua huyện Từ Liêm thấy các anh chị hăng say chăm chỉ tập thể thao, Trí năn nỉ bố sau này cũng cho anh đi tập luyện. Trí một khi đã quyết tâm gì là sẽ làm bằng được, không bao giờ chịu bỏ cuộc.

Bằng chứng là sau đó, Trí có cơ hội đến với thể thao chuyên nghiệp và quyết tâm theo đuổi đến tận bây giờ.

Nguyễn Văn Trí xuất sắc đánh bại đối thủ Malaysia để giành tấm HCV tại ASIAD. Ảnh: Minh Chiến.

Sau khi thấy con trai thể hiện năng khiếu vận động và ham mê võ thuật, ông Thi đã nhờ một người quen trong Bộ Công an cho Trí đến với thể thao chuyên nghiệp, rồi sau đó học lên tiếp Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.

Trí lần lượt đi đánh giải trẻ ở Tiền Giang, Nam Định và mang về những tấm huy chương đầu tiên. Cậu con út trở thành niềm tự hào của gia đình. Có những lần cả ông bà, bố mẹ Trí, người thân và bạn bè thuê hẳn chiếc ôtô 29 chỗ từ Nam Định lên Hà Nội để tận mắt xem Trí thi đấu.

Nhà vô địch SEA Games dũng mãnh

Khỏe mạnh là thế, Trí cũng không thể tránh khỏi những lúc chấn thương khi theo nghề võ. Năm 2015, anh gặp chấn thương ở đầu gối khi đang tập luyện cho giải vô địch Đông Nam Á, phải mất một tháng mới dần bình phục. Còn trên võ đài, không ít lần Trí bị đối thủ chơi xấu.

Tại trận chung kết SEA Games 2017, Trí thể hiện tinh thần thi đấu đầy quyết tâm khi tung ra nhiều đòn tấn công liên tục lấn át võ sĩ của Singapore. Tuy nhiên, Trí cũng bị đối thủ chơi xấu bằng một cú đánh vào mạng sườn khiến anh ngã ra sân, mất vài giây sau mới có thể nén đau để tiếp tục thi đấu.

Cuối cùng, Trí vẫn đánh bại đối thủ một cách tâm phục khẩu phục trước khi cất tiếng hét vang giải tỏa áp lực, mang về HCV thứ 3 cho môn pencak silat nước nhà.

Nguyễn Văn Trí đánh bại đối thủ người Singapore để giành HCV tại SEA Games 2017. Ảnh: VTV.

SEA Games 2017 đã qua, dù lọt vào tới 9 trận chung kết, pencak silat Việt Nam chỉ có thể giành được 3 tấm HCV. Những con số này có lẽ không thể phản ánh được sức mạnh thực sự của đội tuyển khi câu chuyện trọng tài luôn là vấn nạn ở các kỳ SEA Games.

Pencak silat nằm trong số những môn có ảnh hưởng rất lớn từ các quyết định của trọng tài nên khó tránh khỏi những yếu tố cảm tính hay thiên vị cho chủ nhà. Tại SEA Games năm ngoái, hễ cứ có võ sĩ của Malaysia, trọng tài đều xử ép Việt Nam một cách thô thiển.

3 chiếc HCV của pencak silat Việt Nam tại Malaysia 2017 đều giành được từ những trận đấu đối kháng khi Việt Nam khẳng định được sức mạnh vượt trội khiến trọng tài không thể chối cãi. “Nếu trọng tài điều hành đúng mực, chúng ta đã có ít nhất 5 HCV”, HLV trưởng ĐTQG pencak silat Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Khó khăn và vinh quang tại ASIAD 18

Thật “tình cờ”, tại kỳ Á vận hội thể thao được tổ chức ở Indonesia, cả 3 nội dung vô địch SEA Games của Việt Nam năm ngoái đều bị chủ nhà “cắt giảm”. Nhìn lại lịch sử, nội dung pencak silat ở châu Á thường có khoảng 15-17 quốc gia tham dự.

Nhưng để xếp thứ hạng, chỉ Indonesia và Việt Nam đủ sức cạnh tranh ngôi đầu. Không có gì khó hiểu khi nước bạn cố tình “gây khó” cho chúng ta đến thế. Đó là lý do dù pencak silat Việt Nam được đánh giá cao, HLV trưởng Nguyễn Văn Hùng vẫn nói: “Khi các VĐV Việt Nam không được thi đấu đúng nội dung sở trường, chúng tôi chỉ có thể đặt ra chỉ tiêu giành một HCV tại ASIAD lần này”.

Nguyễn Văn Trí tập luyện miệt mài chuẩn bị cho kỳ ASIAD 18. Ảnh: Minh Chiến.

Trước thử thách này, HLV Nguyễn Văn Hùng và các học trò buộc phải tìm cách tháo gỡ. Những VĐV vô địch SEA Games năm ngoái đều phải tăng cân cho đủ điều kiện tham dự ASIAD.

Ở hạng cân 90 kg, Nguyễn Văn Trí phải tăng thêm 5 kg nữa để thi đấu ở hạng cân 95 kg, nhường hạng cân 90 kg cho VĐV Nguyễn Duy Tuyến (từ 80 kg đôn lên 90 kg).

Trong trận đấu chung kết hết sức cam go ngày 29/8 trên đất Indonesia, cả Trí và võ sĩ Yaacob Khaizul của Malaysia đều cho thấy sự quyết tâm máu lửa để mang về tấm HCV đầu tiên cho pencak silat nước nhà tại đấu trường ASIAD năm nay.

Tuy nhiên, Yaacob Khaizul lại tỏ ra thiếu tinh thần thượng võ khi không ít lần giơ chân đá vào lưng, đánh thẳng vào mặt khiến Trí đổ máu, nhiều lần choáng váng nằm sân. Đã có những khoảnh khắc nét lo lắng, căng thẳng xuất hiện trên gương mặt của HLV Nguyễn Văn Hùng.

Cuối cùng, bằng ý chí chiến đấu và tinh thần thép, Trí đã xuất sắc mang về tấm HCV đầu tiên cho pencak silat Việt Nam tại ASIAD 2018 và cũng là HCV thứ 3 cho thể thao Việt Nam. Sau rất nhiều ngày bị xử ép, pencak silat Việt Nam cũng được nở nụ cười chiến thắng.

Sau vinh quang vẫn là gia đình

Tập luyện vất vả trên Hà Nội là thế nhưng mỗi lần về thăm quê, Trí đều xắn tay theo bố đi làm. “Bà nội có lần mắng sao nó về nhà không cho nghỉ ngơi mà bắt nó làm, nhưng có ai bắt ép nó đâu. Cứ thấy bố xách đồ ra ngoài đường làm việc là nó lại bỏ hết xe cộ, túi xách để đi theo. Nó nói muốn làm cùng bố chứ không cần nghỉ ngơi”, bố của Trí chia sẻ.

Trong mắt ông Thi, Trí luôn là đứa con hiếu thảo và gan dạ. Trong gia đình, Trí là con út, anh có một người anh trai nhưng không theo nghiệp thể thao mà đã có nhiều năm theo đuổi ngành y dược và đang học lên thạc sĩ trên Sơn La.

Bố của Trí kể chẳng kỳ vọng gì nhiều, chỉ mong con trai út cố gắng tập luyện, vì “đây là nghề nghiệp, nó đang vào độ chín, chỉ biết động viên nó nỗ lực để thành công”. Còn sau đó, tâm nguyện của ông Thi là chỉ mong sao “hai cậu con trai mau chóng lấy vợ sinh con, đừng để lâu quá bố mẹ sốt ruột”.

Bước lên võ đài ASIAD 2018, Trí đã đưa vinh quang về cho tổ quốc, để lá cờ đỏ sao vàng tung bay ở ngôi vị cao nhất đấu trường sau bao nhiêu ngày khát khao chờ đợi của đoàn pencak silat Việt Nam.

Còn đối với những bậc sinh thành nơi quê nhà, đằng sau bao thành bại, nụ cười hay nước mắt, luôn là vòng tay chào đón Trí trở về, mãi mãi là đứa con bé bỏng.

Theo (news.zing.vn)


TOP