Nhọc nhằn nghề bán hàng hội chợ

Nhọc nhằn nghề bán hàng hội chợ

Những chuỗi ngày dài đằng đẵng xa nhà, hành lý mang theo lỉnh kỉnh với hàng hóa, đồ nghề, dãi nắng, dầm sương cùng cơm niêu, nước lọ… là những phác thảo về cuộc sống của những người làm nghề bán hàng hội chợ, điều mà khách hàng không mấy khi biết đằng sau những lời rao hàng ngọt lịm, thu hút, đon đả của họ giữa vô vàn hàng hóa màu sắc bắt mắt của các gian hàng hội chợ.

Từ nhiều năm nay, Hội chợ thương mại được đơn vị tổ chức thuê các nhà kinh doanh dịch vụ tổ chức sự kiện đảm nhận toàn bộ khâu khánh tiết, lắp đặt gian hàng và một phần mời gọi doanh nghiệp tham gia hội chợ. Do đó việc tổ chức hội chợ được thường xuyên hơn và đối tượng đăng ký gian hàng cũng mở rộng, đơn giản hơn so với trước đây. Thêm vào đó, đối với người tiêu dùng, việc đi hội chợ cũng là thú vui, kết hợp mua sắm, giải trí để thay đổi không khí nên số người đến hội chợ ngày càng đông. Những đơn vị có sản phẩm tham gia hội chợ do không thể bố trí đủ nhân sự đi theo để bán hàng nên thường thuê tại địa bàn tổ chức.
Bán hàng hội chợ ngày càng phổ biến, đã trở thành một nghề với đầy đủ những thăng trầm, lời lãi, kỹ năng bán hàng và không ít vất vả mưu sinh. Gia đình anh Trần Văn Trắc, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) “có duyên” với nghề bán hàng hội chợ do sinh ra ở vùng đất có lễ hội chợ Viềng hằng năm. Hàng của anh là các loại đồ thủ công mỹ nghệ từ sành sứ, đồ gỗ, đến đồ đồng với những món đồ nhỏ như bình bát, tam đa, hình nộm 12 con giáp rồi tranh, ảnh tứ quý…
Ngoài hội làng, anh còn mang hàng hóa đi bán tại các lễ hội khác trên địa bàn tỉnh. Nhưng thời gian bán hàng cũng chỉ được vài ba tháng trong năm, thời gian còn lại, hàng hóa xếp gọn chờ đến mùa hội sau nên hiệu quả kinh tế không cao.
Nắm bắt được xu hướng tổ chức hội chợ thường xuyên của các địa phương, sẵn có kinh nghiệm, anh đã đăng ký mang hàng đến bày bán tại Hội chợ thương mại tổ chức thường niên tại Quảng trường Hòa Bình (TP Nam Định).

Thật bất ngờ ngay trong kỳ hội chợ đầu tiên, các mặt hàng của anh được người tiêu dùng tham quan, mua sắm rất đông bởi hầu hết hàng hóa đều được lấy từ các làng nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh sản xuất nên được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Thêm vào đó anh cũng nhận ra rằng tâm lý khách hàng đi hội chợ không ai ra về tay không nên đây là cơ hội bán hàng tốt đối với anh. Vậy là cứ “đến hẹn lại lên”, mỗi năm anh rong ruổi mang hàng hóa theo các lễ hội trong vùng, rồi hội chợ thương mại của tỉnh tổ chức và “vui chân” tham gia luôn các hội chợ thương mại do các tỉnh bạn tổ chức. Cách làm này giúp anh có được cơ hội kiếm tiền nhiều hơn để trang trải cuộc sống gia đình.

Tuy nhiên để mưu sinh thành công nay đây mai đó nơi đất khách quê người với “thân cô, thế cô” lại lỉnh kỉnh hàng hóa, tiền nong, anh cũng trải qua không ít gian truân. Trong câu chuyện với chúng tôi anh cho biết: Bán hàng ở hội chợ khác với bán hàng cố định một chỗ hay tại nhà mình. Điều đầu tiên phải nhanh nhẹn và rèn luyện kỹ năng chào mời khách hàng. Đây là cách quảng bá sản phẩm rất tốt và ngay lập tức thu hút khách hàng. Rồi phải tạo sự chú ý của khách hàng bằng một vài sản phẩm đặc trưng.

Từ kỹ năng giới thiệu sản phẩm hoặc “trì hoãn câu giờ” bằng các động tác chậm khi thao tác thử sản phẩm để khách lưu lại gian hàng mình lâu hơn, tạo cảm giác cửa hàng lúc nào cũng đông khách đến xử lý khi khách đồng ý mua hàng lại phải thật nhanh tay đóng gói tránh để khách phân vân đổi ý khi thấy các gian hàng khác. Đồng thời luôn gợi mở thêm nhu cầu cho khách hàng, để họ sử dụng thêm các sản phẩm khác của mình… Ngần ấy công đoạn, thao tác chỉ một mình “độc diễn” từ khoảng 9h sáng đến đêm khuya; nhiều khi đông khách, cơm không kịp ăn, nước cũng chẳng kịp uống, sinh hoạt cá nhân vỏn vẹn trong mấy mét vuông gian hàng, đến ngủ cũng không được thẳng lưng, chỉ lo gom tiền bán hàng đi gửi vào tài khoản cho thật an toàn mới yên tâm chợp mắt để mai lại tiếp tục công việc bán buôn. Thâm niên 7 năm bán hàng hội chợ đã cho anh Trắc những kinh nghiệm quý giá tham gia bán hàng hội chợ…

Quầy hàng đồ gia dụng luôn thu hút đông đảo khách hàng tham quan mua sắm.

Quầy hàng đồ gia dụng luôn thu hút đông đảo khách hàng tham quan mua sắm.

Trong khuôn viên Hội chợ Công nghiệp – Thương mại – Du lịch Nam Định 2016, gia đình bà Trần Thị Tú, phường Trường Thi (TP Nam Định) đang nhanh tay bán chả cá, xúc xích, bò viên, xoài dầm, kẹo mút, kem bông… vui vẻ cho biết: Gia đình tôi có 4 người đều theo bán hàng ăn vặt này, mỗi người một gánh hàng đứng đầu chợ, cuối chợ đến tận đêm khuya mới về nhà. Rồi lại lo chuẩn bị nguyên liệu cho buổi bán ngày sau nên rất vất vả nhưng bù lại bán được nhiều hàng. Bán ở hội chợ người mua không chú ý nhiều đến chất lượng mà chủ yếu là chiều theo ý thích của trẻ con nên cũng dễ kiếm tiền.
Chỉ có điều tuổi cao lại đứng suốt ngày giữa nắng gió, sương đêm không đảm bảo sức khỏe. Hơn nữa bán buôn có một mình vừa lo thu tiền, lo bán hàng, nhiều khi gặp bọn trẻ nghịch ngợm nhanh tay nhanh mắt là “mất cả chì lẫn chài”.

Ở các hội chợ còn rất nhiều người bán hàng đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ hay các tỉnh cực Bắc xa xôi. Gian hàng của gia đình ông Nguyễn Thành Trung đến từ tỉnh Tiền Giang. Ông cho biết, gia đình ông chuyên cung ứng cây giống đặc sản như: mít, cam, bưởi, mận, nho… tại các hội chợ từ 13 năm nay. Vì số lượng hàng lớn, lại vận chuyển xa và còn chăm sóc cây giống trong suốt thời gian tham gia hội chợ nên ông luôn đi cùng bà nhà hoặc anh con trai để đỡ đần nhau, sẻ chia công việc. Một người bán hàng thì người khác phải chăm cây con, đi chợ nấu cơm ăn cho đảm bảo sức khỏe chứ không quanh năm ngày tháng cứ các Cty tổ chức sự kiện báo có hội chợ là ông lại đi theo suốt từ tỉnh này sang tỉnh khác lấy đâu ra sức mà làm. Ông cũng chỉ cố vài năm nữa cho các cháu lớn hẳn rồi nhường chỗ cho vợ chồng cháu trai đảm đương. Hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với bán hàng tại nhà nhưng cuộc sống hội chợ nhiều khi thấy xô bồ quá. Việc này chỉ phù hợp với sức trẻ.

Không khó để nghe hết những lời tâm sự về cuộc sống riêng hay những khó khăn trong làm ăn, buôn bán của những người mưu sinh cùng hội chợ bởi tính hiếu khách, cười vui, đon đả, nhiệt tình với khách hàng mãi rồi cũng trở thành nếp sống hằng ngày của họ. Hàng trăm gian hàng là hàng trăm câu chuyện riêng về cuộc sống mưu sinh với đầy đủ vui buồn giữa bộn bề cuộc sống./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương – Baonamdinh.vn


TOP