Nam Định tìm đầu ra ổn định cho nông sản

Nam Định tìm đầu ra ổn định cho nông sản

Nam Định không chỉ nổi tiếng với “thành phố dệt”, mà còn được biết đến với nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị như gạo bắc thơm, ngao Giao Thủy, chả cá Hùng Vương… Nhưng do tổ chức sản xuất, quảng bá thương hiệu, hợp tác, kết nối tiêu thụ còn hạn chế nên đầu ra cho nông sản còn khó khăn, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, liên kết để khẳng định thế mạnh của nông sản, thực phẩm địa phương.

Nhờ chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu, thu nhập của bà con nông dân ở thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng, Nam Định) được nâng lên, nhiều hộ vươn lên khá và giàu.

Nhờ chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu, thu nhập của bà con nông dân ở thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng, Nam Định) được nâng lên, nhiều hộ vươn lên khá và giàu.

Sản xuất – tiêu thụ chưa ăn ý

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: vùng nguyên liệu lạc, khoai tây, rau ở Ý Yên, Vụ Bản, Giao Thủy, Mỹ Lộc; vùng lúa đặc sản ở Hải Hậu, Xuân Trường; vùng hoa cây cảnh ở Nam Trực, Mỹ Lộc… Nhất là vùng nuôi trồng thủy, hải sản ở các huyện ven biển.

Theo Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nam Định Trần Ngọc Chính, hiện các vùng sản xuất hàng hóa của tỉnh đã hình thành, nhưng việc hợp tác, kết nối tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Nguyên nhân là do các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít, doanh nghiệp chưa thật sự trở thành “bà đỡ” sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn có quy mô nhỏ lẻ, thiếu chủ động đổi mới dây chuyền công nghệ, phương thức sản xuất, quản lý, tiếp cận thị trường, chưa quan tâm nhiều đến thương hiệu và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Trong khi sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ cao, nhiều loại nông sản được thu hoạch trong thời gian ngắn, do vậy việc điều tiết nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gặp khó khăn, bất cập, không đáp ứng được các điều khoản hợp đồng tiêu thụ ổn định với các đơn vị chế biến, hay cung ứng cho các siêu thị lớn.

Mặt khác, nông dân do có tập quán “ăn xổi”, sản phẩm làm ra tiêu thụ ngay dưới dạng nguyên liệu thô. Với các sản phẩm tươi, sống khó bảo quản, nếu nội dung hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân thiếu chặt chẽ, thiếu các biện pháp, chế tài xử lý, nhà nông sẵn sàng bán sản phẩm qua tư thương khi được giá. Từ đó dẫn đến tình trạng vi phạm hợp đồng, gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm.

Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân Trần Quốc Toản cho biết, để đáp ứng số lượng gạo cho các đối tác, công ty thu mua của nông dân với số lượng nhất định, nhưng khi giá thị trường cao hơn, một số hộ dân sẵn sàng bán gạo ra ngoài cho thương lái. Mặc dù vậy, công ty chưa có chế tài để xử phạt. Ông Nguyễn Văn Toán, chủ trang trại nuôi lợn ở huyện Xuân Trường, cho biết, hiện sản phẩm của trang trại cung cấp chủ yếu ra TP Hà Nội, Hải Phòng, với số lượng còn khiêm tốn. Để các trang trại phát huy hiệu quả, đề nghị tỉnh hỗ trợ về vốn mở rộng quy mô sản xuất, cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tập trung…

Chất lượng sản phẩm thiếu ổn định
Theo Chi cục trưởng Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nam Định Trần Xuân Lại, tình trạng vi phạm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) còn cao. Trong ba quý đầu năm 2016, Chi cục đã lấy 408 mẫu giám sát các chỉ tiêu về bảo đảm ATTP trên rau, thịt, thủy sản, có một mẫu tôm thẻ chân trắng phát hiện dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép; sáu mẫu thịt dương tính với chất cấm…

Nguyên nhân một phần là do công nghệ chế biến thực phẩm thủ công, lạc hậu, gói gọn ở quy mô hộ gia đình, vì vậy điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn hẹp gây khó khăn cho công tác bảo đảm ATTP. Đồng thời, việc quản lý ATTP theo chuỗi từ trang trại tới bàn ăn còn vướng mắc, nhất là khâu thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu của sản phẩm. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng ATTP của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao. Người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận trước mắt, chưa quan tâm quyền lợi của người tiêu dùng. Trong quá trình sản xuất, người dân vẫn chưa quan tâm tới chất lượng, khi vật nuôi bị bệnh thường tự mua thuốc kháng sinh về chữa với liều lượng quá cao, hoặc phun các loại thuốc bảo vệ thực vật quá liều bảo vệ cây trồng, dẫn tới tồn dư chất kháng sinh trong các sản phẩm nông nghiệp. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất và tiêu dùng chân chính, mà về lâu dài còn làm ảnh hưởng đến môi trường nói chung và môi trường đất, nước để trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nói riêng.

Quy hoạch lại vùng sản xuất
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga cho biết, để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho một số mặt hàng đã được người tiêu dùng đón nhận, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn, nhất là quy hoạch phát triển các ngành hàng chủ yếu gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và lợi thế của mỗi địa phương, tạo bước đột phá trong cơ cấu sản phẩm riêng biệt. Mặt khác, tỉnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng nhãn hiệu, tạo dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp quảng bá và xúc tiến thương mại. Tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao để chuyển dịch nhanh, toàn diện cơ cấu cây trồng, vật nuôi hàng hóa; phát triển nhanh cơ giới hóa sản xuất, nhân rộng nhanh các mô hình kinh tế hợp tác và mô hình liên kết chuỗi giá trị có hiệu quả; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền công nghệ để sản xuất sản phẩm chất lượng cao, doanh nghiệp thật sự đóng vai trò trung tâm kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân.

Ngoài ra, Nam Định sẽ phát triển nhanh các mô hình liên kết cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo ngành hàng, nhằm tạo ra những mặt hàng có chất lượng cao, số lượng lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường công tác thu thập, tổng hợp, phân tích và cung cấp thông tin trong và ngoài nước liên quan đến thương mại nông nghiệp, từ đó phục vụ công tác tư vấn người sản xuất, doanh nghiệp địa phương lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu của vùng, miền để giới thiệu đẩy mạnh hợp tác tiêu thụ tại các tỉnh khác.

Đối với Thủ đô Hà Nội, thị trường tiêu thụ lớn với gần 10 triệu dân, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga khẳng định: “Việc kết nối giữa doanh nghiệp Nam Định và Hà Nội còn nhiều hạn chế, hiện hai địa phương đều thiếu thông tin, cho nên các ngành chức năng của tỉnh sẽ thường xuyên cung cấp thông tin về sản phẩm, chủng loại cũng như khả năng cung ứng của doanh nghiệp trên địa bàn cho ngành thương mại Hà Nội biết và đẩy mạnh kết nối, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm”.
Những năm qua, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản của tỉnh Nam Định từng bước được đầu tư nâng cấp, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa cũng như công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp tỉnh Nam Định đầu tư vào nông nghiệp.

Ngọc Quỳnh – Nhandan.com.vn


TOP