Múa rối Đầu Gỗ - Nét văn hoá đặc sắc trong lễ hội chùa Đại Bi

Múa rối Đầu Gỗ – Nét văn hoá đặc sắc trong lễ hội chùa Đại Bi

Từ ngày 20 đến 23 tháng Giêng âm lịch, chùa Đại Bi thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực vào lễ hội truyền thống, đây là lễ hội thường niên với nhiều hoạt động lễ hội phong phú đặc sắc mang đậm nét cổ truyền dân tộc.
 Lễ hội ngoài các nghi thức tế lễ còn đặc biệt với màn hát múa rối hầu thánh trong nội tự. Đây là trò múa rối độc đáo bậc nhất trong các trò rối cạn ở Việt Nam, cũng là trò kịch nghệ dân gian có màu sắc huyền thoại tên chữ gọi là trò “Ổi lỗi”.
Một số hình ảnh hát múa rối đầu gỗ:
 Các con rối của các kiểu rối cạn khác thì gọi là “quân rối” hay “con trò”, riêng quân rối của trò Ổi lỗi được gọi là “Thánh tượng”. Mỗi khi lấy tượng ra biểu diễn (thường ngày cất trong hòm ở giữa chùa, sau gian chính thờ Phật), các cụ phường rối phải áo the khăn xếp, thắp hương cúng lễ cẩn thận.
 “Áo mặc” cho “thánh tượng” gọi là “the”, vừa là phủ từ cổ tượng trở xuống, vừa che tay người cầm luôn. Khi biểu diễn thì các cụ mắc tấm màn che vào hai cây cột giữa tiền đường trong lòng chùa.
 Người cầm rối múa, hát, gõ nhạc cụ đứng sau tấm màn, mặt quay về phía ban thờ Phật và ban thờ đức thánh Từ Đạo Hạnh (thế nên mới gọi là múa rối hầu thánh, mục đích là để “thánh xem” chứ không phải chỉ cho “người xem”).
 Một năm hát múa rối đầu gỗ chỉ biểu diễn 4 lần, vào đêm Giao thừa, và 3 đêm lễ hội, mỗi lần biểu diễn từ 5-6 tiếng, bắt đầu lúc 7 h tối và kết thúc vào 12 h đêm. Phường rối đầu gỗ có 52 người, của ba thôn Vân Chàng (anh cả), Giáp Tư (anh hai) và Giáp Ba (em út).
Trung tâm TTXT du lịch


TOP