Thịt chó làm nóng cộng đồng mạng

Thịt chó làm nóng cộng đồng mạng

– Các nghị sĩ Mỹ hôm 12-9 theo giờ Mỹ đã nhất trí với dự luật cấm giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo, đồng thời kêu gọi các nước khác, trong đó có Việt Nam, chấm dứt hành động này. Trước đó, chính quyền thủ đô Hà Nội cũng có văn bản mang tính khuyến cáo người dân nên hạn chế và dần từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo.

Nếu trên Facebook có nhóm ủng hộ không ăn thịt chó, mèo thì cũng có không ít nhóm ủng hộ ăn thịt chó.

Hôm 10-9, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ban hành Công văn số 4170/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố.

Nội dung chính của văn bản này là đề cập quản lý nuôi và giết mổ để phòng tránh nguy cơ từ những căn bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả… nhưng văn bản cũng nhắc tới định hướng tuyên truyền làm thay đổi thói quen sử dụng thịt chó, mèo trong một bộ phần dân cư. Trong văn bản, chính quyền Hà Nội cũng nhận định “việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo đã tạo ra những phản cảm đối với khách tham quan du lịch, du khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một thủ đô văn minh, hiện đại”.

Cộng đồng mạng bắt đầu nóng lên khi ngày 13-9, một tờ báo mạng có bài viết “Phó ban Tuyên Giáo Hà Nội: Tôi cũng ăn thịt chó, nhưng rất ít”. Bài báo này được dẫn links nhiều trên mạng xã hội Facebook với nhiều bình luận trái chiều xung quanh câu chuyện ăn thịt chó. Theo tờ báo này thì ông Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ủng hộ việc vận động người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó. Tuy nhiên, ông nhận định đây là việc khó, cần phải có lộ trình, bởi ngay cá nhân ông cũng có lúc vẫn ăn thịt chó.

Không bình luận (comment) chỉ báo mạng mà trên mạng xã hội cũng nổ ra tranh luận dữ dội, một bên ủng hộ cấm kinh doanh giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo; một bên thì bảo ai thích thì ăn, quan trọng là an toàn vệ sinh thực phẩm và bên thứ ba có vẻ trung dung hơn bằng cách vận động để người dân từ bỏ thói quen.

Có người xưng là nhà xã hội học cho rằng kêu gọi người dân bỏ thói quen ăn thịt chó không khả thi bởi với nhiều người Việt Nam, thịt chó đã thành văn hóa ẩm thực. Người này lập luận ăn thịt chó là “văn hoá chứ không phải là sự văn minh để so sánh với các nước phương Tây. Vì vậy, không cần phải chứng tỏ Việt Nam phải theo xu hướng thế giới hiện đại là không ăn thịt chó, mèo”.

Thậm chí có người được cho là tiến sĩ về văn hóa, đã luận trên báo rằng mỗi nơi có một phong tục khác nhau. “Thịt chó là phong tục của Việt Nam”, vị tiến sĩ văn hóa này khẳng định.

Một người có tên Trần Thắng đã bình luận: “Tôi thấy xã hội còn bao vấn đề cần giải quyết chứ đâu phải mấy chuyện lãng xẹt như thịt chó, chọi trâu, chém lợn… Văn minh là không thể cấm bán thịt chó. Văn minh cần nhất bây giờ là làm sao mà để ở Hà Nội tuyến phố nào cũng có cửa hàng treo biển WC Free cho khách du lịch, không xả rác, giao thông biết dừng lại nhường đường cho người đi bộ, nơi công cộng biết xếp hàng… Thay bằng cấm thì quy định khu giết mổ mua bán, ăn uống kín đáo ít gây phản cảm cho khách cả Tây và ta. Còn thu hút khách thì Hà Nội còn nhiều việc đáng làm và cần làm hơn nhiều như: Chấp hành luật giao thông, dẹp trộm cắp, cải tiến thật tốt cách làm việc của cán bộ ở cơ quan công quyền, không cãi chửi nhau ngoài đường… Nói chung là cần tập trung nâng cao văn hóa cộng đồng, văn hóa công sở, văn hóa học đường”.

Câu chuyện giết mổ và ăn thịt chó, mèo không phải bây giờ mà nhiều năm trước, báo chí và cộng đồng mạng cũng từng nổ ra tranh luận dữ dội với nhiều “phe” và lần này cũng tương tự, nhưng dù nhiều hay ít “phe” thì ai cũng công nhận tiêu thụ thịt chó, mèo, hay nói khác hơn là số lượng người ăn thịt chó, mèo trong cộng đồng ngày càng giảm.

THeo (thesaigontimes.vn)


TOP