Nỗi lòng cô gái trẻ phải trả giá vì sống gấp

Nỗi lòng cô gái trẻ phải trả giá vì sống gấp

Chỉ đến khi nhận mức án không hẹn ngày về, Lã Thị Mai Anh, SN 1989 ở Hải Hậu, Nam Định mới cảm thấy ân hận mỗi khi hay tin người mẹ nơi quê nhà đau ốm. Mai Anh thừa nhận mình là đứa con bất hiếu, đã không giúp gì được cho mẹ mà còn chất lên đôi vai gầy yếu của bà gánh nặng nuôi cháu, nuôi con.
Đi tù vì ma túy

“Gần chục năm nay mẹ giống như một người chăm sóc con tôi. Cứ nghĩ cảnh mẹ già rồi vẫn phải ngày ngày lo kiếm tiền nuôi con và gửi quà cho tôi, tôi ân hận lắm”, Mai Anh tâm sự. Nữ phạm nhân này thừa nhận mình là đứa con bất hiếu và giờ chỉ có một mong ước là mẹ khỏe mạnh để kịp về báo hiếu.

So với tuổi, Mai Anh khá trẻ nhưng đôi mắt buồn xa xăm. Nhất là khi nhắc đến đứa con nhỏ ở nhà và người mẹ già yếu, cô lại ôm mặt khóc. Mai Anh bảo phạm tội do hoàn cảnh xô đẩy và vì lý do tế nhị không thể nói ra. Nhưng cuối cùng chị ta cũng thành thật: “Tại tôi thích hưởng thụ, không chịu thương chịu khó như nhiều người phụ nữ khác”.

Theo lời nữ phạm nhân này thì năm Mai Anh 7 tuổi, bố qua đời vì bạo bệnh, một mình mẹ ở vậy nuôi 4 anh em. Thu nhập chỉ là những đồng lương công nhân ít ỏi, vậy mà bà vẫn xoay xở, ăn tiêu tằn tiện để mấy anh em cô không đứa nào thất học. Đáng ra phải chăm chỉ để không phụ công dưỡng dục của mẹ thì cô lại sớm bỏ học, theo chúng bạn đua đòi. Cô bảo, ngày đầu lên TP rửa bát thuê, cô chỉ nghĩ đơn giản là kiếm tiền tự nuôi thân để mẹ không phải lo…

Nhưng từ khi bập vào yêu thì mục đích dần thay đổi. Mai Anh sống cho bản thân nhiều hơn và rồi cô dính nghiện lúc nào không hay. Nói về điều này, Mai Anh bảo, lúc đầu chơi ma túy vì tò mò, sau thì vì sĩ diện và đến khi phụ thuộc vào ma túy thì cô trở thành gái bao. Để có tiền ăn chơi và sử dụng ma túy, Mai Anh gia nhập đội quân bán lẻ ma túy nhưng khi cảm thấy tiền kiếm được quá bèo bọt, cô muốn làm ăn lớn nên trở thành đồng bọn cho những kẻ mua bán, vận chuyển ma túy. Năm 2010, Mai Anh bị bắt trong một đường dây đưa ma túy từ Móng Cái sang Trung Quốc.

Mỗi lần đưa heroin qua biên giới, cô lại đóng giả như người đi thăm thân và lần nào về cũng có một hộp quà gồm hoa quả, quần áo đem theo. Thực chất trong những thùng hàng ấy, lẫn trong hoa quả và quần áo là những gói ma túy tổng hợp. Bị bắt quả tang với 1kg ma túy đá và hơn 1.000 viên ma túy tổng hợp, Lã Thị Mai Anh bị kết án chung thân. Ôm bản án không hẹn ngày về, Mai Anh về trại giam số 5 cải tạo.

“Cuối năm 2011 tôi về trại giam số 5 cải tạo đến đầu năm 2017 thì được chuyển về trại giam Thanh Phong, lao động ở đội may mặc. Trước đây xa xôi, gia đình không có điều kiện thăm gặp nhưng từ ngày về trại Thanh Phong, khoảng cách có được rút ngắn nhưng cũng không đáng là bao nên mỗi năm tôi chỉ được gặp mẹ có một lần. Đấy cũng là sự cố gắng lắm rồi vì mẹ tôi tuổi cao sức yếu, trong người lại mang đủ thứ bệnh”, nữ phạm này kể.

Các nữ phạm nhân trại giam Thanh Phong trong giờ cải tạo lao động. Ảnh: N.Vũ

Và những ân hận, day dứt

Kể về cuộc đời mình, Mai Anh bảo rằng đến giờ nghĩ lại vẫn không hiểu tại sao lại đổ đốn đến vậy.
“Tôi đã từng có ước mơ kiếm tiền một cách lương thiện để có một ít vốn sau này về quê làm ăn và xây dựng gia đình. Đến khi sa chân vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, trong đầu tôi chỉ nghĩ tới những cuộc nhậu nhẹt chơi bời và thấy suy nghĩ về một gia đình thật là ấu trĩ. Cho tới khi tôi mang bầu rồi sinh con một mình, tôi mới hiểu ra rằng trong mọi cuộc vui, chỉ có đàn bà là thiệt thòi nhất. Ôm con về gửi mẹ, tôi đã khóc khi bắt gặp ánh mắt đau khổ của mẹ nhưng rồi cơn nghiện và lối sống thực dụng đã không cho tôi nghĩ nhiều đến mong ước quay về. Chỉ đến khi vào đây, tôi mới có thời gian nhìn nhận lại mình mà hối tiếc”, Mai Anh kể.

Mai Anh kể rằng người đàn ông từng nói lời yêu cô, biến cô trở thành mẹ rồi rũ bỏ trách nhiệm sau khi cô đi tù được 4 năm thì cũng bị bắt vì tội ma túy. Mai Anh biết điều đó qua lời kể của bạn tù. Cô bảo không còn hờn giận người đàn ông ấy bởi chuyện tình cảm không thể cưỡng cầu. Niềm quan tâm nhất của cô bây giờ chính là đứa con nhỏ và người mẹ già yếu.

“Cú sốc lớn nhất cuộc đời tôi chính là mẹ. Lần đó mẹ vào thăm tôi khi còn đang ở trại giam số 5. Đó là lần đầu tiên mẹ con tôi gặp nhau sau 8 năm xa cách. Do nơi cải tạo cách xa nhà, đường đi không thuận tiện nên những năm trước đó mẹ toàn gửi tiền lưu ký cho tôi sử dụng. Khi gặp mẹ, qua cách nói chuyện tôi nhận ra rằng, mẹ đã quá già và mang trong người nhiều bệnh tật. Ý nghĩ con gái làm mẹ khổ cực khiến tôi không sao chịu được”, Mai Anh kể, nước mắt chứa chan.

Chị ta kể rằng, đã từng có ý nghĩ tiêu cực và những ngày tháng không ăn không ngủ được ấy khiến Mai Anh lúc nào cũng như kẻ mất hồn. Rất may là những xáo trộn trong lòng cô được các quản giáo biết đến. Và thông qua những lần được gọi lên trò chuyện, động viên, nhắc nhở, cô đã tỉnh ngộ. Khi đã xác định được việc mình phải làm, kể từ hôm đó, đêm nào Mai Anh cũng cầu nguyện cho mẹ được khỏe mạnh còn chị ta thì vững tâm hơn trên bước đường cải tạo.

“Hai năm nay cuộc sống của mẹ tôi cũng bớt khó khăn hơn rồi vì con gái tôi được bác đón về nuôi. Rồi các anh chị, mỗi người thêm chút ít đỡ đần mẹ nên cuộc sống của bà cũng đỡ chật vật”, Mai Anh kể. Nữ phạm nhân này cho biết từ ngày về trại Thanh Phong cải tạo, mặc dù mỗi năm chỉ gặp người thân có một lần nhưng tháng nào cô cũng nhận được bưu phẩm do người thân gửi vào.

Kể về cuộc sống và công việc trong trại giam, Mai Anh cho biết, đã quá quen rồi nên có chuyển đội này hay đội khác thì cũng không cảm thấy lạ lẫm. “Ngày ở trại 5 tôi lao động ở đội làm hàng mã rồi đội thêu ren. Về Thanh Phong tôi cải tạo ở đội may mặc, bây giờ là đội đính hạt cườm. Công việc dù khác song cũng đều là cải tạo lao động, đều làm việc ngày 8 tiếng và nghỉ 2 ngày cuối tuần, nói là khác mà chả có gì khác cả”, Mai Anh tâm sự.

Cô gái này tâm sự rằng từ ngày vào trại, năm nào cũng được xếp loại khá nên hy vọng vài năm phấn đấu nữa sẽ đủ điều kiện để xét giảm xuống án có thời hạn. Mai Anh bảo tháng nào cũng gọi điện thoại về cho gia đình, được nói chuyện với mẹ và con gái nên rất vui.

“Mẹ khỏe, con gái ngoan chính là động lực để tôi có thêm quyết tâm cải tạo. Những thông tin về mẹ và con gái chính là nguồn động viên khích lệ tôi cố gắng hơn nữa trên bước đường chuộc lỗi. Đó cũng là mong mỏi của mẹ tôi và mỗi khi mệt mỏi, cứ nghĩ đến điều đó thôi là tôi lại cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Tôi sẽ cố gắng cải tạo tốt hơn nữa để sớm được xuống án, sớm trở về với gia đình. Điều tôi mong mỏi nhất chính là mẹ đừng có thêm bệnh tật gì và con gái chăm ngoan, biết nghe lời bà và các bác”, Mai Anh bộc bạch. Rồi như nhớ ra điều gì, cô cất giọng rụt rè: “Con gái tôi cũng gần chục tuổi rồi. Nếu tôi cố gắng và gặp may mắn thì 10 năm nữa sẽ mãn hạn, lúc ấy con gái cũng lớn rồi. Tôi phải sớm trở về để còn lo cho tương lai của nó, không để nó bước vào vết xe đổ của mẹ nó”.

Nghe phạm nhân này nói thế, chúng tôi chỉ biết thầm chúc cô ta thực hiện được đều mong mỏi bởi hơn ai hết, chỉ những người phụ nữ khi trở thành mẹ mới thấu hiểu những khao khát và mong mỏi của đấng sinh thành đã từng hy vọng với bản thân mình.

Theo (phapluatxahoi.vn)


TOP