PGS Bùi Hiền lí giải vì sao thay đổi “tiếq Việt” thành “tiếw Việt”

PGS Bùi Hiền lí giải vì sao thay đổi “tiếq Việt” thành “tiếw Việt”

Theo PGS Bùi Hiền, phần 1 là bản chưa hoàn chỉnh nên ông tiếp tục nghiên cứu phần 2 về cải tiến chữ viết tiếng Việt.

Theo PGS Bùi Hiền, trong phần 2 cải tiến chữ viết tiếng Việt vừa “trình làng” có sự thay đổi chút ít so với phần 1.

Sau những ngày bị dư luận “ném đá” về đề xuất cải tiến Tiếng Việt, mới đây PGS.TS.Bùi Hiền lại gây “sốc” trong dư luận, ông tiếp tục công bố phần 2 cải tiến tiếng Việt sớm hơn so với dự định (dự định tháng 3/2018).

Trao đổi với PV, PGS Bùi Hiền cho biết, trong bản cải tiến chữ viết tiếng Việt vừa “trình làng” có sự thay đổi chút ít so với phần 1 đã công bố trước đó.

Theo đó, chữ “q” biểu thị chữ “th”(thờ); chữ “w” biểu thị chữ “ng” (ngờ). (Trước kia, chữ “q” biểu thị chữ “ng”). Như vậy, nếu theo bảng chuyển đổi thì tất cả các từ kết thúc bằng âm “ng” sẽ biến đổi thành “w”. Ví dụ: Cải tiến “tiếq Việt” trở thành cải tiến “tiếw Việt”.

Theo ông Hiền, do phần 1 về cải tiến chữ viết tiếng Việt chưa hoàn chỉnh, vẫn còn “vênh” nên ông tiếp tục chỉnh sửa cho chính xác và đẹp hơn trong phần 2 này.

“Ở phần 2 này, về phụ âm vẫn thế, tôi chỉ chuyển đổi hai chữ “q” và “w” cho đẹp mắt. Xét về mặt âm vị, ở phần 1 tôi đã hoàn thiện nên ở phần 2 tôi chỉ hoán đổi về chữ viết cho các chữ khỏi cộc lốc chứ không phải cải tiến”, PGS Bùi Hiền cho hay.

Tác giả công trình cải tiến tiếng Việt chia sẻ: “Nhiều người chửi tôi là rửng mỡ à mà đề xuất đổi chữ quốc ngữ, đổi tiếng nói? Tôi xin khẳng định tôi không cải tiến chữ quốc ngữ. Tôi không cải tiến cách đọc. Tôi chỉ đổi giá trị âm vị, trừ một số chữ đổi hẳn về cách viết như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ). Những chữ này đổi về cách viết nhưng cách đọc văn bản vẫn như cũ”.

Theo ông Hiền, ở phần 2, không thay đổi gì về phụ âm và nguyên âm, chỉ cải tiến cách biểu đạt (chữ in đậm trong bảng chuyển đổi) gắn với cách viết.

Bảng chuyển đổi hoàn chỉnh bảng chữ viết tiếng Việt của PGS.Bùi Hiền

Ngoài ra, trong phần 2 của công trình, ông Hiền lại giữ nguyên chữ “nh” như chữ viết tiếng Việt hiện hành. Ông Hiền không đổi “nh” thành “n’” như phần 1 vì “nh” và “n’” vẫn là hai âm tiết. Khi viết phải viết 2 lần, không có tính tiết kiệm.

Do đó, đọc đoạn văn bản theo bảng chuyển đổi vẫn như cũ chỉ có cách viết để đọc các chữ đó khác so với chữ quốc ngữ hiện hành.

Thử đọc đoạn văn bản, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du

Bản sử dụng chữ quốc ngữ hiện hành:

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Bản chuyển đổi của PGS Bùi Hiền:

Căm năm cow kõi wười ta

Cữ tài cữ mệnh xéo là gét nhau

Cải kua một kuộc bể zâu

Nhữw diều côw qấy mà dau dớn lòw

PGS Bùi Hiền cho biết, mục đích của ông sau khi hoàn thiện công trình nghiên cứu tiếng Việt giúp sử dụng câu chữ đơn giản, gọn gàng, tiết kiệm, hợp lý, văn minh hơn.

“Việc cải tiến chữ viết tiếng Việt lần này cũng chính là để hướng tới tiếp tục nâng cao hiệu quả của bộ chữ cái La tinh đã trở thành chữ quốc ngữ của Việt Nam bây giờ. Ngoài ra, cải tiến này sẽ tạo điều kiện cho ngành thông tin điện tử, các máy tính, máy điện thoại thông minh tiếp tục cải tiến và tiết kiệm được đáng kể nguồn tài nguyên tin học”, tác giả công trình cải tiến chữ viết tiếng Việt chia sẻ.

Theo Diệu Thu (Dân Việt)


TOP