Người nuôi trồng thủy sản Nam Định 'trắng tay'

Người nuôi trồng thủy sản Nam Định ‘trắng tay’

Sau gần một tuần chìm trong biển nước, các gia đình ở bên ngoài đê tả sông Đáy thuộc các xã Yên Bằng, Yên Khang, Yên Phúc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định mới có thể trở về nhà.

Hơn 200 hộ dân sống tại ven đê sông Đáy, xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, Nam Định bị cô lập trong biển nước. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Tuy nhiên, hàng trăm héc ta nuôi trồng thủy sản đã bị ngập trắng, tài sản bị ngâm trong nước, trôi theo nước khiến cho người dân nơi đây gần như “trắng tay”.

Đi dọc theo tuyến đê tả sông Đáy từ xã Yên Bằng đến Yên Khang, phóng tầm mắt xa xa có thể dễ dàng nhận ra dấu vết của cơn mưa lũ lịch sử vẫn còn hiện rõ trên những nóc nhà, ngọn cây. Những mái nhà ngói đỏ, những mảnh vườn hoa màu, cây trái xanh mướt trước đây đã được nhuộm màu bùn đất.

Con đường vào thôn Ninh Mật, xã Yên Bằng nước đã rút nhưng vẫn còn ngập bùn. Các hộ bị ngập nhà phải đi ở nhờ, ngủ nhờ nhà người thân; ở tạm trong nhà văn hóa thôn, tại nhà thờ đã trở về nhà của mình. Một số nơi nước chưa rút nên vẫn chưa có điện, cuộc sống của người dân chưa thể trở lại bình thường.

Anh Vũ Văn Tân ở thôn Ninh Mật cho biết, đây là đợt mưa lũ nước dâng cao kỷ lục. Ở đây từ bé nhưng đây là lần đầu tiên thấy nước lên nhanh và ngập sâu đến vậy. Lúc 8 giờ ngày 11/10, nước sông Đáy tràn qua đê bối và bắt đầu vào nhà nhưng chỉ trong khoảng một tiếng, nước đã dâng cao hơn 1m. Gia đình chỉ kịp di chuyển lúa lên trên tầng 2, còn lại máy cày, xe máy, giường, tủ đều bị chìm trong nước.

Chỉ tay về phía ao cá trước nhà – nơi mặt nước vẫn còn đục ngầu, anh Tân buồn bã, vậy là 1 mẫu cá sắp đến vụ thu hoạch, mỗi con từ 2kg trở lên đã theo nước đi hết. Hơn 2 mẫu lúa nếp còn khoảng 10 ngày nữa là cho thu hoạch cũng gần như bị xóa sổ. Ước tính, gia đình thiệt hại gần 100 triệu đồng.

Còn ông Nguyễn Văn Thái – một trong những hộ bị thiệt hại nặng nhất ở thôn Ninh Mật giọng buồn rầu kể, nước dâng lên quá nhanh, căn nhà cấp 4 bị ngập lên tới mái. Gia đình chỉ kịp di chuyển 20 con lợn thịt, 1.000 con vịt con và một số vật dụng lên đê sông Đáy, còn các tài sản giá trị cùng 3 mẫu cá chuẩn bị thu hoạch bị chìm trong nước, trôi theo nước, thiệt hại cả trăm triệu đồng.

Cùng chịu cảnh nước lũ nhấn chìm nhà cửa, ao đầm, ruộng vườn, anh Nguyễn Văn Sỹ ở thôn Trại Mễ, xã Yên Khang lo lắng, khu vực này nước thường xuống chậm. Nhà ở thì một vài ngày nữa nước rút nhưng vườn, ao ít nhất cũng phải một tuần nữa mới cạn. Như vậy, hơn 2 mẫu nuôi thủy sản, lúa và hàng nghìn gốc chuối xem như mất trắng, gia đình gần như trắng tay. Anh Sỹ mong muốn, Nhà nước, các ngân hàng tạo điều kiện giãn nợ cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất chịu thiệt hại do thiên tai.

Ông Vũ Đức Thảo, Chủ tịch UBND xã Yên Bằng cho hay, nước lũ dâng cao làm hơn 200 hộ sinh sống ngoài đê tả sông Đáy bị ngập sâu trong nước từ 1 – 2m. Những thôn ngoài đê chủ yếu khai thác lợi thế diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Năm nay, mưa lũ ngập trắng, ước tính, toàn xã có khoảng 300 ha nuôi trồng thủy sản và lúa bị thiệt hại, chủ yếu là ở Hợp tác xã Quyết Tiến và Ngô Xá.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, trong đợt mưa lớn kéo dài, cộng với nước lũ dâng cao trên các sông vừa qua, tỉnh Nam Định có 2.500ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt bị ngập, tràn bờ. Ngoài ra, gần 40.000ha lúa mùa của tỉnh bị ngập sâu; trong đó, có gần 10.400 ha ngập phất phơ, trên 8.800 ha lúa bị ngã đổ chìm trong nước.

Ông Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định khuyến cáo, đối với những diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, người dân phải tiến hành thau rửa ao đầm; làm vệ sinh và tiến hành các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ vật nuôi.

Nam Thành (TTXVN)


TOP