Thương binh thật thành thương binh... giả

Thương binh thật thành thương binh… giả

Đó là chuyện của ông Đoàn Văn Nhuận ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông Nhuận bị thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thu hồi sổ thương binh vì cho rằng, hồ sơ thương binh của ông Nhuận là giả. Đồng đội cùng đơn vị ông Nhuận và các cơ quan chức năng đang vào cuộc để giải quyết “sự cố” đáng tiếc này.

Cựu chiến binh, thương binh Đoàn Văn Nhuận quê ở xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, vốn là y sỹ của Trung đoàn công binh 83 thời chống Mỹ. Trung đoàn làm nhiệm vụ chiến đấu và mở đường Trường Sơn, được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1975. Đồng chí Đoàn Văn Nhuận bị thương 2 lần trên đường Trường Sơn năm 1971 và đã được đơn vị cấp giấy chứng nhận thương binh ngay từ ngày ấy. Người ký giấy xác nhận ông Nhuận bị thương lúc đó là thượng tá Lê Nhật Cát, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83.

Vì điều kiện và hoàn cảnh chiến tranh, ông Nhuận chưa thể làm hồ sơ và được hưởng chế độ thương binh mà vẫn tiếp tục cùng đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu qua các chiến dịch trên đường Trường Sơn. Thế rồi, đất nước hòa bình, ông lại cùng đơn vị hành quân ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ xây dựng công trình bảo vệ biển đảo.

Vợ chồng ông Nhuận

Khi hoàn thành nhiệm vụ về nghỉ hưu ở quê, năm 2012 ông Nhuận mới làm thủ tục để hưởng chế độ thương binh. Qua giám định, ông Nhuận được xếp hạng thương binh 3/4, hưởng mức trợ cấp 1,3 triệu đồng/ tháng. Như vậy, ông Nhuận đã thiệt thòi là 31 năm trước, ông không được truy lĩnh tiền trợ cấp chế độ thương binh với tổng số hơn 400 triệu đồng. Vậy mà hiện nay, với lý do hồ sơ giả, ông vừa bị mất danh dự vừa phải trả lại số tiền đã lĩnh 5 năm qua khoảng hơn 60 triệu đồng.

Cả cuộc đời đi bộ đội, hết ở chiến trường miền Nam lại ra đảo xa, hai lần bị thương, bây giờ trở về, vợ chồng ông sống trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, đã xuống cấp. Tài sản của vợ chồng ông không có gì đáng giá vài triệu bạc. Vậy thì ông lấy đâu ra hơn sáu chục triệu để bồi hoàn?

Nhận được thông tin này, các đồng đội, bạn chiến đấu của ông thời Trường Sơn đã tìm về tận quê ông để giúp ông giải quyết vụ việc vô lý, sai trái đó.

Thượng tá Trần Thanh Tú, nguyên Phó chỉ huy về chính trị – Bí thư Đảng uỷ Trung đoàn Công binh 83, hiện là trưởng ban liên lạc Đồng đội Trung đoàn 83 (nay là Lữ đoàn Công binh 83) tỉnh Nam Định; Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83, Anh hùng LLVTND, hiện là Trưởng ban liên lạc đồng đội Lữ đoàn 83 khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã nhiệt tình vào cuộc.

Thiếu tướng Hoàng Kiền kể lại: “Nghe tin báo, anh Nhuận lo lắng như người tâm thần. Mất danh dự, mất quyền lợi, mất tiền đã và đang được hưởng, anh đã gặp anh Tú và tôi, nhờ giúp đỡ. Chúng tôi ngồi xem lại hồ sơ, thấy anh Nhuận làm đúng. Giấy chứng nhận bị thương đã ép plattic, hồ sơ nộp lên xã, huyện đúng như vậy; khi lên đến cấp tỉnh thì bị ai đó dùng bút sửa thông tin bên ngoài giấy ép platic ấy. Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH kết luận ngay là hồ sơ giả. Chúng tôi là đồng đội cùng đơn vị và xem giấy tờ xác nhận là anh Nhuận đúng. Các cơ quan làm chế độ thương binh đã tự sửa hồ sơ và thanh tra không xem xét kỹ nên kết luận sai”.

Thiếu tướng Hoàng Kiền và Thượng tá Trần Thanh Tú đã thảo văn bản kiến nghị là kết luận của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH không đúng. Ông Tú lên Hà Nội làm việc với Cục Người có công và Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, xin gặp Chánh thanh tra làm rõ nhưng không được. Ông Nhuận đã làm đơn, lấy xác nhận của Thiếu tướng Hoàng Kiền, Đại tá Phạm Việt Cường (nguyên Trung đoàn trưởng), Thượng tá Hoàng Hiển (nguyên Phó chính uỷ), Đại tá Tô Duy Toan (nguyên Chủ nhiệm chính trị) và Thượng tá Trần Thanh Tú (nguyên Chính uỷ). Sau đó ông Nhuận vào Nha Trang, gặp thượng tá Lê Nhật Cát (nguyên Trung đoàn trưởng, người đã ký giấy xác nhận ông Nhuận bị thương năm 1971) để xác nhận lại. Sau đó ông Nhuận vào Đà Nẵng xin Lữ đoàn 83 xác nhận văn bản do đồng chí Lê Nhật Cát ký xác nhận bị thương cho mình.

Ông Tú lên cơ quan chính sách của tỉnh đội Nam Định nộp văn bản đó, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Ông Hoàng Kiền điện cho ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đề nghị ông có ý kiến với Thanh tra Bộ xem xét. Hội Trường Sơn Việt Nam có công văn gửi Bộ LĐ-B&XH đề nghị xem xét để bảo vệ quyền lợi hội viên. Thanh tra bộ không trả lời, không gặp đối chất mà chuyển cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định giải quyết. Sở lại chuyển cho Quân khu 3. Chờ lâu không có hồi âm nên ông Hoàng Kiền và ông Tú đến gặp Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Chính uỷ Bộ tư lệnh Quân khu 3, trình bày và đề nghị trả lại sổ thương binh cho ông Nhuận. Ông Hùng xem hồ sơ và xác nhận là đúng, ông nói sẽ chỉ đạo cơ quan chính sách Quân khu 3 giải quyết. Quân khu chỉ đạo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định giải quyết. Cơ quan chính sách tỉnh này đề xuất là cho khám lại thương tật. Nhưng ông Hoàng Kiền nói là không khám lại, làm thế là công nhận đồng đội của mình gian dối và mình bảo vệ người gian dối. Hơn nữa, họ thu hồi tiền thì ông Nhuận lấy đâu ra mà trả. Phải kiên quyết đòi lại sổ thương binh đã cấp. Không thế để người ngay bị quy ra gian. “Nhìn đồng đội thiểu não, buồn rầu, lo lắng mà thương. Đáng buồn cho những người làm việc tri ân người có công lại gây ra sự việc này và không biết còn nhiều trường hợp như thế không”- Thiếu tướng Hoàng Kiền nói.

Các cơ quan chức năng đang giải quyết vụ việc của ông Nhuận. Mong sao họ sớm trả lại sổ và danh dự cho thương binh Đoàn Văn Nhuận trước ngày 27-7-2017, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ.

Ông Hoàng Kiền và ông Trần Thanh Tú cũng đang vận động đồng đội giúp đỡ để sửa lại ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp của gia đình ông Nhuận.

Đức Toàn – petrotimes.vn


TOP