Nam Định: Hiệu quả từ đề án xây dựng nếp sống văn minh ở Xuân Trường

Nam Định: Hiệu quả từ đề án xây dựng nếp sống văn minh ở Xuân Trường

Xuất phát từ việc thực hiện xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội chưa lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, tháng 6-2019, UBND huyện Xuân Trường – Nam Định đã xây dựng Ðề án “Ðẩy mạnh vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện”. Qua 1 năm thực hiện, đề án đã tạo những chuyển biển tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng NTM nâng cao.

Cán bộ xóm 2, xã Xuân Hòa vận động nhân dân thực hiện tốt các nội dung Đề án xây dựng nếp sống văn minh của huyện.

Ðồng chí Bùi Thị Hồng Chiên, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết, mục tiêu của đề án đặt ra là 100% xóm, tổ dân phố (TDP) trên địa bàn huyện tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy ước để nhân dân thảo luận, thống nhất đồng thời tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết thực hiện. Ðến hết năm 2020, tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ LLVT và 80% trở lên người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh. Từ năm 2021, toàn huyện không còn người dân vi phạm nếp sống văn minh. Từ mục tiêu trên, huyện xác định phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó xác định xóm, TDP là địa bàn vận động chính; đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên là lực lượng nòng cốt, đi đầu thực hiện cũng như vận động nhân dân. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo đề án của huyện cũng triển khai thực hiện đề án theo hướng khoa học, phù hợp tình hình thực tiễn của từng địa phương. Việc quán triệt, tuyên truyền các nội dung đề án đến các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị được đẩy mạnh thông qua các hội nghị, trên hệ thống loa truyền thanh, hệ thống pa-nô, áp phích tuyên truyền cổ động trực quan. Ở các khu dân cư là nơi trực tiếp thực hiện, các chi bộ Ðảng đã chỉ đạo trưởng xóm, tổ trưởng TDP phối hợp với ban công tác Mặt trận tổ chức họp toàn thể nhân dân lấy ý kiến tham gia điều chỉnh, bổ sung quy ước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi quy ước được phê duyệt, tổ chức họp dân lần 2 để phổ biến nội dung và thống nhất biện pháp tổ chức thực hiện; công khai quy ước tại nhà văn hoá xóm, TDP và tổ chức cho đại diện các hộ dân ký cam kết thực hiện. Khi có việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội diễn ra, trưởng xóm, tổ trưởng TDP mời tổ công tác của xã, thị trấn, ban chi uỷ, ban công tác MTTQ xóm, TDP hội ý thống nhất nhiệm vụ và trực tiếp đến tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ và giám sát gia đình thực hiện đúng các quy định đã nêu trong quy ước. Ðể đề án đạt hiệu quả cao, mỗi xóm, TDP trong huyện đều phải xây dựng ít nhất 2 mô hình điểm về đám cưới và lễ tang. Mô hình này thường là gia đình của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, có sự hướng dẫn và giám sát trực tiếp của thành viên tổ công tác các cấp để rút kinh nghiệm sau đó nhân ra diện rộng. Ðể đề án thực hiện hiệu quả, huyện tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá. Chi bộ, các đoàn thể quần chúng thực hiện tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện của xóm, TDP. Trong đó, nội dung thực hiện nếp sống văn minh là tiêu chí để đánh giá xếp loại cuối năm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên ở cơ sở cũng như các cơ quan, đơn vị, trường học. Các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị cũng thường xuyên biểu dương, khen thưởng những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt việc thực hiện nếp sống văn minh, nếu vi phạm sẽ bị xem xét các hình thức kiểm điểm, kỷ luật theo quy định của Ðiều lệ Ðảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội, quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức…

Sau một năm triển khai, đề án đã có sự vào cuộc của các cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp thực hiện của MTTQ, các đoàn thể và nhất là sự đồng thuận tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân. UBND huyện đã phê duyệt quy ước của 312 xóm, TDP có bổ sung các nội dung thực hiện nếp sống văn minh. Các xã, thị trấn đã chỉ đạo việc công khai quy ước xóm, TDP, tuyên truyền và tổ chức cho nhân dân ký cam kết thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương, số đám cưới, đám tang thực hiện theo nếp sống mới ngày một tăng. Ðến nay, toàn huyện có 109/312 xóm làm điểm về đám cưới; 82/312 xóm làm điểm về đám tang. Trong số 887 đám cưới đã tổ chức thì có 731 đám thực hiện theo nếp sống văn minh và 109 đám làm điểm nếp sống văn minh. Trong 718 đám tang thì có 663 đám thực hiện theo nếp sống văn minh và 82 đám làm điểm. Về việc tang có số lượng vòng hoa, bức trướng được hạn chế, một số nghi lễ rườm rà được cắt bỏ, việc ăn uống trong đám tang đã gọn gàng trong nội bộ gia đình, họ tộc… Với đám cưới, lượng khách mời, việc ăn uống, cỗ bàn đã giảm; đặc biệt không còn hiện tượng tiếp mời thuốc lá trong đám cưới. Việc tổ chức đưa đón dâu đã chấp hành đúng quy định của pháp luật về an toàn giao thông và trật tự công cộng. Dưới sự giám sát của các cơ quan, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đi dự lễ cưới trong giờ làm việc hầu như không còn. Mô hình “cưới văn minh, tiết kiệm” ở nhiều xã, thị trấn nhận được sự hưởng ứng của đông đảo thanh niên. Nhiều nơi khuyến khích các gia đình, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa, đình, chùa để giảm thiểu chi phí nhưng vẫn trang trọng. Ðặc biệt, việc phát động phong trào “làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần” được nhiều địa phương thực hiện rất tốt, đã giúp tiết kiệm chi phí cho gia chủ, xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự. Ở xã Thọ Nghiệp, trước đây nhiều gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn khi tổ chức cưới cho con đều “lo toát mồ hôi” vì phong tục “trả nợ miệng”. Cỗ tiếp khách luôn phải làm nhiều đồ ăn, nhất là đồ khô để cho khách mang về. Sau khi triển khai Ðề án xây dựng nếp sống văn minh, các xóm đã họp dân, thống nhất trong cán bộ, nhân dân thực hiện các tiêu chí, trong đó có “làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần”. Ðồng chí Trần Quang Nguyện, Bí thư chi bộ xóm 4 cho biết, xóm chọn một gia đình cưới con để thực hiện mẫu. Ðược chi bộ, ban công tác Mặt trận cùng cán bộ xã vận động, gia đình vui vẻ thực hiện. Các mâm cỗ đều cắt giảm một nửa số lượng đồ ăn so với những năm trước, chi phí chỉ còn khoảng 300 nghìn đồng/mâm. Xóm cũng chọn một gia đình có tang gia để tổ chức theo nếp sống văn minh. Các hủ tục lạc hậu đã dần được cắt bỏ, số lượng vòng hoa, bức trướng, lễ vật giảm căn bản, tỉ lệ đám hỏa táng ngày một cao, việc ăn uống trong đám tang gọn gàng, ấm cúng… Ðến nay, người dân trong xóm đã xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, góp phần để xóm xây dựng thành công xóm nông thôn mới kiểu mẫu. Xã Xuân Hòa có 18 xóm, là địa phương thực hiện rất tốt việc xây dựng nếp sống văn minh việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội. Ðồng chí Phạm Quang Ngọc, Bí thư Ðảng ủy xã Xuân Hòa cho biết, với sự chỉ đạo tích cực của Ðảng ủy, HÐND, UBND xã, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và nhân dân, việc thực hiện Ðề án xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn ngày càng đạt hiệu quả cao. Ðến nay, xã có 80% số xóm đạt danh hiệu “xóm văn hóa”, trên 90% số gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”, cuộc sống người dân ngày càng văn minh. Cùng với việc cưới, việc tang, việc mừng thọ trên địa bàn huyện không còn tổ chức chồng chéo, linh đình, phô trương. Các lễ hội trong huyện cũng được tổ chức ngắn gọn, nghi lễ thực hiện trang trọng, phù hợp truyền thống, phong tục địa phương; khắc phục tối đa nạn hành khất, cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan… Ðặc biệt, việc thực hiện đề án nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang, lễ hội và mừng thọ cũng được nhiều chức sắc tôn giáo vận động bà con giáo dân, tín đồ phật tử tích cực hưởng ứng, các nghi lễ được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới Ban chỉ đạo huyện Xuân Trường sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và mừng thọ gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ðồng thời, huyện chỉ đạo nghiêm túc phê bình những cán bộ, đảng viên có biểu hiện vụ lợi và lãng phí trong tổ chức việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội…, không gương mẫu, kịp thời biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt để khuyến khích phong trào, qua đó tạo môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xây dựng thành công NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Tags:

TOP