Cứu hộ ba cá thể gấu ngựa tại Nam Định trong dịch Covid-19

Cứu hộ ba cá thể gấu ngựa tại Nam Định trong dịch Covid-19

NDĐT – Ngày 21-4, Tổ chức Động vật châu Á thực hiện giải cứu ba cá thể gấu ngựa tại Hạt kiểm lâm Giao Xuân Hải, tỉnh Nam Định, đưa về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc trong cùng ngày. Chuyến cứu hộ diễn ra trong thời điểm vô cùng đặc biệt, khi cả nước đang chung tay chống dịch Covid-19.
Cá thể gấu ngựa cái ngoài cùng bên phải được đặt tên là Alice.
Ba cá thể gấu ngựa được một chủ nuôi gấu tại xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu tự nguyện giao nộp cho Nhà nước từ cuối tháng 3 và đã bàn giao cho Hạt kiểm lâm Giao Xuân Hải chăm sóc tạm thời. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Tổ chức Động vật châu Á đã xúc tiến các thủ tục cần thiết với Cục Kiểm lâm – Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm Nam Định theo đúng quy định, và nhanh chóng lên phương án sẵn sàng đi tiếp nhận gấu. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị phải tạm hoãn việc giải cứu, tuân thủ theo đúng yêu cầu giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ vì sự an toàn của những người tham gia và cộng đồng.

Thông tin của Chi cục Kiểm lâm Nam Định cho biết, tổng số lượng gấu bị nuôi nhốt là bốn cá thể, nhưng một gấu ngựa đã chết trong trang trại, chính vì vậy, để bảo đảm an toàn cho gấu, Chi cục đã quyết định đưa cả ba cá thể, hai gấu cái, một gấu đực còn lại về Hạt Kiểm lâm để kịp thời chăm sóc. Trong suốt quá trình thực hiện giãn cách xã hội, Tổ chức đã gửi hướng dẫn chăm sóc gấu cụ thể, phối hợp chặt chẽ và giữ liên lạc thường xuyên với các cán bộ Kiểm lâm Nam Định, nhằm đảm bảo sức khỏe của ba cá thể gấu.

Đoàn cứu hộ thực hiện đeo khẩu trang theo đúng quy định.

Tổ chức Động vật châu Á thống nhất với Chi cục Kiểm lâm Nam Định ấn định ngày cứu hộ với một số hạn chế nhằm thực hiện đúng các quy định an toàn phòng chống dịch bệnh như: đeo khẩu trang, giới hạn nhóm cứu hộ dưới 10 người, khai báo thân nhiệt những người có mặt. Đặc biệt, các chuyên gia quốc tế của Tổ chức đều mang theo hộ chiếu chứng minh không xuất cảnh trong suốt thời gian có dịch bệnh.

Các nhân viên của Tổ chức đã nghĩ cho gấu những cái tên mới đầy ý nghĩa, dựa theo các câu chuyện cổ tích với mong muốn mang tới một cuộc sống mới tự do và hạnh phúc cho cả ba tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam – nơi được coi là “thiên đường của gấu”. Cá thể gấu đực, nặng ước chừng 110 kg được đặt tên là James (theo truyện James và quả đào khổng lồ – cậu bé đã vượt qua sự tàn nhẫn để tìm thấy tình bạn và bình yên). Hai cá thể gấu cái nặng từ 80 -100 kg, được đặt tên là Bân (theo sự tích Nàng Bân đan áo – người phụ nữ đã chia sẻ sự quan tâm và lòng yêu thương), và Alice (Alice ở xứ sở diệu kỳ – vượt qua được thế giới ác mộng).

Khoảng cách từ Nam Định về Vĩnh Phúc mất chừng bốn tiếng đi đường, gấu sau cứu hộ được chuyển ngay về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam trong chiều cùng ngày. Sau cứu hộ, gấu sẽ trải qua 45 ngày cách ly, được khám sức khỏe và chữa trị các bệnh tật, thương tổn, trước khi được ghép nhóm và hòa nhập tại các khu bán tự nhiên.

Khu chăm sóc tạm chờ cứu hộ của ba cá thể gấu tại Hạt kiểm lâm Giao Xuân Hải, Nam Định.

Từ năm 2007 tới nay, Tổ chức Động vật châu Á đã cứu hộ được 214 cá thể gấu ngựa và gấu chó (cả gấu con và gấu sống lâu năm trong các chuồng cũi) tại nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam và hiện chăm sóc 185 cá thể tại các khu bán tự nhiên của Trung tâm.

Theo lộ trình từ 2017 tới 2022, Tổ chức Động vật châu Á đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam hướng tới chấm dứt 100% số trại gấu còn lại trên địa bàn cả nước và đưa được thêm khoảng 800 cá thể gấu nữa về các cơ sở cứu hộ. Thống kê mới nhất cho thấy cả nước còn khoảng hơn 600 cá thể gấu nuôi trong các trang trại, trong khi gấu ngoài tự nhiên chỉ còn vài trăm cá thể.

Nhân viên Tổ chức Động vật châu Á dụ gấu bằng bằng mật ong.

 


TOP