Vụ nước sạch đen như nước cống: Định kỳ vẫn được thuê kiểm tra “đều như vắt chanh”?

Vụ nước sạch đen như nước cống: Định kỳ vẫn được thuê kiểm tra “đều như vắt chanh”?

Lý giải do kinh phí hạn hẹp và thiếu nguồn lực nên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định chưa thể tiến hành ngoại kiểm thường xuyên trong khi “đều như vắt chanh” họ vẫn đi nội kiểm do được CTCP cấp nước Nam Định thuê làm.

Vừa qua, báo Người tiêu dùng đã có loạt phản ánh liên quan đến chất lượng nước sạch tại khu vực huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trước đó, trả lời trước báo chí, ông Đỗ Hữu Minh – Phó TGĐ CTCP cấp nước đã khẳng định, nước đầu ra của của chi nhánh Vụ Bản luôn được kiểm tra, theo dõi từng ngày từng giờ và nguyên nhân dẫn đến việc người dân phản ánh có thể do vỡ đường ống hoặc đường ống han gỉ xuống cấp nên nước có màu vàng, cặn bẩn và ký sinh xuất hiện.

Nước sạch đen như nước cống?

Tuy nhiên, câu trả lời này liệu có đủ sức thuyết phục người dân khi hiện tượng trên liên tục xuất hiện trong khi có cả hệ thống bảo dưỡng đường ống mạng từ phía công ty? Nhiều người dân vẫn đặt ra nghi ngờ, chất lượng nước sạch không đảm bảo có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của họ.

Tiếp tục hành trình đi tìm câu trả lời về nguyên nhân gây ra chất lượng kém của nước thành phẩm khi đến tay người tiêu dùng của Công ty CP cấp nước Nam Định chi nhánh Vụ Bản, chúng tôi đã làm việc với Ông Vũ Mạnh Thắng – PGĐ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định thuộc Sở Y tế Nam Định (là đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát vệ sịnh, chất lượng nước sạch).

Theo đó, tình hình chung trên địa bàn tỉnh Nam Định, những nhà máy nước sử dụng nguồn nước đầu vào lấy từ sông Nội Đồng đều có nguy cơ nước bị ô nhiễm. Trung tâm y tế dự phòng chỉ kiểm tra, giám sát chất lượng nước đã thành phẩm và không chịu trách nhiệm về nguồn nước đầu vào.

Cụ thể, theo ông Vũ Mạnh Thắng, tại các địa phường thuộc huyện Vụ Bản có tình trạng người dân phản ánh về chất lượng nước đã từng xảy ra năm 2017 và đơn vị đã tiến hành kiểm tra ngoại kiểm một loạt tất cả các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh và báo cáo sang sở Y tế và UBND tỉnh Nam Định. Nguyên nhân có thể do đường ống có vấn đề.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định.

“Hiện tượng xảy ra ở khu vực báo chí phản ánh đã xuất hiện từ năm 2017, thuộc chi nhánh cấp nước Vụ Bản của Công ty CP cấp nước Nam Định và nguồn nước đầu vào lấy từ sông Sắt. Chấm điểm sau khi kiểm tra, khu vực bảo vệ nguồn nước của cơ Sở này được xếp vào loại có nguy cơ gây ô nhiễm, thiếu biển báo giới hạn khu vực bảo vệ nguồn nước và không thực hiện chức năng báo cáo sang trung tâm y tế tính đến thời điểm hiện tại.

Trước đây khi thành lập nhà máy, trung tâm không được tham gia vào việc phê duyệt quy hoạch, cho nên chúng tôi không được tư vấn cho đơn vị này. Chính vì vậy, đi vào sản xuất họ mời và thuê trung tâm y tế tỉnh kiểm tra chất lượng sản phẩm của họ thôi, nguồn nước đầu vào chúng tôi không chịu trách nhiệm”, ông Thắng cho biết.

Trước câu trả lời này, PV thắc mắc, tại sao Trung tâm y tế dự phòng là đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nhưng lại để Công ty cấp nước thiếu trách nhiệm báo cáo thì làm sao có thể nắm bắt được tình hình và chất lượng nước? Và có khi nào, phải đợi người dân có ý kiến, họ mới thành lập đoàn kiểm tra mà không kiểm tra từ bước đầu? Lý giải về vấn đề này, theo đại diện trung tâm y tế, họ được Công ty CP cấp nước Nam Định ký hợp đồng dịch vụ kiểm tra nội kiểm, làm những xét nghiệm theo phía công ty yêu cầu.

“Tại nhà máy nước Vụ Bản, chúng tôi có kiểm tra theo yêu cầu nội kiểm, mẫu được lấy hàng tháng. Nội kiểm tức là họ thuê mình làm, chỉ kiểm tra một số vấn đề mà phía Công ty yêu cầu và về độ đục và ký sinh trùng trong đấy vào các tháng 1,2,3,4,5 đều đạt tiêu chuẩn. Chúng tôi xuống địa bàn dưới sự giám sát của công ty và người dân… hàng tháng có đảo địa điểm lấy mẫu để có đánh giá khách quan. Và vì chúng tôi là người trực tiếp làm công tác nội kiểm nên nắm bắt được tình hình, có thể do đó mà Công ty chưa báo cáo nhưng chúng tôi cũng đã nhiều lần nhắc nhở”.

Phiếu xét nghiệm tiêu chuẩn nước tháng 4/2018.

Theo đó, đáng ra công ty nước phải có phòng xét nghiệm đạt chuẩn, hàng giờ, hàng tuần, hàng tháng họ phải kiểm định chất lượng nước. Theo quy định việc xét nghiệm chất lượng nước phải được thực hiện tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025: 2005 về các chỉ tiêu chất lượng nước. Nếu theo tiêu chuẩn này, tất cả các nhà máy đều chưa có phòng thí nghiệm này bao gồm cả chi nhánh cấp nước Vụ Bản của CTCP cấp nước Nam Định.

Ông Thắng cũng thừa nhận, về việc ngoại kiểm, do hạn chế về kinh phí và nguồn lực nên đơn vị chưa thể kiểm tra thường xuyên được. Đồng thời, trung tâm cũng đã khuyến cáo tất cả nhà máy nước lấy nước đầu vào từ các sông nội đồng đều có nguy cơ ô nhiễm và phải thay thế từ các sông lớn như sông Đào… Tuy nhiên, từ năm 2017, CTCP cấp nước Nam Định đã được phê duyệt dự án chuyển đổi nguồn nước đầu vào từ sông Đào nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Như vậy, với việc được thuê để thực hiện nội kiểm theo chế độ hợp đồng, trả tiền thì làm mà phải chăng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định đang đánh quên nhiệm vụ của mình? Trong khi ngoài tần suất ngoại kiểm theo quy định của bộ Y tế còn có quy định “Kiểm tra đột xuất: Khi có nghi ngờ về chất lượng nước thành phẩm qua theo dõi báo cáo tình hình vệ sinh, chất lượng nước định kỳ, đột xuất của cơ sở cung cấp nước; khi xảy ra sự cố môi trường có thể ảnh hưởng đến vệ sinh, chất lượng nguồn nước; khi kết quả kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước hoặc điều tra dịch tễ cho thấy nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm; khi có các phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về chất lượng nước hoặc khi có các yêu cầu đặc biệt khác” (theo khoản 2 Điều 14 Thông tư 50/2015/TT – BYT v/v kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt).

Theo nguoitieudung.com.vn


TOP