Xuân Trường (Nam Định): Đổi thay sau 20 năm tái lập huyện

Xuân Trường (Nam Định): Đổi thay sau 20 năm tái lập huyện

Cách đây 20 năm, tháng 2/1997, huyện Xuân Trường (Nam Định) được tái lập sau 30 năm hợp nhất với huyện Giao Thủy. Kể từ ngày tái lập, với sự đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị trở thành điểm sáng trong tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội và công tác xây dựng Đảng.

Đường nông thôn mới về xã Xuân Hòa được xây dựng khang trang, đàng hoàng hơn. (Ảnh: HH)

Đổi thay trong phát triển kinh tế
Đồng chí Bùi Văn Hảo, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện cho biết, huyện Xuân Trường được tái lập theo Nghị định 19/CP ngày 26/2/1997 của Chính phủ. Khi mới tái lập điều kiện vật chất vô cùng khó khăn: chưa có trụ sở, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các cơ quan, đoàn thể của huyện phải làm việc nhờ tại các cơ sở gần trung tâm. Xuất phát điểm về kinh tế của huyện thấp. Sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội chậm. Hạ tầng kinh tế – xã hội và đời sống của các tầng lớp nhân dân còn nhiều khó khăn…

Bước đột phá trong phát triển kinh tế của Xuân Trường chính là tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI năm 2005 xác định tập trung khai thác mọi nguồn lực, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.

Từ một huyện thuần nông, đây là lần đầu huyện xác định phát triển mạnh công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp từ chỗ quy mô nhỏ lẻ, phân tán được tập trung phát triển với các ngành chủ yếu là cơ khí, đóng tàu, dệt may, chế biến lâm sản.

20 năm qua các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế. Từ huyện thuần nông, đến nay, Xuân Trường đã vươn lên đứng thứ hai, sau thành phố Nam Định về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của tỉnh. Toàn huyện hiện có 4 cụm công nghiệp với diện tích 52ha, cơ bản đã được lấp đầy.

So với năm 1997, từ chỗ chỉ có 13 doanh nghiệp khi tái lập, đến nay toàn huyện đã có trên 400 doanh nghiệp đang hoạt động và hàng nghìn hộ sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho trên 10 nghìn lao động với thu nhập khá. Giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2016 đạt 3.175 tỷ đồng, tăng gần 54 lần; giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt 31,6 triệu USD, tăng 28,7 lần. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện đã giảm từ 47,3% xuống còn 13,89%; trong khi đó cơ cấu công nghiệp, xây dựng tăng từ 21,9% lên 54,58%.

Tính đến hết năm 2016, quy mô kinh tế của huyện đã tăng gần 10 lần so với năm 1997. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm qua đạt trên 10% mỗi năm. Thu ngân sách nhiều năm đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch; đặc biệt năm 2016 đạt 184,028 tỷ đồng; gấp 8,68 lần so với năm 1997.

Hiện, sản xuất nông nghiệp cũng được xác định là thế mạnh của Xuân Trường. Sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, gắn với việc xây dựng nông thôn mới, huyện đã tích cực triển khai đề án tái cơ cấu, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, tiến tới sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp. Từ đó, các phương thức sản xuất mới gắn với việc tích tụ ruộng đất và chuyển đổi cây trồng trên đất hai lúa kém hiệu quả được mở rộng, thu hút nhiều hộ nông dân cùng một số doanh nghiệp có tiềm năng về vốn, khoa học công nghệ tham gia.

Sau hơn 6 năm triển khai xây dựng nông thôn mới tại huyện Xuân Trường đã đạt nhiều kết quả cụ thể. Tính đến hết năm 2015, toàn huyện có 12/20 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới. Hết năm 2016, toàn huyện có 17/20 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu đến hết năm 2017 tất cả các xã, thị trấn trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Xuân Trường đạt chuẩn nông thôn mới.

Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện

Bí thư Huyện ủy Xuân Trường Bùi Văn Hảo khẳng định, nhận thức sâu sắc quan điểm “Xây dựng Đảng là then chốt”, Huyện uỷ và các cấp uỷ Đảng cơ sở luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Đảng bộ huyện đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của cấp uỷ các cấp; nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Huyện uỷ luôn coi trọng việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ.

Công tác phát triển và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng luôn được quan tâm, chỉ đạo. Những ngày đầu thành lập, Đảng bộ huyện mới chỉ có 6.079 đảng viên, sinh hoạt ở 58 Đảng bộ, chi bộ cơ sở. Đến nay, số lượng đảng viên của Đảng bộ đã tăng lên, với hơn 8.000 đồng chí, sinh hoạt ở 74 Đảng bộ, chi bộ cơ sở thể hiện bước trưởng thành nhanh chóng của tổ chức Đảng từ huyện đến cơ sở.

Trên chặng đường mới, Đảng bộ huyện Xuân Trường tiếp tục triển khai tốt công tác xây dựng Đảng; đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của từng địa phương và toàn huyện.

Ghi nhận những nỗ lực và thành tựu đạt được trong 20 năm tái thành lập huyện, năm 2016, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Trường. Đây là phần thưởng cho những quyết tâm không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện trong việc xây dựng quê hương giàu đẹp.

Bí thư Huyện ủy Xuân Trường Bùi Văn Hảo cho biết, vinh dự là quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh, phát huy những kết quả đã đạt được sau 20 năm tái lập, thời gian tới Đảng bộ huyện Xuân Trường tiếp tục tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương, năng động, sáng tạo, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; vai trò, chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị, xã hội; tập trung khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững; củng cố quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị, xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân./.

Hiền Nguyễn – dangcongsan.vn


TOP