Công ty CP bóng đá Nam Định: Liệu có phải “đẽo chân cho vừa giày”?

Công ty CP bóng đá Nam Định: Liệu có phải “đẽo chân cho vừa giày”?

Ở kỳ trước, chúng tôi đã chứng minh thao tác thành lập công ty cổ phần (CTCP) đã giúp nhiều địa phương đáp ứng được tiêu chí của BTC giải (dẫu có hơi muộn màng). Tuy nhiên, không thể không đặt ra câu hỏi, sau khi được cổ phần hóa, một đội bóng có thực sự thay đổi về “chất” hay không?

Bóng đá Nam Định sẽ trở lại đấu trường V-League mùa giải 2018

Trước hết phải thấy rằng, một đội bóng được chuyển sang mô hình CTCP là hướng đi khá phổ biến (thậm chí có thể nói là duy nhất và bắt buộc) ở các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới.

Người Nhật đã đi trước chúng ta rất lâu và mô hình này rất thành công ở xứ sở mặt trời mọc khi vừa xóa bỏ được tình trạng “chạy ăn từng bữa”, vừa đảm bảo tính bền vững, lâu dài.

Song ở V.League, cái gọi là “cổ phần hóa” nhiều khi chỉ là sự đổi thay về hình thức. Chẳng phải thế sao khi CLB Quảng Nam dẫu hoạt động dưới sự quản lý, điều hành của Công ty CP Đầu tư QNK Quảng Nam thì đã hơn một lần, Giám đốc điều hành Nguyễn Húp bày tỏ sự không hài lòng với phát ngôn của ông bầu Đoàn Nguyên Đức, rằng “một đội bóng chuyên nghiệp chỉ cần 15 – 20 tỷ đồng là đã có thể sống khỏe”!

Theo ông Húp, chuyện đương kim Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nổi hứng đặt ra một “mức sàn” như thế vô tình làm khó cho nhiều đội bóng (trong đó có Quảng Nam) khi… xin ngân sách từ lãnh đạo tỉnh.

Mà chuyện chờ đợi “bầu sữa ngân sách” thì đâu phải chuyện riêng của người xứ Quảng. Bởi một thực tế không thể phủ nhận ở ta là trong tổng kinh phí hoạt động của một CLB chuyên nghiệp, nguồn cung thuộc loại “bao cấp” luôn chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Thậm chí không ít CLB còn ngay lập tức “giãy đành đạch” nếu lãnh đạo địa phương không có sự quan tâm đúng mức cả về vật chất lẫn tinh thần. Vậy thì đó là một đội bóng chuyên nghiệp hay “hồn bao cấp, xác chuyên nghiệp”? Hẳn bạn đọc đã tự tìm cho mình được câu trả lời.

Ở góc độ khác, nhìn vào thời điểm “cổ phần hóa” của những Cà Mau, Đồng Tháp và mới đây là Nam Định – chỉ trước khi mùa giải khởi tranh một thời gian ngắn – người hâm mộ không thể tránh khỏi cảm giác: Việc thành lập công ty bóng đá thực ra chỉ là cách để đối phó với quy định của BTC chứ đó chẳng phải sự thay đổi, chuyển hóa về “chất” của một CLB.

Ai cũng biết, mùa giải 2017, thời điểm Nam Định còn chưa giành vé thăng hạng, trước câu hỏi: Lộ trình tiếp theo là gì nếu lên chuyên (?), một thành viên trong đội đã lấp lửng: Cứ cố gắng đã, còn mọi chuyện đến đâu thì… từ từ tính! Rõ ràng, những lời lẽ ấy không thể hiện tâm thế của một đội bóng đã sẵn sàng cho công cuộc cổ phần.

Nói cách khác, chuyện một số đội bóng được gấp gáp “hô biến” thành CTCP thực chất chỉ là trò “chơi chữ” trên văn bản, mang tính chất “đẽo chân cho vừa giày” sao cho không phạm quy so với tiêu chí mà VFF đặt ra!

Điều này luôn tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường bởi diễn biến sân cỏ quốc nội những năm gần đây đã chứng minh: Cổ phần hóa không xuất phát từ yêu cầu nội tại cũng đồng nghĩa “án tử” luôn treo lơ lửng trước mặt mà bóng đá Đồng Tháp (từ khi thành lập CTCP đến lúc giải thể chỉ diễn ra vẻn vẹn trong 2 mùa giải) là dẫn chứng điển hình!

Chúng ta hãy cùng chờ đợi và hy vọng người Nam Định sẽ không đi vào “vết xe đổ” của những CTCP Bóng đá Đồng Tháp, Cà Mau!

Theo Mạnh Hà
(baothanhhoa.vn)


TOP