Hằng ngày, kể cả mưa rét, Minh cũng bắt 2 đứa con nhỏ ra chợ ngồi ăn xin. Việc làm mất nhân tâm bị nhiều người chỉ trích nhưng cô ta vẫn không dừng lại… Hành vi này liệu có bị pháp luật thanh trừng?
Mẹ bắt các con nhỏ ăn mặc rách rưới đi ăn xin
Tại phiên chợ Chiều (TT Gôi, Vụ Bản, Nam Định) kéo dài dọc con đường chưa đầy 700 mét nhưng có đủ mặt hàng buôn bán. Dạo gần đây, tại phiên chợ này xuất hiện thêm các loại hình bán hàng mới thu hút sự chú ý của nhiều người như: hát rong bán hàng, đẩy xe lăn của người khuyết tật đi bán tăm… Đặc biệt, điều làm cả phiên chợ khiến nhiều người ngỡ ngàng đến thương tâm chính là sự xuất hiện của 2 cháu bé mặc đồ rách rưới, lem nhem trải ni lông ngồi ăn xin.
Được biết, chúng bị mẹ ruột tên là Minh ở làng bên kia đường chở đến ngồi từ sáng đến trưa muộn, khi chợ tan mới được đón về. Đứa bé gái lớn thường ngồi cạnh trông em, nhưng cũng có khi cầm âu nhựa chạy quanh xin tiền để mặc thằng em nhỏ ngồi nghịch bẩn. Ngày nào chúng cũng có mặt ở đây, kể cả những ngày mưa rét vẫn thấy đến, quần áo lại rách rưới, phong phanh không đủ ấm khiến nhiều người thương cảm.
Cả buổi ngồi xin, chúng được người đi đường cho tiền, đa phần là tiền lẻ một vài nghìn, còn những người bán hàng ở đây thương quá cũng chỉ cho đồ ăn và áo ấm biết rõ hoàn cảnh của chúng. Có bao nhiêu tiền được cho, mẹ chúng cũng nướng vào cờ bạc.
Chính vì đi lang thang buôn bán, ngủ với nhiều đàn ông nên chính bản thân cô cũng không biết ai là cha của 2 đứa nhỏ. Gia đình vốn đã nghèo, mê trò đỏ đen nên nhà Minh lại càng nghèo hơn.
Dạo gần đây, đi buôn không có lời, thời tiết hay mưa rét nên thành ra, cô cứ quanh quẩn ở nhà, thỉnh thoảng ngó việc đồng áng. Vì thế, bữa ăn mỗi ngày còn không đủ huống chi đến việc mua sữa cho thằng cò mới hơn 1 tuổi vẫn cần bú mớm. Không biết ai xui khiến, cả tuần nay, Minh bỗng bắt 2 đứa con nhỏ ra giữa đường ăn xin.
Sự việc cứ thế diễn ra, cho đến khi đứa con thứ 2 của Minh bị ốm sốt, khóc quấy nhiều ngày được chuẩn đoán bị viêm phổi do nhiễm lạnh, lúc đấy Minh mới thôi không cho con đi ăn xin. Tưởng rằng đã nhận ra việc làm của mình là sai trái nhưng bất ngờ, chỉ vài ngày sau, Minh lại cho người khác thuê đứa con gái để đi bán hàng rong cùng một người khác.
Không thể đổ lỗi cho cái nghèo để bắt con đi ăn xin
Liên quan đến sự việc này, PV đã trao đổi với luật sư Trần Văn Kiên, đoàn luật sư TP Hà Nội để nhìn nhận dưới góc độ pháp luật.
Luật sư cho biết: “Về góc độ xã hội, cha mẹ nào cũng thương yêu chăm lo cho con cái của mình, tuy nhiên bắt con ruột của mình còn quá bé đi ăn xin là hành vi đáng lên án. Không thể đổ lỗi cho cái nghèo để đánh mất đi lương tâm của người mẹ trước hành vi này”.
Xuất phát từ tinh thần được quy định trong Hiến Pháp 2013 quy định: “Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cái thành những công dân tốt…Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con”.
Điều 37, Hiến pháp cũng quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”, điều này được cụ thể hóa trong luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện hành”.
“Trong tình huống trên, việc làm của Minh khi đối xử với con ruột của mình như vậy hoàn toàn không thể chấp nhận được. Luật HN&GĐ cũng có quy định tạm tước quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên khi họ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Việc tạm tước quyền này có thể kéo dài 1-5 năm do tòa án quyết định dựa trên yêu cầu người thân của trẻ, viện kiểm sát, hội liên hiệp phụ nữ hoặc ủy ban dân số – gia đình và trẻ em…”, luật sư cho biết.
Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em như sau:
“2. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cha, mẹ, người giám hộ ép buộc trẻ em đi lang thang kiếm sống;
b) Lợi dụng trẻ em đi lang thang để trục lợi”.
Ngoài ra, Điều 27 quy định Nghị định này cũng quy định: “3. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn; b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn”.
Tùy mức độ nghiêm trọng mà hành vi này còn bị xử lý hình sự. Cụ thể Điều 228 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: Nếu người nào sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Theo: Nguoiduatin.vn
- Chiêm ngưỡng cột cờ 200 tuổi độc đáo đất Thành Nam
- Màn cầu hôn siêu lãng mạn của cô dâu ‘đeo vàng trĩu cổ’ ở Nam Định với chú rể khiến dân tình ghen tị
- Múa rối Đầu Gỗ – Nét văn hoá đặc sắc trong lễ hội chùa Đại Bi
- Chàng trai Nam Định trổ tài gói bánh chưng mini bằng bao diêm hot nhất mạng xã hội
- Món ngon Thành Nam nhắc đến là thèm
- Tâm sự của một cô gái từng chạy đuổi theo tình yêu: Hãy yêu và lấy một chàng trai Nam Định làm chồng
- Hội đền Độc Bộ – lễ hội mùa thu lớn nhất Châu thổ Bắc Bộ
- Nam Định: Nổ lớn sập 3 nhà liền kề, 4 người thương vong
- Giao Thủy Nam Định: 30 năm đi hỏi giấy báo tử cho con
- Nam thợ xây bị phạt 7 triệu đồng sau liên hoan tất niên cuối năm
- Nam Định: Tập huấn cho công chức xã chuyên theo dõi công tác ATTP
- Nam Định: Côn đồ dùng súng bắn trọng thương tài xế và phụ xe khách
- Phó chủ tịch Nam Định: Thay đổi số phận, phải có tri thức
- Khám phá cảnh đẹp Nam Định qua camera VOV Giao thông Quốc gia
- Ra mắt Vincom Shophouse Nam Định dự án siêu hấp dẫn
- Ý Yên: Lật tàu chở đá, hai vợ chồng chết và mất tích
- Bão số 2 giật cấp 10 hướng thẳng Nam Định – Nghệ An
- Công an tỉnh Nam Định truy nã 3 đối tượng giết người
- Nam Định:Điều tra vụ nổ trong đêm làm 3 người chết 1 người bị thương
- Xu hướng phát triển chung cư tại các tỉnh thành
- Biển Thịnh Long Nam Định
- Người dân Nam Định gia cố nhà cửa, đắp bao tải cát trước nhà ứng phó với bão số 3