Bầu Đức và giáo sư Hồ Ngọc Đại

Bầu Đức và giáo sư Hồ Ngọc Đại

“12 năm làm Học viện bóng đá thì tôi phải đội 12 mũ cối vì bị ném đá”, bầu Đức nói về hành trình tiên phong đào tạo trẻ cho bóng đá Việt Nam.

Sách tiếng Việt Công nghệ Giáo Dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại đang trở thành chủ đề nóng cho dư luận. Không ít người trên mạng xã hội “ném đá” khi lý do thực tế dễ nhìn thấy nhất là khó chấp nhận được phương pháp mới khi quen với cái cũ.

Tuy nhiên, chúng ta quên rằng chương trình Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại khi được đưa ra phổ biến rộng rãi thì chắc chắn phải qua một quy trình nghiên cứu, kiểm chứng kỹ lưỡng nhất của Bộ Giáo dục.

Để mọi người cùng chấp nhận cái mới luôn là vấn đề nan giải mà không chỉ dành riêng cho câu chuyện Giáo dục, ví dụ như bóng đá Việt Nam cũng từng có định kiến về chuyện bầu Đức cho ra đời Học viện HAGL – Arsenal – JMG. Bầu Đức bị ném đá đến mức nào thì hãy nghe ông nói: “12 năm làm Học viện bóng đá thì tôi phải đội 12 mũ cối vì bị ném đá. Họ không tin tôi có thể làm được”.

Bầu Đức có những gì mới với bóng đá Việt Nam? Bầu Đức là người đầu tiên dám đưa về V.League một ngoại binh “khủng” đến rung chuyển cả bóng đá Đông Nam Á, đó là chuyện ngôi sao Kiatisak (huyền thoại bóng đá Thái Lan) chấp nhận về phố Núi chơi bóng ở giải hạng Nhất.

Bầu Đức gặp HLV Wenger để cho ra đời Học viện bóng đá. (Ảnh chụp lại từ tư liệu CLB HAGL).

Sáu năm sau cú chuyển nhượng lịch sử mang tên Kiatisak, bầu Đức gặp HLV Wenger của Arsenal để cho ra đời Học viện bóng đá HAGL – Arsenal – JMG. Đến bây giờ chúng ta mới có thêm Học viện Bóng đá Juventus Việt Nam tại Vũng Tàu, chuẩn bị công bố vào tháng 10 tới.

Bước đi của bầu Đức không hề mới nếu so với bóng đá thế giới, vì ông Wenger là người khuyên bầu Đức muốn làm bóng đá chuyên nghiệp bài bản thì cần làm đào tạo trẻ thật tốt. Học viện bóng đá trên thế giới đã ra đời từ rất lâu. Tuy nhiên, Học viện bóng đá với bóng đá Việt Nam là chuyện quá mới mẻ, nghe rất mơ hồ, vì từ lâu những người làm bóng đá nước nhà chỉ quen “xây nhà từ nóc”.

Đó cũng là lý do bầu Đức bị “ném đá”, nhiều ý kiến soi mói theo kiểu nghi ngờ khó có thể thành công, hay nuôi quân theo kiểu… “gà nòi để bán”.

Bây giờ, bầu Đức đã chứng minh cho tất cả thấy được con đường ông chọn trong quá trình phát triển bóng đá trẻ là đúng đắn. Chính bầu Đức là người mở đường để mang đến thành công của U23 Việt Nam.

Thế nhưng, không nhiều người biết được trong suốt 12 năm thì bầu Đức không chỉ bị “ném đá” mà công sức, tiền bạc bỏ ra rất lớn, cộng với đam mê tột cùng. Trồng người luôn rất gian nan, để có 1 lứa cầu thủ giỏi phải qua vô vàn khó khăn vì… chẳng khác nào nuôi con.

Lứa cầu thủ HAGL đến với bầu Đức từ lúc 10 – 11 tuổi từ một quy trình sàng lọc khắc nghiệt, sau đó những cầu thủ nhí được cho học văn hóa, tiếng Anh, học đá bóng, lo về dinh dưỡng, ngay đến cách tập cũng khác biệt là cầu thủ không được mang giày cho đến năm 17 tuổi. Đến lúc chuẩn bị ra lò, lứa cầu thủ này được đi nhiều nước để cọt xát, tiếp thu thêm kinh nghiệm từ các nền bóng đá phát triển. Tất cả đều quá mới so với bóng đá Việt Nam.

Vậy mới thấy, bầu Đức có tư tưởng cấp tiến trong quá trình làm bóng đá – đó là sự khác biệt so với phần còn lại. Đúng hơn, cái gì mới cũng mang đến tranh cãi lớn trong bóng đá Việt Nam, vì phần lớn mang tư duy làm bóng đá… chuyên nghiệp nửa vời.

Cái khó là không nhiều người biết được bầu Đức tốn công, tiền bạc như thế này để làm đào tạo trẻ. Vì vậy, họ “ném đá” bầu Đức trong nhiều năm qua, đến khi U23 Việt Nam thành công mới ghi nhận.

Câu chuyện Giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại ở tầm vĩ mô hơn rất nhiều so với “trồng người” trong bóng đá của bầu Đức, nhưng điểm chung có thể thấy là đang bị không ít người “ném đá” vì chưa chấp nhận được cái mới so với cái cũ.

Bầu Đức là ông bầu đam mê bóng đá tột cùng. (Ảnh chụp lại từ tư liệu CLB HAGL).

Có lẽ, mỗi chúng ta cần phải nhìn lại để tìm hiểu xem Thực nghiệm là gì? Sách tiếng Việt lớp Một Công nghệ giáo dục có ý nghĩa ra sao? Thực nghiệm đã có từ bao giờ? Tại sao chúng ta lo lắng khi nhiều người học trường Thực nghiệm đọc, viết bình thường, thậm chí giỏi về phát triển tư duy? Nếu chưa giải đáp được thì đừng vội “ném đá” một người từng từ chối đường quan lộ chỉ để về dạy lớp 1 là giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Từ bầu Đức đến giáo sư Hồ Ngọc Đại, hay đúng hơn là từ chuyện Học viện bóng đá đến cái lớn lao hơn là Công nghệ giáo dục, thực sự đáng để chúng ta phải suy ngẫm về vấn đề cái mới và cũ.

Theo (saostar.vn)


TOP