Gia đình lo hậu sự cho cụ 85 tuổi, bác sĩ ngăn lại và cái kết không ngờ

Gia đình lo hậu sự cho cụ 85 tuổi, bác sĩ ngăn lại và cái kết không ngờ

Trong căn nhà rộng chưa đến 15 mét vuông, đồ đạc đơn sơ, người đàn ông hơn 80 tuổi niềm nở chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân. Ông là bác sĩ Đặng Cát (SN 1936), nhà ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Cha nghèo mang cọc tiền lẻ đi mua vàng làm của hồi môn cho con gái
Món quà của ‘đại gia’ Sài Gòn khiến cậu học trò nghèo bật khóc
Bác sĩ Đặng Cát sinh ra trong gia đình nghèo ở Nam Định. Tuổi trẻ, ông phục vụ trong quân ngũ, sau đó được cử đi đào tạo tại Học viện Quân y Hà Nội và gắn bó với nghề này từ đó. Ông từng chữa trị cho nhiều thương bệnh binh, bộ đội và người dân nơi đơn vị đóng quân.

Năm 1970, ông được cử về làm Chủ nhiệm quân y tại Công an vũ trang tỉnh Sơn La. Thời gian này, ông đã trở thành bạn của nhiều người dân khi song song với các phương pháp điều trị bằng tây y, ông giúp họ chữa bệnh bằng nhiều bài thuốc dân gian hiệu quả điều trị cao.

Hai đề tài y học là tẩy sán dây bằng rễ cây hạt lựu và hạt cau; Chữa bệnh cổ vai gáy và cột sống lưng được ông nghiên cứu và ứng dụng điều trị thành công trên người bệnh.

Ông nói: “Tôi sử dụng rễ hạt lựu và hạt cau sắc lên cho đồng bào dân tộc uống, kết quả khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi tính hiệu quả của nó. Có những con sán dài vài mét được đẩy ra khỏi cơ thể người dân”.

Bs Đặng Cát (áo trắng) và các bệnh nhân đến từ Thanh Hóa

Vị bác sĩ đang kê đơn thuốc cho người dân

Thời gian gắn bó với Sơn La, rất nhiều bệnh nhân đã được ông cứu chữa. Ông nhớ mãi lần mình cứu cậu bé 3 ngày tuổi, Nguyễn Thành Đồng – con một người dân ở Sơn La, vào năm 1972. Khi sinh ra cậu bé hoàn toàn bình thường nhưng bốn ngày tuổi, bụng bé bắt đầu chướng to.

Chút quà quê của người bệnh tặng bác sĩ Cát khi ông từ chối lấy phí khám bệnh.

Gia đình đưa bé đi cấp cứu nhưng đến ngày thứ 8 thì bị trả về. Ông kể: “Gia đình bé gọi vào lúc nửa đêm. Nhận tin, vơ vội túi sơ cứu, tôi trèo đèo sang nhà cậu bé. Nơi đơn vị tôi đóng quân chỉ cách nhà cậu bé khoảng 1 km nhưng do địa thế đồi núi nên đi lại rất khó khăn”.

Sang đến nơi, thấy cậu bé vẫn đang thoi thóp, bụng phình to, tiếng khóc ngằn ngặt rít lên từng hồi rồi lịm đi, ông vội bế cậu bé vào lòng, khám lâm sàng rồi chẩn đoán cậu bé bị nhiễm độc. Còn nước còn tát, ông dùng mọi khả năng có thể để cứu cậu bé. Kì diệu thay, đến ngày thứ 13 bụng cậu bé xẹp dần, chịu bú sữa mẹ.

Cứ thế, ông bám bản, bám làng ở Sơn La được 10 năm, ngày chia tay bà con vây kín doanh trại đơn vị ông đóng, bùi ngùi tiễn ông về xuôi trong nước mắt.

Trong thời gian công tác tại Sơn La, rồi chủ nhiệm quân y trường Sĩ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng), ông từng được giới chuyên môn đánh giá cao khi là bác sĩ chuyên khoa ngoại và chuyên khoa truyền nhiễm.

Năm 1989, sau 30 năm phục vụ trong quân đội, ông nhận quyết định nghỉ hưu nhưng nỗi nhớ nghề vẫn đeo bám ông. Ông quyết định mang kiến thức của mình đi khắp nơi khám chữa bệnh cho mọi người.

Bệnh nhân của ông ban đầu là những người hàng xóm. Bất kể đêm khuya, ngày mưa gió cứ có người gọi ông lại đi. Không ít lần, vị bác sĩ quân y già “trêu ngươi cả tử thần”, cấp cứu kịp thời cho những ca đã bị trả về.

Theo bác sĩ Cát, lần đó, khoảng 12 giờ đêm, trời rét căm căm, khi ông vừa chợp mắt được một lúc thì nghe tiếng đập cửa mỗi lúc một dồn dập.

Đó là gia đình hàng xóm, họ khẩn khoản nhờ ông sang cấp cứu cho một người phụ nữ đã uống thuốc trừ sâu. Bệnh nhân đang sùi bọt mép, co giật, người nhà lo sợ đưa đi viện thì chậm trễ.

Bà Nguyễn Diệu Thúy, một bệnh nhân đang nhờ bác sĩ Cát chữa trị.

Bác sĩ Đặng Cát vội xách bộ đồ nghề, quên cả mặc áo khoác, tất tả lao đi. Đến nơi thấy nạn nhân có nhiều biểu hiện đồng tử giãn, bắt đầu mất ý thức, ông sơ cứu lâm sàng và tiến hành cấp cứu. May mắn, người phụ nữ đó qua được cơn nguy kịch. Vị bác sĩ già thở phào trong đêm…

Trường hợp cụ Nguyễn Thị Mùi (phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng là một bệnh nhân được ông cứu chữa. Năm 2014, cụ Mùi 85 tuổi, tuổi tác cao, sức yếu cùng với thời tiết thay đổi thất thường khiến cụ nhiều lần ốm nặng.

Theo bà Nguyễn Diệu Thúy (SN 1947, em gái cụ Mùi), bệnh tình của cụ Mùi chuyển biến xấu, mấy ngày không ăn uống được. Con cháu đưa cụ vào viện cấp cứu nhưng tình hình không khả quan hơn.

Gia đình đành đưa cụ về nhà, chuẩn bị công tác hậu sự, chờ đợi tình huống xấu nhất. Lúc này, một người con trong gia đình chợt nhớ ra vị bác sĩ già trước đã thăm khám cho mình, liền lấy xe đi đến nhà bác sĩ với hi vọng “còn nước còn tát”.

Về phía bác sĩ Cát, nhận được tin báo, ông đạp xe đến nhà bệnh nhân. Sau khi kiểm tra lâm sàng, bằng kinh nghiệm của mình ông dùng phương pháp sơ cứu trợ tim. Không ngờ phép màu đã đến, cụ Mùi dần hổi tỉnh, ăn được cháo và sống thêm nhiều năm về sau.

Ngôi nhà nhỏ của ông luôn tấp nập bệnh nhân đến khám.

Sau khi nghỉ hưu, trung bình mỗi ngày ông đạp xe hơn chục cây số và mỗi tháng chữa bệnh cho hàng trăm bệnh nhân. Hầu hết những người đến nhờ ông điều trị đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tấm lòng nhân ái của vị bác sĩ già đã khiến bao người cảm kích và trân trọng. Bởi vậy, TP Hà Nội đã tặng ông danh hiệu “Người tốt việc tốt” – một tấm gương sáng về lòng nhân hậu và đạo đức của người bác sĩ.

Vài năm gần đây, sức khỏe yếu nên ông khám hạn chế đi lại mà khám ở nhà. Nhiều người từ các tỉnh được giới thiệu cũng lặn lội về đây nhờ bác sĩ Cát điều trị.

Điều đáng nói, suốt gần 30 năm rong ruổi khắp nơi chữa bệnh cho người dân, bác sĩ Cát kiên quyết không nhận một đồng tiền nào. Bệnh nhân sau khi được ông chữa cho khỏi bệnh, biết ông không lấy tiền nên mang hoa quả và thực phẩm đến biếu nhưng ông đều từ chối.

Vị bác sĩ quân y 81 tuổi cho biết: “Bệnh nhân khỏe mạnh là món quà quý nhất của tôi rồi”.

Theo: vietnamnet.vn


TOP