Nghĩa An (Nam Định): Có trường học mà dân không vui

Nghĩa An (Nam Định): Có trường học mà dân không vui

Đầu tư gần 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để xây dựng một trường THCS khang trang, hướng tới mục tiêu xây dựng trường thành một cơ sở giáo dục phổ thông đạt chuẩn, tuy nhiên khi xây xong, thay cho việc đón con em địa phương vào học, chính quyền địa phương lại đang phải hỏi lại ý kiến dân việc sử dụng ngôi trường này như thế nào? Vì sao lại có chuyện này?

Trường THCS Nghĩa An vừa được xây dựng tại thôn Vân Đồn hiện chưa biết sẽ được sử dụng vào mục đích gì?

Nhiều ý kiến trái chiều

Tìm hiểu, biết xã Nghĩa An (Nam Trực) vốn được sáp nhập từ hai xã Nam An và Nam Nghĩa. Trước khi sáp nhập, xã Nam An và Nam Nghĩa đều có trường THCS riêng. Vào năm 2015, UBND huyện Nam Trực có quyết định sáp nhập Trường THCS Nam An và Trường THCS Nam Nghĩa thành Trường THCS Nghĩa An.

Sau khi được sáp nhập, Trường THCS Nghĩa An có 2 điểm trường, vốn là Trường THCS Nam An và Trường THCS Nam Nghĩa cũ. Trong đó, điểm trường miền Nam Nghĩa là nơi học tập của con em các xóm từ 1-12 (thuộc các thôn An Lá, Vân Đồn); điểm trường miền Nam An là nơi học tập của con em các xóm từ 13-24 (thuộc các thôn Bái Thượng, Bái Hạ, Đại An, An Tùy).

Sự việc chỉ bắt đầu phức tạp khi vào các năm 2015, 2016, cấp ủy, chính quyền xã Nghĩa An; cấp ủy, chính quyền huyện Nam Trực có chủ trương, thực hiện các bước đầu tư, xây dựng Trường THCS Nghĩa An mới tại địa điểm thuộc thôn Vân Đồn, nằm ở vị trí trung tâm xã Nghĩa An.

Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, tại địa bàn thôn Vân Đồn hiện diện công trình Trường THCS Nghĩa An bao gồm 9 phòng học cao tầng, khá khang trang, với kinh phí đầu tư xây dựng gần 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, do UBND xã Nghĩa An làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, cho đến nay công trình vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Việc xây dựng Trường THCS Nghĩa An mới tại thôn Vân Đồn, theo ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực là nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường trong điều kiện mới; nằm trong chủ trương, nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện về quy hoạch hệ thống trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất giáo dục gắn với việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và nằm trong đề án tăng cường cơ sở vật chất trường học trên địa bàn huyện Nam Trực, giai đoạn 2016-2020 đã được HĐND huyện phê chuẩn trong Nghị quyết số 56/2016.

Tuy nhiên, kể từ khi công trình Trường THCS Nghĩa An mới được xây dựng, người dân ở các thôn xóm trên địa bàn xã Nghĩa An có những phản ứng trái chiều.

Cụ thể, một số công dân ở thôn An Lá-nơi có điểm trường Nam Nghĩa, một trong hai điểm trường của Trường THCS Nghĩa An-có đơn thư gửi chính quyền xã, huyện, tỉnh phản đối việc xây dựng Trường THCS Nghĩa An mới tại thôn Vân Đồn, với nhiều lý do như: Địa điểm trường mới nằm xa địa điểm con em họ đang học gần 5 km, để tới trường con em họ ngày ngày đi qua tuyến đường S2-tuyến đường tránh TP Nam Định, rất nguy hiểm.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Duy Căn – Bí thư Chi bộ xóm 4- thôn An Lá: “Chủ trương xây dựng Trường THCS xã Nghĩa An mới tại thôn Vân Đồn chưa được phổ biến đến các đảng viên ở cơ sở; cũng chưa lấy ý kiến đóng góp của người dân trong khi việc này liên quan trực tiếp đến đông đảo người dân địa phương, vi phạm Quy chế dân chủ ở cơ sở…”.

Từ các lý do trên, cán bộ, người dân thôn An Lá yêu cầu huyện, xã phải đầu tư xây mới lại Trường THCS Nghĩa An tại điểm trường Nam Nghĩa; tháo dỡ trường mới xây ở thôn Vân Đồn hoặc chuyển sang sử dụng vào mục đích khác…

Ngược với ý kiến của công dân thôn An Lá, từ khi Trường THCS Nghĩa An mới được xây dựng tại địa bàn thôn Vân Đồn, người dân trong thôn rất phấn khởi, một phần do trường mới được xây dựng trên địa bàn thôn, việc học hành của con em họ sẽ trở nên thuận tiện, phần khác do trường mới được xây dựng khá khang trang.

Tuy nhiên, tiếp xúc với PV, cán bộ, người dân thôn Vân Đồn đều thể hiện sự bức xúc khi thấy công trình trường học đã được hoàn thành nhưng không thấy được đưa vào sử dụng, rất lãng phí.

Hỏi dân việc đã rồi

Được biết, liên quan đến đơn thư của người dân thôn An Lá phản đối việc xây điểm Trường THCS Nghĩa An mới tại thôn Vân Đồn thời gian qua chính quyền huyện Nam Trực đã tổ chức một số cuộc đối thoại, làm việc giữa các bên liên quan để giải quyết.

Trong đó, theo báo cáo số 35, ngày 15/5/2018 của UBND huyện Nam Trực về việc giải quyết nội dung đơn của của một số công dân xã Nghĩa An, tại buổi đối thoại ngày 13/3/2018, các ông Phạm Văn Hạnh-Bí thư Đảng ủy, Phạm Văn Hoạt-Chủ tịch UBND xã Nghĩa An đã thừa nhận sai sót khi chưa triển khai, giám sát việc thực hiện chủ trương xây dựng điểm Trường THCS Nghĩa An mới tại thôn Vân Đồn tới từng cơ sở nên nhân dân chưa nắm được chủ trương này, từ đó dẫn đến việc không đồng thuận trong nhân dân…

Tiếp đến, vào ngày 30/5/2018 mới đây, tại buổi làm việc giữa Huyện ủy, UBND huyện Nam Trực với đại diện Đảng ủy, UBND xã Nghĩa An; bí thư chi bộ, trưởng xóm của 12 xóm thuộc miền Nam Nghĩa (gồm các thôn An Lá, Vân Đồn), sau khi nghe UBND xã Nghĩa An báo cáo qua tham vấn cộng đồng 12 xóm miền Nam Nghĩa về việc xây dựng điểm Trường THCS Nghĩa An, có 70% số phiếu đồng ý xây mới điểm Trường THCS Nghĩa An tại vị trí điểm trường miền Nam Nghĩa hiện nay (xóm 4, thôn An Lá), buổi họp thống nhất một số nội dung, trong đó UBND huyện Nam Trực giao UBND xã Nghĩa An chủ trì, phối hợp với các phòng chức năng liên quan của huyện rà soát, điều chỉnh quy hoạch và thủ tục đầu tư để thực hiện xây dựng điểm trường mới tại xóm 4, thôn An Lá.

Đồng thời, UBND huyện giao UBND xã Nghĩa An phối hợp cùng Ủy ban MTTQ, các đoàn thể trong xã lấy ý kiến nhân dân về việc sử dụng công trình trường học mới được xây dựng tại thôn Vân Đồn.

Diễn biến trên cho thấy trước mắt ngân sách địa phương sẽ phải đầu tư một khoản kinh phí lớn để xây dựng điểm trường mới tại thôn An Lá đồng thời chính quyền hai cấp ở huyện Nam Trực đã đặt người dân xã Nghĩa An vào sự đã rồi.

Nếu người dân đề xuất sử dụng điểm trường mới xây ở thôn Vân Đồn (vốn được thiết kết cho đối tượng học sinh THCS) làm trường học mầm non thì ngân sách địa phương tiếp tục phải chi thêm một khoản lớn để cải tạo công năng cho phù hợp.

Nếu sử dụng cho mục đích làm khu trung tâm của Trường THCS Nghĩa An, nơi tổ chức các hoạt động chung của giáo viên, nơi tổ chức một số lớp học chuyên đề và lớp học cho những học sinh có điều kiện phù hợp…như đề án của xã thì dẫn đến việc một trường THCS của một xã vùng đồng bằng mà cùng lúc có tới 3 điểm trường (miền Nam An, miền Nam Nghĩa và khu trung tâm).

Vậy đến khi nào Trường THCS Nghĩa An mới được xây dựng tập trung, hoàn chỉnh, đạt chuẩn? Và Ban Giám hiệu nhà trường sẽ xoay sở cách nào để có thể cùng lúc quản lý, điều hành, giám sát tốt việc dạy và học ở 3 điểm trường?

Trần Duy Hưng
(đại đoàn kết)


TOP