Tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) từ lâu đã diễn ra khá phổ biến, là nguyên nhân gây ra nhiều sự cố về điện, làm thiệt hại cả về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động sản xuất, dân sinh.
Từ ngang nhiên vi phạm…
Có mặt tại một dự án xây dựng đang trong quá trình san lấp mặt bằng nằm ven tuyến đường cao tốc Nam Định-Phủ Lý, thuộc địa bàn xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc-Nam Định), chúng tôi không khó khi nhận ra hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA).
Theo đó, 3 DN gồm Công ty TNHH Minh Long, Công ty CPTMDV Thanh Tùng, Công ty CP nhựa Mỹ Thịnh (các DN được tỉnh cho thuê đất) khi thực hiện san lấp mặt bằng, không chỉ san lấp phần đất dự án mà còn “tiện tay” san lấp, đổ bê tông toàn bộ diện tích đất hành lang tiếp giáp giữa đất dự án và đường cao tốc.
Đáng nói là phần san lấp này nằm ngay dưới đường dây 35kV chạy qua, với 6 cột điện. Hậu quả, cả 6 cột điện đều bị san lấp từ chân cột (nền ruộng) lên cao gần 4m, hạ thấp chiều cao an toàn, vi phạm nghiêm trọng HLATLĐCA quy định tại Nghị định 14/2014-CP của Chính phủ.
Theo ông Bùi Văn Hiển, Trưởng Phòng An toàn- Công ty Điện lực Nam Định, vi phạm này bắt đầu diễn ra từ đầu tháng 3/2018, nhưng đến nay vẫn chưa được các DN vi phạm khắc phục, các cá nhân vi phạm cũng chưa bị xử lý.
“Quá trình san lấp, xe ben chở đất đá của đơn vị san lấp còn húc đổ, làm gẫy một cột điện cao thế gây sự cố nghiêm trọng” – ông Hiển phản ánh thêm.
Tại tuyến đường trục xã Thành Lợi (Vụ Bản), thuộc địa bàn xóm Đông, PV ghi nhận một hình thức vi phạm khác, đó là người dân ngang nhiên xây dựng nhà xưởng ngay sát cột điện và ngay dưới đường điện cao thế.
Theo đó, hai hộ Vũ Văn Thu và Vũ Nguyên Bình đã xây nhà xưởng lợp mái tôn ngay dưới đường dây 35kV (gồm 2 lộ 373+374 E3.1, cung cấp điện cho toàn bộ huyện Nam Trực).
Nhà xưởng của hai hộ trên được xây dựng trên hai diện tích đất liền kề. Trong đó, tường nhà xưởng của ông Thu được xây sát vào hai cột điện cao thế, “kết hợp” cùng một công trình phụ bên phía nhà ông Bình bao vây kín cột điện; trong khi mái nhà xưởng chính của ông Bình cao gần trạm đường điện. Khi được hỏi lý do vi phạm, ông Vũ Nguyên Bình thản nhiên nói: “Thấy hàng xóm (ông Thu-PV) làm được thì tôi cũng làm thôi!”.
Tìm hiểu, PV được biết hành vi vi phạm của hai hộ trên đã được phát hiện từ cuối tháng 5/2018. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có hộ gia đình ông Bình thực hiện tháo dỡ phần nhà xưởng vi phạm; riêng hộ ông Thu… “chưa có gì phải vội”.
Liên quan đến sự việc, thông tin với PV, ông Hoàng Văn Xứng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Công thương huyện Vụ Bản cho biết, đầu tháng 2/2018, phòng này có tham mưu cho UBND huyện ra văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, cho đến nay sự việc diễn biến ra sao, xử lý thế nào ông Xứng không nắm được, với lý do phòng quản lý đa lĩnh vực trong khi quá ít người…
Đến thiếu ý thức gây hậu quả nghiêm trọng
Trên đây chỉ là hai ví dụ điển hình về tình trạng ngang nhiên vi phạm quy định bảo vệ HLATLĐ. Tìm hiểu PV được biết, những năm qua, tình trạng vi phạm HLATLĐ trên địa bàn tỉnh Nam Định rất phổ biến, với nhiều hình thức vi phạm, nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng. Theo thống kê của Công ty Điện lực Nam Định, chỉ mấy năm qua, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 255 vụ vi phạm HLLĐCA.
Trong số những hành vi vi phạm, thú vui thả diều, thả vật bay là một trong những nguyên nhân gây ra rất nhiều sự cố về điện.
Theo đó, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh Nam Định xảy ra 28 vụ sự cố lưới điện; 8 tháng đầu năm 2018 xảy ra 18 vụ sự cố lưới điện đều từ nguyên nhân trên.
Cách đây chưa lâu, máy biến áp 110 KV trạm 110 huyện Nam Trực và cháy máy biến áp trung gian 35/10KV Cổ Lễ (huyện Trực Ninh) cùng lúc bị cháy, tổng thiệt hại lên đến hơn 10 tỷ đồng. Nguyên nhân sau đó được cơ quan chức năng xác định xuất phát từ việc người dân thả diều, để vướng vào đường dây điện.
Tương tự, cách đây chưa lâu, điện đột ngột bị mất tại hai huyện Ý Yên, Vụ Bản. Tuy thời gian bị mất điện chỉ kéo dài hơn 20 phút nhưng đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều DN đang hoạt động trên địa bàn, nhất là đối với các DN dệt nhuộm hoạt động trong KCN Bảo Minh (Vụ Bản).
Theo ông Trần Văn Tuấn, Phó TGĐ Công ty CP dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise, thiết bị dệt nhuộm của DN rất hiện đại, hoàn toàn tự động hóa, quy trình dệt, nhuộm sản xuất đều được lập trình từ trước, yêu cầu cao về tính liên hoàn, liên tục trong quy trình sản xuất.
Khi đó, sự cố mất điện đột ngột đã khiến nhiều máy biến tần, hàng nghìn chiếc kim dệt, bo mạch bị hư hại; sản phẩm dệt, nhuộm của công ty bị lỗi, phải thải loại; tổng thiệt hại gần 10.000 USD,…
Thực tế trên cho thấy, việc vi phạm quy định bảo vệ HLATLĐ dù là cố ý hay vô thức, kém hiểu biết cũng đều gây ra những hậu quả ngiêm trọng, cần phải có các biện pháp ngăn chặn.
Trần Duy Hưng
(đại đoàn kết)
- Bánh Trung thu truyền thống hút khách
- Tàu hỏa ”ủi” văng xe tải tại Nam Định, lái xe may mắn thoát chết
- Nhiệt điện mọc lên, số phận sông Ninh Cơ và vùng biển liền kề có thoát ô nhiễm?
- SỨC HÚT CHƯA TỪNG CÓ TỪ SỰ KIỆN RA MẮT TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI VÀ MỞ BÁN TÒA 25T NAM ĐỊNH TOWER
- Hơn 200 phật tử Nghệ An tham gia lễ đúc tượng Phật tại Nam Định
- Thương binh bị hàm oan vì xét duyệt chế độ tắc trách
- Bún Đũa – Nét Ẩm Thực Thành Nam
- Thành phố Nam Định ra quân mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại pháo
- Kẻ giết người tìm lối về trong trang sách hướng thiện
- Chiêm ngưỡng cây cảnh độc đáo giá bạc triệu ở phiên chợ bán rủi cầu may đầu năm
- Nam Định: Làm cơm cháy ngon từ xôi nếp thừa
- Nam Định: Va chạm với xe ô tô, người đàn ông tử vong thương tâm
- Bánh cuốn làng Kênh Nam Định chỉ nghe tên là lên cơn thèm
- Nam Định: Cố vượt ngang đường sắt, xe hoa 12 chỗ bị tàu đâm
- Đặc sắc múa tứ linh ở Đại Thắng, Nam Định