Cần minh bạch việc chuyển nhượng cầu thủ ở V-League

Cần minh bạch việc chuyển nhượng cầu thủ ở V-League

Các CLB ở V.League cần có phương án rõ ràng trong công tác tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và chuyển nhượng cầu thủ, như ‘lò’ đào tạo PVF cũng như cách làm ở Thai League.

Trong tuần qua, thị trường chuyển nhượng cầu thủ sôi động trở lại với V.League. Đầu tiên là việc một số CLB ở giải Thai Leauge đánh tiếng về việc mời một số cầu thủ Việt sang thi đấu như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Quyết… với giá chuyển nhượng bất ngờ như 70 tỷ đồng cho Công Phượng nếu đồng ý gia nhập Thai League.

Tiếp đó, Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF trao chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo cho các học viên khóa II và ký kết bàn giao cầu thủ cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp.

Theo đó, 22 cầu thủ trẻ của PVF là các học viên sinh năm 1997, 1998, 1999, 2000 đã chính thức được PVF bàn giao cho 6 CLB tại V.League gồm SHB Đà Nẵng và Sài Gòn FC, XSKT Cần Thơ, Hà Nội FC, B.Bình Dương, Nam Định; 3 CLB hạng Nhất: CLB Huế, Đồng Tháp, Bình Phước để thi đấu cho mùa giải 2018.

Mức lương, tiền chuyển nhượng các ngoại binh và cầu thủ trẻ ở V.League luôn là “con số bí mật”. Ảnh: Đức Dũng

Chưa biết giá của Công Phượng được CLB ở Thai League đưa ra là thật hay ảo và giá cả của từng cầu thủ PVF “bán” cho các CLB ở V.League lẫn giải hạng Nhất là bao nhiêu, nhưng chừng đó cũng thấy rằng tiềm năng bóng đá Việt Nam là rất dồi dào và nếu biết cách làm thì việc đào tạo, chuyển nhượng cầu thủ cũng là một nguồn thu rất lớn cho các CLB.

Thật ra, việc làm này không có gì là mới mẻ, chẳng qua là nó không được diễn ra một cách công khai và chuyên nghiệp như cách làm của “lò” đào tạo PVF cũng như các CLB ở Thai League.

Mà trước đây các CLB ở V.League ký với các ngoại binh giá bao nhiêu tiền đều không được tiết lộ, còn nội binh khi đang còn hợp đồng với CLB hoặc các cầu thủ trẻ thì thường được cho các CLB khác “mượn”.

Thế nên nhiều “lò” đào tạo có tiếng, cầu thủ “đi đánh thuê” nhiều, như SLNA, ĐTLA, Nam Định… nhưng CLB lại gần như chẳng thu được khoản nào.

Mà còn gây nên những nghi ngờ, dị nghị về việc lãnh đạo một số đội bóng “hớt tay trên”, “lấy phần trăm” ở các thương vụ “cho mượn” cũng như chuyển nhượng cầu thủ.

Có lẽ đã đến lúc, các CLB ở V.League cần có phương án rõ ràng trong công tác tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và chuyển nhượng cầu thủ, như “lò” đào tạo PVF cũng như cách làm ở Thai League.

Có như vậy các CLB mới làm rõ được tiền đầu tư cho đào tạo trẻ là bao nhiêu, thu về bao nhiêu, tiền chuyển nhượng ngoại binh như thế nào… để V.League ngày càng minh bạch.

Và đó cũng là cách để tránh một số CLB ở V.League “ăn xổi” không mở các lớp đào tạo trẻ mà chỉ mượn các “lò” khác về thi đấu các giải trẻ cho hợp lệ.

Điều này sẽ gây nên những hệ lụy như Quảng Nam vô địch V.League nhưng không được dự AFC Champion League vì không có hệ thống đào tạo trẻ.

Theo Đức Dũng( báo nghệ an)


TOP