Nam Định - Một trong 34 nền văn hóa tiêu biểu của thế giới

Nam Định – Một trong 34 nền văn hóa tiêu biểu của thế giới

Số quốc gia trên thế giới lên tới con số hơn 200, nhưng số nền văn hoá khu biệt nhau rõ ràng chỉ dừng ở con số 34. Trong đó, vùng đất Nam Định nay – Thiên Bản xưa với chiều dày lịch sử, chiều dày văn hoá đã góp phần không nhỏ và luôn có vị thế xứng đáng trong kho tàng văn hoá Việt Nam – một trong 34 nền văn hoá tiêu biểu của thế giới.

Như chúng ta đã biết: Bản sắc văn hoá Nam Định không thể tách rời nền văn hoá Việt Nam. Song, trên mảnh đất này, qua những năm dài của lịch sử vẫn có những dấu ấn riêng, tạo nên cốt cách của người Nam Định.

1. Nam Định là một trong những trung tâm của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, cư dân tụ họp về đây sinh sống từ rất lâu đời. Những kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội như: khảo cổ học, bảo tàng học, dân tộc học,… đã chứng minh người Việt cổ đã sớm có mặt ở vùng đất này (di chỉ khảo cổ học Núi Lê, hang Lỗ Xá, Tam Thanh huyện Vụ Bản; núi Hổ Sơn, xã Liên Minh; núi Thái, xã Kim Thái).

Từ xuất phát điểm đó, các làng, xã ở Nam Định hình thành và trở thành đơn vị hành chính hàm chứa những yếu tố văn hoá riêng biệt, bao gồm sự kết nối từ gia đình đến dòng họ, sau đó đến làng, đến quốc gia. Có thể nói, mối quan hệ giữa gia đình – dòng họ – làng xã là mối quan hệ vừa có tính huyết tộc, vừa có tính xã hội. 226 xã, phường và hơn một nghìn làng, thôn với 1.655 di tích lịch sử – văn hoá, khoảng 300 nhà thờ và đặc biệt là hơn 3.000 từ đường dòng họ, hàng trăm vùng có làng nghề truyền thống và các làn điệu dân ca, hàng ngàn bản hương ước, hàng trăm văn chỉ, văn từ,…tất cả hệ thống di sản văn hoá đó đã và đang hội tụ những giá trị tư tưởng, đạo đức, tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần hun đúc nên nhân cách con người Nam Định, luôn hướng tới Chân – Thiện – Mỹ và Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín.

2. Do nhận biết đặc điểm địa lý của vùng đất này, vùng đất có 2 cửa sông (sông Hồng, sông Đáy), một dải bờ biển, một vùng đồng bằng trù phú, một nguồn nhân lực vô tận, nên ở nhiều thời điểm, Nam Định luôn là nơi đầu sóng ngọn gió của các cuộc chiến tranh xâm lược, đồng thời cũng là nơi đóng góp sức người, sức của to lớn cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Vì thế, người Nam Định luôn tâm niệm rằng: “Phi nông bất ổn, phi thương bất phú, phi công bất cường, phi trí bất hưng”. Người Nam Định lấy tri thức làm trọng. Với nhận thức: tri thức và hiền tài là nguyên khí của quốc gia, từ nhiều thế kỷ trước, các vua Trần đã mở học hiệu ở làng Văn Hưng để đào tạo hiền tài cho đất nước.

Liên tục 7 thế kỷ sau, trường thi Nam Định luôn sánh vai cùng với trường thi Hà Nội và các trường thi xứ Đông, xứ Đoài, xứ Thanh, xứ Nghệ,…làm rạng danh nền khoa bảng Việt Nam. Do đó, người xưa đã từng truyền tụng: “Bắc Kỳ đa sĩ, Nam Định vi ưu” (Bắc Kỳ có nhiều kẻ sỹ, riêng Nam Định nhiều hơn cả). Đó cũng là nền tảng của đất học – đất văn.

3. Trong tiến trình phát triển của văn hoá Việt Nam, ở phương diện tư tưởng, người Nam Định luôn thức thời, nhanh nhạy nắm bắt cái mới mà vẫn bảo tồn những giá trị tinh tuý của truyền thống. Trong khi vẫn tồn tại hàng trăm ngôi chùa thờ Phật và Phật giáo đang là quốc giáo lúc bấy giờ, thì nền Nho học cũng sớm chiếm một vị trí đáng kể trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

Những yếu tố tích cực của đạo Khổng đã từng bước được Việt hoá. Hàng trăm tiến sỹ, trạng nguyên, hàng ngàn ông cử, ông tú, trong suốt 10 thế kỷ phong kiến Việt Nam, phần lớn đã trở thành Nho thần. Những nhà văn hoá nổi tiếng không những về kiến thức uyên bác mà còn về cốt cách phẩm hạnh.

Đến thế kỷ XVI, khi đạo Thiên Chúa xuất hiện ở Nam Định, người Nam Định cũng rất khéo léo xử lý để những tư tưởng nhân ái của chúa Jesu hoà đồng vào cuộc sống làng xã. Có thể nói, 3 luồng tư tưởng: Phật giáo – Nho giáo – Thiên chúa giáo đã hoà đồng vào đời sống văn hoá làng xã Nam Định, trở thành hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

4. Hiện nay, Nam Định tồn tại tín ngưỡng mang đậm phong cách Việt là tục thờ Đức thánh Cha và Đức thánh Mẫu (mẹ). Đức thánh Cha (Đức thánh Trần Hưng Đạo) là nhân vật anh hùng trong lịch sử, đệ nhất công huân làm nên sự nghiệp nhà Trần và bất tử trong thần điện cũng như trong tâm thức của người dân Việt Nam nói chung, Nam Định nói riêng.

Hơn hai trăm ngôi đền thờ Đức thánh Trần là minh chứng cụ thể, sinh động cho tín ngưỡng thờ Đức thánh Cha. Tín ngưỡng thờ Mẫu hình thành vào thế kỷ XVI tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. ở thời kỳ Lê – Trịnh, xã hội Đại Việt khủng hoảng ý thức hệ “vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi”, các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực, người dân lương thiện không còn biết trông đợi vào đâu.

Do vậy, họ đã tìm về cội nguồn tín ngưỡng cổ xưa: Thờ Mẹ – người Mẹ sinh ra con rồng cháu tiên, người Mẹ chở che, nâng đỡ và xoa dịu đi bao nỗi nhọc nhằn của cuộc sống. Do vị thế nhỏ bé nên tín ngưỡng thờ Mẫu được phối hợp thờ trong các ngôi chùa thờ Phật. ở hầu hết các ngôi chùa, đằng sau Phật điện là phủ thờ Mẫu. Tục thờ trên đây diễn ra trong thời kỳ nông nhàn.

Người nông dân sau khi chăm sóc mùa màng, lúc thảnh thơi là nghĩ tới “công cha, nghĩa mẹ”. Hình thành vào hai thời điểm khác nhau của lịch sử, nhưng đó là dấu ấn văn hoá riêng biệt của Việt Nam, bổ sung cho nhau, liên kết với nhau trong cặp phạm trù Cha – Mẹ. Những ngày lễ trọng chính là ngày mất của Đức Thánh Trần và Đức Thánh Mẫu, cũng như nhiều di tích khác, nhiều lễ hội khác đều tưởng niệm ngày mất (ngày giỗ) của anh hùng dân tộc và những nhà văn hoá.

Quan niệm của người Việt rất nhân bản: người mất đi về với tổ tiên, đi về thiên đường, về cõi niết bàn và không bao giờ mất mà sống vĩnh viễn với con cháu trên bàn thờ gia tiên.

5. Người Nam Định xưa và nay luôn chú ý tư tưởng hoà đồng. Hoà đồng trong tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng song vẫn có chính kiến. Bên cạnh đó, sự hoà đồng vào thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá đã khiến thiên nhiên trong đời sống văn hoá Nam Định có nhiều nét riêng biệt.

Người xưa có thú thưởng ngoạn cây cảnh, cây thế, ghép cây, tạo ra những hình tượng gắn liền với điển tích, điển cố như phụ tử, huynh đệ, Phúc Lộc Thọ,…Thú thưởng ngoạn này không chỉ dành cho những bậc quyền quý, quan lại mà ngay cả trong dân gian, người người, nhà nhà đều có thú vui thưởng ngoạn – đó là nét văn hoá thanh cao, trang nhã, giải toả nhiều nỗi bức xúc của cuộc sống, hướng ta vào Chân – Thiện – Mỹ, Phúc – Lộc – Thọ – Khang – Ninh.

Sự hoà hợp với thiên nhiên còn biểu hiện ngay trong các công trình, kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng. Chân tháp Phổ Minh được chạm khắc các loại hoa: hoa sen, hoa chanh, hoa mai, hoa cúc, hoa lan, mây trời, sóng nước,…Nghệ thuật chạm khắc đạt tới trình độ cao, điêu luyện, vô cùng sinh động, đồng thời hàm chứa những tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm, một tông phái mang đầy tính tự lập, tự cường của dân tộc trong suốt 7 thế kỷ qua.

6. Trong kho tàng văn hoá vật thể và phi vật thể của Nam Định, ông cha xưa đã dày công xây dựng và tích góp với nhiều thành tố tư tưởng, mỹ thuật, kỹ thuật mang đậm tinh thần lạc quan, yêu đời mà có thể coi đó là điệu cười Nam Định, vui tươi, dí dỏm, đôi khi cười ra nước mắt.

“Bốn nụ cười” ở một bức chạm tại đình Hưng Lộc (huyện Nghĩa Hưng) diễn tả tâm trạng 4 người: già có, trẻ có, nam có, nữ có, hồn nhiên và chân thực. Lại nữa, bức chạm “Quan quân ghẹo gái” ở đình Mỹ Trung diễn tả một cách dí dỏm ông quan với ba cô gái đang tắm ở hồ sen với người lính theo hầu cười toe toét ra chiều cảm thông, hoặc bức chạm “cua đánh trống, ếch thổi kèn, cá múa gươm, rồng thổi kèn” diễn tả xã hội thời Lê – Trịnh,…Tiếng cười đó còn đậm nét trong kho tàng văn hoá dân gian ở Hải Hậu, ý Yên, Nam Trực,…

Trong chiến tranh ác liệt, trong lao động hai sương một nắng, trong tình yêu lứa đôi, trong phê phán thói hư tật xấu của người đời, trong học hành thi cử, tiếng cười cứ vang lên, vừa sảng khoái, vừa sâu cay.

7. Không phải ngẫu nhiên người Nam Định dù ở đâu, làm gì cũng đều tự hào mình là người của quê hương triều Trần, một vương triều đã đạt tới đỉnh cao của hệ tư tưởng Đại Việt. Tư tưởng Đại Việt không những đánh bại tư tưởng của đế chế phong kiến phương Bắc mà còn là nền tảng để hình thành cốt cách người Nam Định và truyền thống văn hiến của Nam Định.

Từ nhận thức mối quan hệ “vua – tôi”, thực chất là mối quan hệ giữa Tổ quốc với trăm họ, người Nam Định luôn xác định lợi ích, trách nhiệm giữa từng cá nhân với Tổ quốc là mối quan hệ đặc biệt mang tính sống còn trong bất cứ thời điểm dựng nước, giữ nước nào. Bên cạnh đó, các cặp quan hệ phụ – tử (cha – con), phu – phụ (vợ – chồng), thủ – túc (bạn bè), mẫu – tử (mẹ – con), huynh – đệ (anh em) luôn luôn bền chặt.

Từ những cơ sở tư tưởng vừa có tính huyết tộc (gia đình) để rồi nâng lên tính xã hội (Tổ quốc), không thời kỳ nào, Nam Định lại không có anh hùng, hào kiệt, không có những tấm gương sáng chói tận trung với nước, tận hiếu với dân, từ vua, quan quý tộc cho đến tầng lớp bình dân.

Nhà thờ lớn nam định

Nhà thờ lớn nam định

8. Trong thế kỷ XX, những thế hệ con em Nam Định được thừa hưởng nền tảng văn hoá mà cha ông xưa đã đổ bao mồ hôi, máu và nước mắt tạo dựng nên. Song trước tình hình mới, người Nam Định đã nhanh chóng nhận ra rằng: con đường cứu nước, cứu dân không thể thành công bởi những nhà Nho yêu nước thương nòi, không thể bằng giáo dài, gươm sắc, không thể bằng các bài thơ đầy cảm khái, mà phải bằng phương pháp cứu nước hữu hiệu, phù hợp với xu thế lịch sử.

Chính vì vậy, khi học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng, các thế hệ con em Nam Định thấy rằng: đó là con đường thực sự cách mạng, thực sự cần thiết để giải phóng dân tộc, bảo vệ giống nòi, bảo vệ giang sơn, bảo vệ những giá trị tinh hoa của tiền nhân.

Do đó, qua gần một thế kỷ đấu tranh gìn giữ độc lập dân tộc, Nam Định đã có biết bao anh hùng liệt sĩ tô thắm trang sử vẻ vang, góp phần làm sáng hơn cốt cách, tâm hồn con người Nam Định. Mỗi người dân Nam Định luôn xác định trách nhiệm đầy vinh quang trước Tổ quốc, làng xóm, gia đình và bản thân. Điều đó góp phần kiến giải cho truyền thống văn hoá lâu đời của vùng đất đậm đặc những dấu ấn văn hoá. Những dấu ấn đó đã, đang và sẽ mãi mãi có một vị thế xứng đáng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Theo nguoinamdinh – 2001


TOP